Thứ 7, 27/04/2024, 02:10[GMT+7]

Viết tiếp về liệt sĩ Nguyễn Tiến Liễu

Thứ 2, 14/05/2018 | 08:50:47
1,357 lượt xem
Viết tiếp về hành trình của anh Nguyễn Anh Tuấn, con trai liệt sĩ Nguyễn Tiến Liễu đã dày công tìm kiếm và cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Tiến Liễu trở về quê hương.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, con trai liệt sĩ Nguyễn Tiến Liễu phát tâm dựng bia đá ghi danh 8 liệt sĩ hy sinh trên điểm cao 384 sau 10 ngày quyết tử tháng 4/1972.

Báo Thái Bình số ra ngày 15/4/2018 đăng bài “Điểm cao 384 - 10 ngày quyết tử” viết về sự hy sinh quả cảm của Trung đội trưởng Nguyễn Tiến Liễu - người con thân yêu của quê hương Đồng Phú (Đông Hưng) cùng các đồng đội quyết tử 10 ngày chốt giữ điểm cao 384 thuộc xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ngay sau khi Báo đăng đã nhận được hiệu ứng tích cực của đông đảo bạn đọc. Chúng tôi xin viết tiếp hành trình của anh Nguyễn Anh Tuấn, con trai liệt sĩ Nguyễn Tiến Liễu đã dày công tìm kiếm và cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Tiến Liễu trở về quê hương.

Đang là giáo viên tiểu học ở xã Đồng Phú (Đông Hưng), năm 1968, ông Liễu lên đường tòng quân ở tuổi 38 khi đã có 4 người con (3 gái 1 trai), vợ ông là bà Đào Thị Châm đang mang thai người con thứ năm. Thời điểm ấy, công tác tuyển quân chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ gấp gáp và khẩn trương, dù ở vào hoàn cảnh có thể được tạm miễn, tạm hoãn nhưng ông Liễu đã gác lại gia cảnh đông con, tạm biệt các học trò để lên đường đánh giặc. 

Ngày lên đường, ông Liễu ôm con trai Nguyễn Anh Tuấn mới 7 tuổi vào lòng và căn dặn: Con ở nhà nhớ chăm ngoan học giỏi, nghe lời mẹ và hai chị. Đó là lời căn dặn cuối cùng của người cha trước khi vào chiến trường gian khổ và ác liệt mà Nguyễn Anh Tuấn khắc cốt ghi tâm. Vào chiến trường khu 5 ác liệt, ông Liễu cùng đồng đội xông pha trận mạc, lập nhiều chiến công. Từ ngày 9/4/1972 đến ngày 18/4/1972, ông Liễu cùng Đại đội trưởng Đồng Xuân Soạn chỉ huy trung đội 10 ngày quyết tử chốt giữ điểm cao 384 và đã anh dũng hy sinh cùng với 7 đồng đội của mình.

Năm 1982, Nguyễn Anh Tuấn tốt nghiệp Đại học Bách khoa, anh đã thực hiện đúng tâm nguyện của cha dặn trước ngày ông vào chiến trường. Tuấn đau đáu về người bố thân yêu, ông đang nằm ở nơi nào khi chiến trường miền Nam mênh mông rộng lớn khi đọc lại giấy báo tử chỉ ghi liệt sĩ Nguyễn Tiến Liễu hy sinh tại chiến trường phía Nam. Tuấn nghĩ tới những người đồng đội của bố cùng ở Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng nhưng các nguồn thông tin ban đầu anh có được đều không rõ và không có cơ sở xác thực. Tuấn nhờ cậy người quen ở Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) để có công văn vào Quân khu 5 xác minh phần mộ của bố. Vào Quân khu 5, anh nhận được câu trả lời “liệt sĩ mất thi hài”. Việc tìm hài cốt của bố với Tuấn tưởng như mất phương hướng thì năm 1993 một cán bộ ở Huyện đội Tây Sơn, tỉnh Bình Định cho biết có tìm được bức thư của cựu chiến binh Dương Văn Minh ở xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nội dung bức thư nói rõ về trận chiến đấu 10 ngày quyết tử ở điểm cao 384 của trung đội hỗn hợp với 12 tay súng do Đại đội trưởng Đồng Xuân Soạn và Trung đội trưởng Nguyễn Tiến Liễu chỉ huy; nói rõ về sự hy sinh của 8 đồng đội và đề nghị được dựng bia ghi chiến công các liệt sĩ tại điểm cao 384. 

