Thứ 5, 05/12/2024, 09:38[GMT+7]

Nông thôn Thái Bình: Sáng, xanh, sạch (Kỳ 3)

Thứ 6, 19/10/2018 | 08:27:30
3,496 lượt xem
Trong quá trình chỉnh trang NTM theo hướng hiện đại, với mục tiêu trở thành xã NTM kiểu mẫu và huyện NTM, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình xã hội hoá trong việc xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, góp phần BVMT sống xanh – sạch – đẹp.

Đoàn viên thanh niên tích cực tham gia dọn vệ sinh môi trường.

Kỳ 3: Những mô hình hiệu quả

Rác không chôn lấp

Không cần phân loại, đốt triệt để 100%, kể cả rác ướt, môi trường không bị ô nhiễm từ rác thải, nước thải, khói bụi của khu xử lý rác thải sinh hoạt, đó là những thành công mà thị trấn Vũ Thư đã đạt được khi thu hút doanh nghiệp sử dụng 100% nguồn vốn để đầu tư vào khu xử lý rác thải tập trung. Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch UBND thị trấn Vũ Thư cho biết: Khu xử lý rác thải sinh hoạt đã đi vào hoạt động từ năm 2014, đến năm 2017 do rác thải ngày càng phát sinh nhiều, từ 15 đến 20 tấn/ngày, trong khi công suất của lò đốt cũ không đáp ứng được sản lượng rác thải thu gom về mỗi ngày. Chỉ đạt 30 – 40% nên lượng rác tồn đọng nhiều, phải đốt lộ thiên và chôn lấp gây ô nhiễm về khói bụi, nước rỉ rác. Ảnh hưởng tới môi trường, đời sống sức khoẻ của người dân trong khu vực, gây bức xúc trong nhân dân.

Trước tình hình đó, thị trấn Vũ Thư và xã Hoà Bình đã thống nhất chủ trương giao lại toàn bộ khu xử lý rác thải sinh hoạt cho Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Bimivina, để tiếp tục nâng cấp, đầu tư cải tạo hoàn chỉnh khu xử lý, lắp đặt lò đốt rác mới có công suất xử lý 80 tấn rác/ngày đêm bằng công nghệ lò đốt BM - SH theo hình thức xã hội hoá, không sử dụng ngân sách nhà nước. Các tổ thu gom rác thải sinh hoạt của địa phương chỉ việc vận chuyển rác về khu xử lý. Doanh nghiệp sẽ đảm nhận việc xử lý đốt rác, với đơn giá xử lý 250.000 đồng/tấn. 100% rác thải đã được xử lý triệt để, không còn tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và khu xử lý rác thải tập trung. Nỗi lo ô nhiễm về môi trường của người dân thị trấn Vũ Thư đã không còn kể từ khi lò đốt rác Bimivina đi vào hoạt động. Người dân yên tâm lao động sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình.

Nhà máy xử lý rác thải thị trấn Vũ Thư sử dụng 100% nguồn vốn xã hội hoá.

Nếu như trước đây nhiều người còn băn khoăn khi chính quyền đưa ra chủ trương xây dựng lò đốt rác bởi họ lo ngại về tính hiệu quả cũng như những tác động xấu của lò đốt với môi trường, thì nay nhân dân đều đồng tình ủng hộ. Bà Trần Thị Hoa, khu dân cư Minh Tân 2 chia sẻ: Từ ngày có lò đốt, môi trường của nhân dân rất sạch sẽ, đường sá, bờ sông không có rác, không khí trong lành, không còn tình trạng người dân xả rác bừa bãi ra môi trường.

Theo ông Vũ Tiến Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Bimivina thì lò đốt do công ty sản xuất được thiết kế đốt nguyên khối, hình tháp đứng nên hiệu quả thấy rõ so với các lò đốt rác khác. Ưu điểm của lò là rác đưa về không cần phân loại, phơi mà đưa ngay vào lò đốt, rác đốt triệt để đạt 100%. Với việc duy trì nhiệt độ cao, ổn định, tăng dần từ buồng sơ cấp lên buồng thứ cấp, đồng thời có hệ thống xử lý dập khói, bụi gồm nhiều dàn mưa, nước cặn sẽ được thu gom về bể xử lý tuần hoàn và tái sử dụng nên hàm lượng dioxin và furan, mùi hôi thối được loại trừ hoàn toàn, các chất khi sinh ra trong quá trình cháy tại buồng sơ cấp cũng được đốt triệt để trước khi ra ngoài môi trường. Đặc biệt, tất cả các thao tác trên chỉ cần từ 1 – 2 nhân công. Toàn bộ lượng tro, xỉ than sinh ra sau quá trình đốt chỉ chiếm rất ít từ 10 – 15%. Thành phần tro xỉ có thể sàng lọc ra lượng hữu cơ để trồng rau xanh, bón cây… Các chất vô cơ được chôn lấp an toàn theo quy định.

Lò đốt rác của Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Bimivina đốt triệt để đạt 100%. 

Rác tái sử dụng
Không đốt; không chôn lấp; biến rác thải thành hàng hóa như phân bón hữu cơ, hạt nilon; chi phí đầu tư thấp, chỉ bằng 5% so với công nghệ có công suất tương ứng được nhập khẩu từ nước ngoài, công nghệ xử lý rác 4 trong 1 mang tên TTD-01 do Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt đang là một lựa chọn tốt, giúp các địa phương xử lý triệt để rác thải sinh hoạt.

Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thuộc Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt đi vào hoạt động từ tháng 3/2016, tại thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ với tổng vốn đầu tư 29 tỷ đồng, công suất 50 tấn/ngày. Đến nay, Nhà máy nhận xử lý rác thải cho 18 xã, thị trấn của 2 huyện: Quỳnh Phụ, Đông Hưng, tạo việc làm cho 34 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Sau gần 3 năm vận hành nhà máy cho thấy, thành công lớn hơn rất nhiều so với các mục tiêu đặt ra. Cả 4 quy trình bộ phận của TTD-01, gồm phân loại rác, xử lý rác, sản xuất thành phẩm và xử lý nước thải, đều vận hành tốt và cho kết quả cao. Hơn nữa, vật tư thay thế đơn giản, thuận tiện, không phải chờ đợi linh kiện từ nước ngoài. Nhà máy chỉ cần diện tích 2ha, bằng diện tích một 1 lò đốt là đã xử lý triệt để 50 tấn rác trong ngày. Rác thải được đưa về nhà máy, sau đó phân loại thành rác hữu cơ, rác vô cơ, chất thải rắn. Qua hệ thống, rác hữu cơ được xử lý thành phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao phục vụ nông nghiệp, giá thành thấp; túi nilon được tái chế thành hạt nhựa cung cấp cho các nhà máy chế biến.

Khu phân loại rác của Nhà máy xử lý rác thải thị trấn Quỳnh Côi. 

Ông Phạm Long Biên, Chủ tịch UBND thị trấn Đông Hưng cho biết: Ký hợp đồng xử lý rác thải với  nhà máy, địa phương vừa tiết kiệm được quỹ đất, vừa tiết kiệm được ngân sách đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung. Nhất là đã giải quyết triệt để bài toán ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt từ nhiều năm nay. Đến nay, thị trấn Đông Hưng không còn đơn thư của người dân liên quan đến rác thải sinh hoạt.

Đặc biệt, sản phẩm phân hữu cơ của nhà máy đã được cấp giấy chứng nhận thử nghiệm của Viện Nông hóa thổ nhưỡng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Trung bình mỗi năm, nhà máy cung cấp cho bà con nông dân trên 500 tấn phân hữu cơ, khảo nghiệm tại các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố Hoà Bình, Bắc Giang, Hà Nội. Sản phẩm hạt nhựa làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, với sản lượng từ 850 – 900 tấn/năm.

Ông Phạm Văn Hiền, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương cho biết: Sau 2 vụ thử nghiệm bón phân hữu cơ TĐ16 và TĐ17 của nhà máy trên diện tích 14ha giống lúa Nhật, năng suất lúa cao hơn khoảng 20% so với các hộ không bón phân hữu cơ. Sau khi thu hoạch tại đồng, doanh nghiệp thu mua ngay với giá 8.000 đồng/kg thóc tươi nên bà con nông dân rất phấn khởi.

Khu sản xuất phân bón từ rác thải sinh hoạt Nhà máy xử lý rác thải thị trấn Quỳnh Côi. 

Có thể khẳng định, công nghệ xử lý rác không chôn lấp đã chứng minh được hiệu quả trong quá trình đầu tư, giải bài toán ô nhiễm môi trường, hạn chế chôn lấp, tận thu, biến những thứ bỏ đi thành sản phẩm hữu ích cho xã hội, thân thiện với môi trường, phục vụ sản xuất, đời sống.


Ông Nguyễn Quang Cơ, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ

Thời gian qua, công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn của huyện Quỳnh Phụ có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức BVMT của người dân được nâng lên. Cùng với đó, Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt đã đóng góp không nhỏ vào những thành công chung trong công tác BVMT của địa phương. Hiện, nhà máy đang xử lý rác thải sinh hoạt cho gần ½ số xã, thị trấn của huyện Quỳnh Phụ, qua đó tiết kiệm được quỹ đất, ngân sách nhà nước, môi trường nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Ông Nguyễn Xuân Kiều, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư)

Nhờ thu hút được nguồn vốn xã hội hoá, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, khai thác, đến nay lò đốt rác do Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Bimivina đầu tư đã đi vào hoạt động hiệu quả. Sau nhiều năm đau đầu với vấn nạn ô nhiễm môi trường từ rác thải thì bài toán này cơ bản đã được giải quyết. Tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri không còn những kiến nghị, bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải.

Chị Bùi Ngọc Quyên, công nhân nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ)

Chúng tôi tự hào vì đã góp một phần công sức của mình giải quyết vấn đề rác thải, ô nhiễm môi trường của địa phương; đồng thời tạo ra những sản phẩm như phân bón, hạt nhựa là những sản phẩm thiết thực cho đời sống ngay từ chính rác thải đã bỏ đi. Hơn nữa, thu nhập cũng rất ổn định từ 7 – 8 triệu đồng/người/tháng nên chúng tôi rất yên tâm gắn bó với công việc.


(còn nữa)

Minh Nguyệt