Thứ 2, 29/07/2024, 03:18[GMT+7]

Thái Bình tuyên chiến với thực phẩm bẩn (Bài 2)

Thứ 6, 14/10/2016 | 08:33:26
1,715 lượt xem
Chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGahp là giải pháp phát triển bền vững. Mục tiêu áp dụng quy trình VietGahp vào chăn nuôi, trồng trọt là tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời mang lại năng suất, hiệu quả cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, việc sản xuất thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế cần có lời giải.

Sản phẩm nông sản an toàn cần có đầu ra ổn định.

Bài 2: Thách thức trong sản xuất nông sản an toàn

Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) được triển khai thực hiện tại Vũ Thư từ tháng 3/2010. Ðến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành và đi vào hoạt động hai HTX chăn nuôi là HTX Hợp Thành, xã Bách Thuận và HTX chăn nuôi thôn 2 xã Vũ Ðoài, trong đó xã Bách Thuận có 120 hộ, xã Vũ Ðoài có 83 hộ tham gia. Theo ông Phạm Hồng Ðăng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện: Chăn nuôi theo quy chuẩn VietGahp góp phần hạn chế dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tỷ lệ lợn mắc bệnh chết, còi cọc nhỏ dưới 1%. Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh đạt 100%. Tuy vậy, các hộ chăn nuôi theo quy chuẩn VietGahp còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Việc tiêu thụ vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái đến từ nhiều nơi nên không bảo đảm tính ổn định và bền vững.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 728 trang trại (546 trang trại lợn, 128 trang trại gia cầm, 51 trang trại tổng hợp, 3 trang trại bò). Ngoài ra, toàn tỉnh còn có hơn 21.500 gia trại chăn nuôi và gần 200.000 hộ chăn nuôi nhỏ nằm xen kẽ trong khu dân cư.  Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), toàn tỉnh có 1.008 hộ/8 xã/4 huyện thực hiện mô hình VietGahp và 2.371 hộ/48 xã nhân rộng mô hình. Kết quả áp dụng quy trình VietGahp đã có 1.297 hộ được cấp giấy chứng nhận hộ chăn nuôi an toàn VietGahp. Ðây là con số quá nhỏ so với số lượng hộ chăn nuôi trong tỉnh. Ðược biết, Ban Quản lý dự án Lifsap tỉnh đã triển khai cho các hộ chăn nuôi tham gia dự án tại các xã mở rộng tự đánh giá và chấm điểm 29 tiêu chí VietGahp. Qua theo dõi kết quả tự chấm điểm 29 tiêu chí VietGahp cho thấy hầu hết các hộ chăn nuôi tại các xã mở rộng còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí trong quy trình VietGahp, đặc biệt là các tiêu chí nhận diện gia súc, hồ sơ xuất bán, ghi chép sổ sách...

Trong lĩnh vực trồng trọt, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa đặc thù như vùng sản xuất ớt ở xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ); vùng sản xuất rau, dưa xuất khẩu ở các huyện Thái Thụy, Hưng Hà; vùng sản xuất khoai tây ở thành phố Thái Bình... Tuy nhiên, quy mô các vùng sản xuất còn hạn chế, chưa phát triển được thành những vùng chuyên canh lớn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tương ứng; chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, tình trạng lạm dụng chất hóa học trong canh tác còn phổ biến. Hiện toàn tỉnh mới có 6 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn với diện tích 14,48ha. Chưa có cơ sở nào đăng ký sản xuất rau an toàn và đăng ký cấp chứng nhận đủ điều kiện chế biến rau an toàn. Trong những năm qua, tuy đã xây dựng nhiều mô hình thí điểm sản xuất rau an toàn, mở nhiều lớp tập huấn về rau an toàn song hoạt động này mới ở giai đoạn nâng cao nhận thức của nông dân về rau an toàn và hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất rau an toàn về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau hầu như chưa có, nếu có cũng mới chỉ ở quy mô nhỏ và chưa đồng bộ. Toàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất rau ứng dụng công nghệ tiên tiến hoặc hệ thống nhà màn quy chuẩn.

Bên cạnh đó, việc sơ chế, chế biến nông sản chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh hiện có 7 công ty chế biến thu mua rau, củ, quả công suất từ 2.000 - 3.000 tấn/năm, còn lại rau, củ, quả được thu mua nhỏ lẻ, bán tại các chợ địa phương, một số doanh nghiệp tỉnh ngoài ký kết hợp đồng thu mua rau, củ, quả chế biến nhưng đều chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện “Cơ sở chế biến rau an toàn”. Trên địa bàn tỉnh chưa có chợ, cửa hàng bán rau an toàn được cơ quan chuyên môn chứng nhận. Công tác quản lý chất lượng rau, lúa mới tập trung vào việc lấy mẫu ngẫu nhiên ở các vùng sản xuất rau và chợ được kiểm tra bằng phương pháp test nhanh và gửi mẫu phân tích tại các phòng thử nghiệm quốc gia.

 Có thể thấy, quy trình chăn nuôi và trồng trọt theo quy chuẩn VietGahp là rất khắt khe, chặt chẽ. Nhiều nội dung cá nhân, đơn vị sản xuất phải thực hiện thông qua kiểm tra, đánh giá của cơ quan, tổ chức được chỉ định cấp chứng nhận VietGahp, phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận... Như vậy, làm sao để mở rộng sản xuất chăn nuôi, trồng trọt an toàn là bài toán cấp thiết cần sớm có lời giải.

Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Thư

Chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao cả về số lượng, sản lượng nhưng năng suất thấp. Bên cạnh đó, dịch bệnh nguy hiểm vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm tăng cao, trong khi đó sản phẩm chăn nuôi của các hộ Gahp chưa tăng được tính cạnh tranh, chưa có ưu thế hơn hẳn so với sản phẩm không áp dụng Gahp nên việc mở rộng mô hình sản xuất thực phẩm an toàn còn hạn chế.

Anh Trương Văn Trị, Giám đốc Công ty TNHH Giống thủy sản Hải Long (Tiền Hải)

Nông sản nói chung, thủy hải sản nói riêng muốn bảo đảm an toàn về chất lượng, phải bắt đầu từ khâu chuẩn bị cây, con giống tốt, sạch bệnh. Ðối với Công ty chúng tôi, mỗi loại cá biển sau khi được thuần chủng, trước khi chuyển giao, khách hàng đều được nhận tài liệu và hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản như đào ao, vệ sinh ao, phương pháp nuôi và phòng bệnh cho cá. Tuy nhiên, nhiều hộ chăn nuôi do ham giá rẻ hoặc thiếu kiến thức nên vẫn nuôi thả con giống kém chất lượng, dễ gây dịch bệnh thủy hải sản. Ngoài ra, vai trò quản lý chất lượng con giống của cơ quan chức năng cũng còn nhiều hạn chế.

Ông Lưu Sỹ Ðoán, xã Thái Hồng (Thái Thụy)

Sản xuất chuỗi thực phẩm an toàn đòi hỏi người sản xuất phải có trách nhiệm cao, phải theo dõi chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi khép kín. Do đó, để thay đổi thói quen sản xuất thông thường cho phù hợp với quy trình cần phải có thời gian để người chăn nuôi thích nghi với phương pháp chăn nuôi mới. Cùng với đó, cần hỗ trợ tạo được đầu ra ổn định để người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Bà Phan Thị Hồng, tổ 17, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình

Là người nội trợ, tôi rất coi trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho các thành viên trong gia đình. Tôi cũng như nhiều người dân khác thực sự lo sợ khi gần đây xuất hiện hàng loạt vụ việc như chất tạo nạc trong chăn nuôi, dư lượng kháng sinh trên rau, củ, quả… Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại thiếu sự kiểm soát chặt chẽ do nhân lực ít, không đủ phương tiện kiểm định, phân định chức năng, nhiệm vụ thiếu rõ ràng. Chưa có cơ quan dán tem kiểm định chất lượng các loại nông sản, vì vậy người tiêu dùng chỉ lựa chọn sản phẩm bằng cảm quan, kinh nghiệm và dựa trên tín nhiệm của cơ sở cung cấp.

 

 

(còn nữa)

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa