Thứ 3, 06/08/2024, 11:18[GMT+7]

Thái Bình tuyên chiến với thực phẩm bẩn (Bài 7)

Thứ 5, 20/10/2016 | 08:49:45
2,256 lượt xem

Chuẩn bị bữa trưa bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Thái Bình.

 

Bài 7: An toàn thực phẩm - số cơ sở vi phạm còn nhiều

 

Thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), ngành Y tế đã góp phần cùng các ngành, các cấp, các địa phương nâng cao ý thức của người dân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh (SXCBKD), sử dụng thực phẩm, góp phần giảm thiểu số vụ ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

 

Trước thực trạng mất ATTP, ngành Y tế đã tích cực phối hợp với các ngành, các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ATTP gắn với hoạt động của ngành. Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở SXCBKD thực phẩm thực hiện các quy định về ATTP, ngành còn chú trọng công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, góp phần khống chế nguy cơ mất ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

 

Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 10.579 cơ sở SXCBKD thực phẩm, phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, trong đó ngành Y tế quản lý 3.642 cơ sở, chiếm 34,4%. Về mặt hàng, ngành Y tế quản lý sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng, nước uống đóng chai, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Những năm trước đây, qua kiểm tra ATTP thường niên và giám sát mối nguy đối với một số mặt hàng lưu thông trên thị trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phát hiện có một số chất cấm như hàn the, phẩm màu công nghiệp trong một thực phẩm tiêu dùng, đồng thời phát hiện còn nhiều cơ sở SXCBKD vi phạm các điều kiện về vệ sinh ATTP. Năm 2012 và 2014, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lên tới hàng trăm người… Trước thực trạng đó, ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp can thiệp bảo đảm ATTP, khống chế nguy cơ, trong đó chú trọng hoạt động thẩm định cấp phép, đào tạo tập huấn, tuyên truyền phổ biến nâng cao kiến thức pháp luật về ATTP và thanh, kiểm tra xử lý vi phạm…

 

Các hoạt động tuyên truyền bảo đảm ATTP được ngành Y tế triển khai thường xuyên, phủ khắp 8 huyện, thành phố và đa đạng hóa bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các trung tâm y tế cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở, người trực tiếp SXCBKD thực phẩm; tập huấn nâng cao năng lực quản lý về ATTP cho cán bộ y tế xã, thôn đội trưởng; phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các trường học truyền thông trực tiếp cho cán bộ hội viên, học sinh, sinh viên. Hàng năm, cùng với phối hợp thực hiện các đợt thanh, kiểm tra liên ngành, ngành Y tế còn thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra theo chuyên đề, chủ điểm, đồng thời chú trọng thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở SXCBKD thực phẩm, các bếp ăn tập thể. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên đã kịp thời chấn chỉnh vi phạm, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác ATTP, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong quá trình SXCBKD thực phẩm.

 

