Thứ 4, 15/01/2025, 21:39[GMT+7]

Nông thôn Thái Bình: Sáng, xanh, sạch (Tiếp theo và hết)

Thứ 2, 22/10/2018 | 08:30:15
3,606 lượt xem
Đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, dân cư sinh sống ngăn nắp, giao thông đi lại thuận tiện, sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao... Đó là cảm nhận của người dân NTM trên địa bàn tỉnh Thái Bình, khi họ được hưởng thành quả mà chính mình đã đóng góp xây dựng.

100% các địa phương xây dựng đường hoa.

Kỳ 4: Nông thôn bừng sáng

Làng quê đáng sống
100% xã, thị trấn thành lập tổ thu gom rác thải, 100% hộ dân sử dụng nước sạch, 90% rác thải nông thôn được xử lý, hầu hết các cơ sở chăn nuôi đã đầu tư hầm bioga xử lý chất thải, nhiều mô hình thu gom vỏ chai, bao bì thuốc trừ sâu do các tổ chức hội, đoàn thể đảm nhận, đường bê tông rộng thênh thoang, cây xanh phủ kín làng quê, nhà cửa khang trang, thoáng rộng … đó là những đổi thay ở nông thôn Thái Bình. Trong những ngày tiết trời thu se se lạnh như thế này, bà Đào Thị Tấm, Bí thư thôn Kim Bàng, xã Thái Xuyên, huyện Thái Thuỵ lại hồi tưởng về quãng thời gian mới chỉ mấy năm trước quê bà chỉ toàn đường đất hay đá cấp phối, môi trường ô nhiễm, ra khỏi nhà, đâu đâu cũng thấy rác. Chính bởi đường sá, hạ tầng sập sệ nên cái nghèo cứ đeo bám mãi như một vòng kim cô trên đầu người dân.

Khi có Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/4/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình về xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 với chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm NTM thì người dân xã Thái Xuyên nói chung và thôn Kim Bàng nói riêng đã đổi thay không ngờ. Nhưng nói một cách thẳng thắn thì những cuộc họp đầu tiên tuyên truyền về NTM không hề suôn sẻ khi trên thì cán bộ giải thích còn dưới dân đã nhao nhao: “Tin gì, chỉ nói phét”. Thế nhưng “mưa dầm thấm lâu”, lấy chính những quyền lợi của dân ra mà thuyết phục thì họ lại trở thành lực lượng hăng hái nhất, tin vào chính quyền nhất. Đến nay, 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông hoá, 100% hộ sử dụng nước sạch, 100% hộ gia đình bỏ rác đúng điểm tập kết, đúng giờ vào 2 buổi cố định trong tuần; 100% rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý triệt để, ngày 24 hàng tháng trở thành ngày ra quân tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, phát quang cỏ dại, bụi rậm và trồng hoa 2 bên đường để làm đẹp thôn làng - điều mà chỉ vài ba năm trước, có nằm mơ người dân cũng không thể cảm nhận được sự đổi thay nhanh đến vậy.

Những con đường nông thôn to rộng được bê tông hoá khắp các địa phương trong tỉnh.

Về xã NTM Vũ Lạc, thành phố những ngày này, ấn tượng đầu tiên là những con đường bê tông rộng, thoáng mát, sạch đẹp, camera tại các trục đường giao thông, điện thắp sáng từng ngõ xóm, người dân hăng say lao động sản xuất và đặc biệt không còn thấy hình ảnh của rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi ra các khu đất trống, ven đường như trước. Đây được coi là một “kỳ tích” trong việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường ở nơi đây. Vậy “Vì sao Vũ Lạc luôn sạch rác?” Theo ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Vũ Lạc thì địa phương đặc biệt triển khai nhân rộng các mô hình tự quản vệ sinh môi trường của các tổ chức hội đoàn thể chính trị, xã hội; mô hình thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình của Hội phụ nữ xã; lập bản hương ước BVMT tại xã, thôn, gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Sau một thời gian thực hiện, bà con nhân dân đã đồng tình hưởng ứng, góp phần làm thay đổi những thói quen xấu, vứt rác bừa bãi ảnh hưởng đến môi trường. Hàng năm, làng nghề truyền thống mây tre đan và các cơ sở sản xuất may mặc, giầy da trên địa bàn xã đã tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trong và ngoài xã, với gần 2.000 lao động thường xuyên và 1.000 lao động nông nhàn, với thu nhập từ 3 – 6 triệu đồng/người/tháng. 100% các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đều đạt tiêu chuẩn về môi trường, không có trường hợp nào xả chất thải, nước thải sai quy định, gây ô nhiễm môi trường.

Doanh nghiệp về làng, tạo việc làm ổn định cho người dân nông thôn. 