Từ manh mối của bức thư, Nguyễn Anh Tuấn đã lên xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang để gặp trực tiếp cựu chiến binh Dương Văn Minh. Trận đánh ngày 18/4/1972, cựu chiến binh Dương Văn Minh bị thương rất nặng, ông là người duy nhất sống sót trở về. Gặp và biết Tuấn là con trai của Trung đội trưởng Nguyễn Tiến Liễu, ông Minh mừng lắm nên dù sức khỏe yếu nhưng tháng 8/1995 ông Minh vẫn cùng Tuấn vào điểm cao 384 để tìm hài cốt của người chỉ huy trung đội mà ông yêu mến và cảm phục. Ông Minh phác thảo lại sơ đồ công sự điểm cao 384 rồi cùng Nguyễn Anh Tuấn thuê người đào trên 10m công sự phía Đông điểm cao 384. 23 năm sau trận đánh, bụi thời gian đã xóa đi nhiều dấu vết của chiến tranh. Tuấn kể lại rằng, khi từng mét công sự được khôi phục là ở đó những vỏ đạn lẫn những mẩu xương, những mảnh bom, mảnh đạn pháo lẫn cùng đất còn hài cốt của bố anh vẫn đang ẩn lẫn nơi nào? Cựu chiến binh Dương Văn Minh và Tuấn lại trở ra Bắc trong thất vọng. Nhưng một tháng sau đó, Chủ tịch UBND xã Tây Thuận điện ra cho Tuấn báo tin có người dân làm nghề đồng nát lên điểm cao 384 lượm tìm vỏ đạn phát hiện hài cốt liệt sĩ chỉ cách đoạn hào mới khôi phục vài mét. Nguyễn Anh Tuấn lại trở vào điểm cao 384 để xác minh và lần này anh đã tìm được hài cốt bố mình. Tuấn nhận dạng được người bố thân yêu của mình khi phần trên trán của bố anh bị đạn mười hai ly bảy của địch bắn cắt mất đỉnh đầu đúng như lời kể của cựu chiến binh Dương Văn Minh, xung quanh hộp sọ của bố anh là một ít xương. Tuấn thắp hương cho bố và các đồng đội của bố rồi lượm lại phần hài cốt của bố đưa về quê hương. Nơi yên nghỉ cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Tiến Liễu là nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng (Thái Bình).

Hài cốt liệt sĩ Nguyễn Tiến Liễu được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng.

 Đưa được hài cốt của bố về với gia đình và quê hương nhưng Nguyễn Anh Tuấn vẫn đau đáu về 7 người đồng đội của bố vẫn đang nằm lại chiến hào nơi điểm cao 384. Nguyễn Anh Tuấn nghẹn lòng, các đồng đội của bố đã trở thành bất tử, hài cốt của họ đang ẩn khuất dưới chiến hào mà bụi thời gian đang từng ngày xóa nhòa dấu tích, cũng có thể đã trở thành cát bụi. 

Theo ý nguyện của cựu chiến binh Dương Văn Minh và cũng là lời tri ân với các đồng đội của bố, năm 2014 Nguyễn Anh Tuấn cùng con trai của mình và con trai của cựu chiến binh Dương Văn Minh trở lại xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định xin phép cơ quan chức năng lập bia đá ghi danh 8 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên điểm cao 384 trong trận đánh 10 ngày quyết tử tháng 4/1972.

Nguyễn Công Liêm

(Thành phố Thái Bình)