Thứ 3, 06/08/2024, 11:19[GMT+7]

Thái Bình tuyên chiến với thực phẩm bẩn (Bài 4)

Thứ 2, 17/10/2016 | 09:01:07
1,590 lượt xem
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) song không phải trên thị trường vắng bóng thực phẩm sạch. Ở Thái Bình có nhiều mô hình trồng rau an toàn, chăn nuôi an toàn sinh học và áp dụng theo mô hình VietGAP. Tuy nhiên, để các mô hình được nhân rộng, sản phẩm đến được các bếp ăn là điều không hề đơn giản. Để giải quyết vấn đề này, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cần phải thiết lập chuỗi các hoạt động bảo đảm ATVSTP xuyên suố

Thực phẩm đầu vào của Trường Mầm non 1/6 bảo đảm chất lượng.

BÀI 4: ĐỂ CÓ NHỮNG BỮA ĂN AN TOÀN

Sản xuất nông sản khép kín

Ông Trần Minh Bằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX DVNN xã Trọng Quan (Đông Hưng) cho biết: Từ năm 2013, HTX đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trồng thử nghiệm rau an toàn ở 3 hộ có diện tích lớn. Ngay sau đó mô hình đã được nhân ra diện rộng theo quy trình bảo đảm an toàn, khép kín từ khâu giống đến các điều kiện sản xuất, quy trình chăm sóc, thu hoạch. Kết quả cho thấy tất cả các mặt hàng rau, củ, quả ở Trọng Quan hiện nay đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, người dân sử dụng thuốc đúng quy trình, đúng thời gian cách ly nên đã tạo được nguồn thực phẩm an toàn cung cấp ra thị trường. Theo ông Nguyễn Như Liên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, mô hình trồng rau an toàn được Trung tâm triển khai tới các địa phương theo nhiều chương trình và hình thức khác nhau. Năm 2013, Trung tâm đã tổ chức cho một số đơn vị đi tham quan mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới và đã học tập quy trình từ chăm sóc đến thu hoạch. Sau đó hỗ trợ kinh phí cho một số đơn vị, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở để thực hiện. Điển hình như Doanh nghiệp tư nhân Vân Tiến vừa là đơn vị sản xuất nông sản vừa chế biến cơm hộp đã tiên phong thực hiện mô hình này. Đặc biệt, thời gian qua, Trung tâm đã nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loại rau bằng phương pháp khí canh, thủy canh, bước đầu đã loại bỏ được sâu bệnh, kiểm soát được chế độ chăm sóc và thời gian chăm sóc trước khi thu hoạch, loại bỏ tới mức thấp nhất hàm lượng kim loại nặng và nitrat trong rau. Hay trong lĩnh vực chăn nuôi, hàng năm, Trung tâm đã xây dựng hàng chục mô hình chăn nuôi an toàn trong nông hộ như chăn nuôi vịt, gà thịt an toàn sinh học, mô hình nuôi cá vược trong ao. Điển hình như chương trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học và áp dụng VietGAP cho 12 hộ dân ở Vũ Thư với quy mô 120 con từ năm 2011 đã cho kết quả khả quan: lợn ít bị nhiễm bệnh, phát triển nhanh hơn, ít tiêu tốn thức ăn hơn, giảm chi phí trong chăn nuôi và quan trọng hơn là môi trường chăn nuôi được cải thiện.

Chế biến bữa ăn ở Trường Mầm non 1/6.

Vẫn phấp phỏng lo

Như vậy, nguồn thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh không phải hiếm, điều quan trọng hơn là để người tiêu dùng biết đó là sản phẩm an toàn và nhập được nguồn hàng an toàn để chế biến mới là điều quan trọng. Theo ông Trần Trọng Kim, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10, tất cả các nguồn thực phẩm đầu vào bếp ăn của các xí nghiệp May 10 trên địa bàn đều tươi, ngon nhưng chỉ mới dựa vào sự tin tưởng, cam kết của đơn vị cung cấp còn nhà cung cấp lấy thực phẩm ở đâu thì doanh nghiệp không nắm được. Điều trăn trở nhất của ông Kim là liệu các nhà cung cấp có lấy thực phẩm ở những đơn vị sản xuất thực phẩm bảo đảm ATVSTP không hay lấy ở nhiều nơi khác. Trong khi giải pháp ràng buộc các nhà cung cấp chỉ bằng việc xuất trình giấy chứng nhận ATVSTP của nơi sản xuất và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng mất ATVSTP. Vì thế, chỉ khi nào ký hợp đồng trực tiếp với các cơ sở sản xuất nông sản an toàn mới có thể yên tâm. Hay đối với Doanh nghiệp tư nhân Vân Tiến, hàng ngày chế biến và cung cấp hàng nghìn suất cơm hộp cho các doanh nghiệp cũng không khỏi trăn trở về vấn đề này. Giám đốc Trần Duy Quỳnh cho biết: Năm 2005, Doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng trang trại với quy mô trên 10ha để tự cung cấp nguồn thực phẩm cho việc chế biến cơm hộp, tuy nhiên mới chỉ bảo đảm 100% về cá, 80% thịt lợn và khoảng từ 50 - 70% nguồn thực phẩm khác. Nhưng quan trọng nhất là rau lại chỉ có thể tự cấp được 30%, còn lại phải liên kết với một số nhà vườn khác. Mặc dù có hợp đồng với các đơn vị cung cấp rau nhưng ông Quỳnh cũng khẳng định không thể giám sát được quy trình sản xuất rau của các nhà sản xuất mà chỉ có thể đặt niềm tin vào họ. Do đó, điều lo lắng nhất của ông hiện nay là làm thế nào để có đủ sản phẩm rau an toàn đáp ứng nhu cầu chế biến cho mỗi suất cơm.

Để hạn chế thấp nhất mất ATVSTP

Đến nay, hầu hết các bếp ăn tập thể đều thực hiện theo quy tắc một chiều, tất cả nguồn thực phẩm đầu vào đều có hợp đồng nguyên tắc, nhà cung cấp thực phẩm phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận ATVSTP, công bố chất lượng sản phẩm và cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Ngoài những quy định trên, nhiều bếp ăn tập thể còn có cách làm riêng để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mất ATVSTP xảy ra. Bếp ăn Bệnh viện Đa khoa tỉnh hàng ngày phục vụ từ 2.400 - 3.000 suất ăn cho các đối tượng song còn có sự giám sát chặt chẽ của Khoa Dinh dưỡng từ lúc nhập thực phẩm tới quy trình chế biến và trước khi đưa lên bàn ăn. Do đó, thực phẩm không chỉ bảo đảm an toàn mà còn bảo đảm về chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng, phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Hay đối với bếp ăn tập thể Trường Mầm non 1/6 (thành phố Thái Bình) hàng ngày phục vụ hơn 800 cháu ăn cũng có những giải pháp riêng. Theo bà Đỗ Thị Ngoàn, Hiệu trưởng nhà trường, tiêu chí đầu tiên trong chế biến là phải bảo đảm ATVSTP, thực phẩm phải tươi ngon, giá cả phù hợp. Khi nhận thực phẩm, nhà trường cử một thành viên trong ban giám hiệu chuyên trách về dinh dưỡng và cô giáo trên lớp giám sát về chất lượng, số lượng. Mặt khác, nhà trường còn trực tiếp xuống các gia trại chăn nuôi bằng nguyên liệu sẵn có của gia đình để mua thực phẩm như gà, rau, tôm, cá hoặc những hộ giết mổ để mua thịt lợn, thịt bò. Nhưng quan trọng hơn là hàng ngày nhà trường đều kiểm tra và nhắc nhở hơn 10 đơn vị cung cấp về việc nâng cao ý thức bảo đảm ATVSTP. Theo bà Ngoàn, chỉ mỗi thực phẩm sạch là không đủ mà khâu chế biến cũng phải bảo đảm vệ sinh theo quy trình mới bảo đảm bữa ăn ATVSTP. Vì thế, đội ngũ nhân viên nhà bếp cũng phải tuân thủ các quy định về trang phục, khám sức khỏe định kỳ, dụng cụ chế biến thực phẩm phải bằng inox và nhôm, đựng riêng thực phẩm sống, chín. Còn đối với Doanh nghiệp tư nhân Vân Tiến, để giảm sự lo lắng về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, ông Trần Duy Quỳnh đã tiếp cận Trung tâm Khuyến nông, tham quan các mô hình sản xuất để về ứng dụng, sản xuất ra các loại rau an toàn, áp dụng các ghi chép của VietGAP trong chăn nuôi. Làm như vậy, mỗi năm trang trại của ông đã chủ động được 70% nguồn thực phẩm an toàn cho việc chế biến cơm hộp. Cùng với đó, ông còn đầu tư nhiều loại thiết bị kiểm tra chất lượng thực phẩm nhập từ bên ngoài, loại bỏ hoàn toàn thực phẩm không an toàn trước khi chế biến.

Ông Nguyễn Như Liên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông

Để tạo ra nguồn thực phẩm sạch, theo tôi, điều quan trọng nhất phụ thuộc vào ý thức người dân. Khi có thực phẩm an toàn, người sản xuất phải kết nối sản phẩm với thị trường theo quy trình khép kín, phải tuyên truyền để thị trường biết đó là sản phẩm an toàn. Vì vậy, nhất định phải công khai hóa quy trình sản xuất, bắt đầu từ lúc đặt giống, tưới nước, chăm sóc và thu hoạch, phải có chỉ dẫn địa lý cho người tiêu dùng và cần có chứng nhận rau an toàn.

Ông Trần Trọng Kim, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10

ATVSTP là thành công, bước đi của doanh nghiệp, nếu thực hiện không tốt ATVSTP thì mọi thành công đều không có giá trị. Để ngăn ngừa, loại bỏ tận gốc thực phẩm bẩn, theo tôi, các cơ quan chức năng cần kiểm tra chặt chẽ hơn nữa quy trình sản xuất, sản phẩm lưu thông trên thị trường và có chế tài xử phạt thích đáng nếu phát hiện vi phạm về ATVSTP, đồng thời nên có chỉ dẫn các địa chỉ sản xuất an toàn để các bếp ăn tập thể tiếp cận.

Bà Bùi Thị Huyền, nhà ăn Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Để phục vụ chu đáo mọi đối tượng trong Bệnh viện, nhất là vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân, hàng ngày, nhà ăn đã chế biến 30 món ăn để đáp ứng nhu cầu của từng người và phục vụ cho các thực đơn theo chỉ định của bác sĩ. Bếp ăn Bệnh viện không chỉ bảo đảm theo các tiêu chí của Bệnh viện, của Bộ Y tế mà còn đem lại không gian thoáng mát, độ tin tưởng cao về ATVSTP cho bệnh nhân. Đến nay, nhà ăn Bệnh viện chưa phát hiện vi phạm về mất ATVSTP.

(còn nữa)
Nhóm phóng viên

 
  • Từ khóa