Những con người bình dị
Đường đất nay đã hóa bê tông, không khí trong lành, an ninh bảo đảm, tình làng nghĩa xóm đậm đà đã biến nông thôn trở thành một nơi đáng sống nhất giữa bối cảnh thành thị đang mỗi lúc một chật chội, ô nhiễm. Công tác quy hoạch đất đai hoàn thành, chỗ thì làm khu dân cư, chỗ làm nơi sản xuất, chăn nuôi tập trung đã hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nước thải. Nếu so sánh bằng hình ảnh thì thôn giống như cô gái lọ lem gặp chàng hoàng tử NTM để rồi trở thành làng công chúa kiêu sa. Từ một thôn nghèo, đường sá chật hẹp, vườn tạp, không có giá trị kinh tế thì nay các đường làng đã được rải bê tông phẳng lỳ, rộng rãi, hai bên đều có hàng rào cây xanh hay các đường hoa sặc sỡ sắc màu… Trên các cánh đồng, hệ thống kênh mương cơ bản đã được cứng hoá, bờ vùng, bờ thửa to rộng, máy móc xuống tận ruộng. Sau dồn điền đổi thửa, mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa ruộng, thuận tiện cho sản xuất hàng hoá tập trung. Hình thành ngày càng nhiều những vùng sản xuất hàng hoá mô quy lớn, có giá trị kinh tế cao.

Máy móc thay thế sức người trong  sản xuất nông nghiệp.

Sống trong những làng quê nông thôn không khí trong lành, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, già thì mừng, trẻ thì háo hức.Những gì mà NTM mang lại đã cho người dân thấy rõ những giá trị thực của nó. Việc xây dựng cảnh quan, khuôn viên xanh, sạch, đẹp đã trở thành việc làm thường xuyên của mỗi người dân quê lúa Thái Bình. Bà Nguyễn Thị Nụ, thôn Hưng Đạo, xã Bình Định, huyện Kiến Xương năm nay đã ngoài 80 tuổi, phấn khởi: Người già chúng tôi giờ chỉ trông sống lâu để chứng kiến sự đổi mới của quê hương. Xóm làng đẹp như tranh, đời sống người dân ngày càng có “của ăn của để”, nằm ngoài những mong ước của thế hệ chúng tôi.

Được gặp gỡ và trò chuyện với người dân ở đây, mới thấy được thành quả qua những năm xây dựng NTM ở Bình Định không chỉ có nhà cửa, đường sá, công trình mới, mà điều quan trọng nhất là con người mới, suy nghĩ mới, cách thức sản xuất, cung cách ứng xử mới và lối sống mới. Truyền thống đoàn kết, gắn bó và tính cố kết cộng đồng vốn là yếu tố đặc trưng của người dân Bình Định. Trong hành trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu hiện nay, truyền thống quý báu này lại càng được phát huy và trở thành nền tảng và động lực để cán bộ và nhân dân Bình Định phấn đấu làm nên những nét đẹp riêng có của mình. Ông Bùi Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã Bình Định, huyện Kiến Xương chia sẻ: Để có được như ngày hôm nay, cán bộ và bà con nhân dân đã phải vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, vì vậy chúng tôi phải quyết giữ gìn và phát huy thành quả chung. Không được thỏa mãn, dừng lại…, đây là suy nghĩ và định hướng chung của cán bộ và nhân dân Bình Định trong quá trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

 Đời sống tinh thần của người dân nông thôn Thái Bình được nâng lên rõ rệt.

Diện mạo nông thôn Thái Bình đang đổi thay từng ngày theo hướng sáng – xanh – sạch – đẹp, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất dần đồng bộ, đời sống tinh thần và vật chất của người dân tăng cao. Tuy còn nhiều việc phải tiếp tục làm, bởi đó là nhu cầu đòi hỏi không ngừng của cuộc sống, nhưng nông thôn quê lúa Thái Bình bao giờ cũng là nơi đáng sống, đáng yêu.


Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

Những năm qua, phong trào sạch nhà, đẹp ngõ và mô hình “Đường hoa phụ nữ” được Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai rộng khắp tới các cấp hội trong tỉnh. Đến nay, 100% các cơ sở hội phát động cán bộ, hội viên trồng hoa tại các tuyến đường làng, ngõ xóm. Các tuyến đường hoa xanh tươi, muôn sắc màu đã mang đến không gian tươi mới, tràn đầy sức sống, góp phần thay đổi cảnh quan của nhiều làng quê.
Ông Nguyễn Đình Triệu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ

Trong quá trình xây dựng NTM, huyện Quỳnh Phụ luôn xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí khó. Để hoàn thành tiêu chí này, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT, giữ gìn đường làng ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, bỏ rác đúng nơi quy định, làm hầm biogas trong chăn nuôi… Đến nay, cơ bản các xã đều đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Hữu Mạnh, Chủ tịch xã Minh Quang, huyện Vũ Thư

Việc xây dựng xã đạt chuẩn NTM đã khó nhưng nâng cao và giữ vững các tiêu chí, nhất là tiêu chí môi trường càng khó hơn nên Minh Quang luôn xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải làm thường xuyên, lâu dài để giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn NTM với môi trường sống sáng - xanh – sạch – đẹp.


Minh Nguyệt