Theo ông Lê Văn Diện, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, để có được sản phẩm an toàn cho người sử dụng thì một trong những yếu tố quan trọng là phải bảo đảm công tác vệ sinh trong toàn bộ quá trình SXCBKD thực phẩm. Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về ATTP trong ngành Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm hạn chế tối đa sản phẩm không bảo đảm chất lượng ra thị trường. Cụ thể như vấn đề giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm đông người, xác định rõ những nơi tổ chức ăn uống tập trung như nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể thường có nguy cơ cao, Chi cục đã chú trọng kiểm tra, tuyên truyền phổ biến kiến thức về ATTP; yêu cầu phải bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ hợp vệ sinh; sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có hợp đồng với nhà cung cấp; có chế độ kiểm tra giám sát, ghi chép lại quá trình nhập nguyên liệu; có sổ theo dõi chế độ kiểm thực đủ 3 bước trong quá trình chế biến. Đồng thời hướng dẫn, khuyến khích các bếp ăn sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm ổn định, an toàn từ các cơ sở sản xuất, trang trại chăn nuôi theo quy trình VietGap… Vì vậy, tình trạng vi phạm ATTP đã giảm rõ rệt, hai năm gần đây trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc tập thể. Nếu như năm 2010, kết quả kiểm tra phát hiện mối nguy nổi lên là tình trạng sử dụng hàn the trong chế biến giò, chả với tỷ lệ 35,5% số mẫu được kiểm tra có vi phạm, thì năm 2011 đã giảm xuống còn 7,1%. Năm 2015, kiểm tra 300 mẫu giò, chả phát hiện chỉ có 5 mẫu có chứa hàn the, bằng 1,67%. Không phát hiện hàn the ở 153 mẫu bánh phở, bún và 24 mẫu thực phẩm chay các loại. Ngoài hàn the, số lượng vi phạm qua kiểm tra mối nguy khác cũng giảm rõ rệt, trong đó chỉ có 1/232 mẫu thịt quay, nướng các loại có chứa phẩm màu kiềm độc hại không được phép sử dụng, bằng 0,4%; 5/150 mẫu nước ngọt có hàm lượng đường không đúng với công bố chất lượng, bằng 3,3%; 34/162 mẫu dầu mỡ đã qua sử dụng bị ôi khét, bằng 21%. Không phát hiện foocmon ở 79 mẫu bánh phở; không phát hiện phẩm màu kiềm ở 30 mẫu nước ngọt các loại; không phát hiện methanol trong 204 mẫu rượu trắng; không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở 26 mẫu rau tươi các loại…

 

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra ATTP 6 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn tỉnh cho thấy, trong tổng số 6.329 cơ sở SXCBKD thực phẩm được kiểm tra, mới có 4.896 cơ sở đạt tiêu chuẩn, bằng 77,4%. Vẫn còn 1.433 cơ sở vi phạm điều kiện ATTP, trong đó có 137 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính, phạt tổng số tiền 198.200.000 đồng. Tuy các vi phạm không nghiêm trọng, chủ yếu là về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, ghi nhãn thực phẩm. Song cùng với tình trạng diễn biến phức tạp khác về vi phạm ATTP có thể xảy ra như nuôi trồng, sản xuất thực phẩm có chất cấm; vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn, ôi thiu; người tiêu dùng vẫn còn chủ quan, ham rẻ sử dụng sản phẩm kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ… thì vẫn còn tiểm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

 

 

Cô giáo Phan Thị Bích, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Thái Bình)

 

Khác với các năm trước đây, năm học 2016 - 2017, nhà trường đã đổi mới việc chọn lựa, thẩm định và hợp đồng với một cơ sở cung cấp suất ăn duy nhất thay vì nhiều cơ sở nhỏ lẻ, bảo đảm suất ăn trưa cho gần 1.000 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Thay vì 3 em chung 1 cặp lồng, hiện nay mỗi em có một khay đồ ăn 5 ngăn bằng inox, có nắp nhựa. Thức ăn nóng dẻo, thơm ngon, thực đơn phong phú, đa dạng hơn hẳn mà giá thành không thay đổi. Học sinh ăn ngon miệng, phụ huynh phản hồi hài lòng, vì vậy giáo viên chúng tôi cũng yên tâm, phấn khởi.

 

Bà Nguyễn Thị Tỵ, người tiêu dùng phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình)

 

Tôi là người tiêu dùng ở thành phố nên thức ăn hàng ngày của gia đình đều mua từ chợ. Song tôi không tin tưởng và luôn lo sợ mua phải thực phẩm bẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người trong gia đình. Muốn là người tiêu dùng thông thái, song thật khó để phân biệt được đâu là hoa quả không có hóa chất đâu là rau không có thuốc kích thích và thuốc sâu, đâu là thịt cá không có kháng sinh và chất tạo nạc. Ngoài trông chờ vào lương tâm người sản xuất, kinh doanh mong rằng các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp quản lý hiệu quả, khống chế nguy cơ mất ATTP để người dân yên tâm mỗi khi bước chân vào chợ.

 

(còn nữa)

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa