Thứ 5, 05/12/2024, 09:21[GMT+7]

Công "xuồng"

Thứ 5, 25/10/2018 | 17:36:41
1,390 lượt xem
Chuyến công tác đến Trường Sa đầu năm 2018 với tôi thực sự là một trải nghiệm không thể nào quên, trong đó đọng lại sâu sắc hình ảnh gan dạ, can trường nhưng cũng đầy tình cảm của chàng thủy thủ tàu Kiểm ngư KN490. Anh là Đinh Văn Công, người mà đoàn công tác chúng tôi thường gọi với cái tên thân mật "Công xuồng" hay "người đưa đò" ở Trường Sa.

Từ "người đưa đò" ở Trường Sa

Ở quần đảo Trường Sa, chỉ có đảo Trường Sa là có cầu cảng, nhưng vì thời tiết xấu, biển động mạnh nên toàn bộ các đảo chúng tôi đi qua việc vận chuyển người và hàng lên đảo đều phải nhờ xuồng máy, xuồng chuyển tải.

Gắn bó với việc lái xuồng ra vào các đảo, điểm đảo Trường Sa đã gần 13 năm nên gần như tất thảy các luồng lạch, con nước ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa anh Công đều nắm rõ trong lòng bàn tay. 

Tâm sự với chúng tôi, anh Công cho biết: Vào dịp tháng ba, tháng tư, khi những đoàn công tác thuộc khối dân, chính, đảng của cả nước ra thăm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa là thời điểm bận rộn nhất nhưng đợt thay, thu quân dịp cuối năm lại là thời điểm nguy hiểm nhất, bởi mùa gió chướng, biển thường động rất mạnh. 

Công việc của một kiểm ngư viên bắt đầu từ sáng sớm bằng công việc vệ sinh, kiểm tra máy móc, trang thiết bị của xuồng. Rồi sau đó, những chuyến xuồng lại vượt sóng đến với các điểm đảo, chuyển người và hàng hóa lên xong là vội vã quay ngược ra tàu đón lượt khác.

Có những điểm đảo điều kiện thủy triều lên xuống theo giờ, xuồng phải quay ra quay vào liên tục, bởi chỉ cần chậm trễ vài phút, khả năng xuồng mắc cạn rất cao. Chính vì vậy, trong vòng thời gian ngắn, hai chiếc xuồng chuyển tải và một chiếc xuồng CQ của đảo phải hoạt động liên tục như thoi đưa, gần như không có thời gian neo nghỉ.

Để đưa đoàn bắt đầu và kết thúc chuyến hải trình trọn vẹn, an toàn là yếu tố được đặt lên hàng đầu trong mỗi hải trình đến với Trường Sa. Cũng vì vậy, những tay lái xuồng - vẫn thường được ví là "người đưa đò", luôn phải là những tay lái cứng, nhiều kinh nghiệm, thông thuộc từng cửa luồng vào đảo ở Trường Sa và yếu tố đương nhiên là sức khỏe phải cực tốt để đáp ứng cường độ làm việc cao, liên tục tập trung tuyệt đối trong mỗi chuyến xuồng.

Sau một ngày lái xuồng, đêm xuống muộn, những bộ quần áo bảo hộ được tháo xuống, anh Công và những người đồng đội trong kíp trực lại khoác lên mình bộ quần áo kiểm ngư, lên cabin vào ca trực chỉ huy, để đưa KN490 tiếp tục hải trình qua điểm đảo khác. Đợt cao điểm, trung bình mỗi ngày đêm, mỗi người trong số các thành viên tổ lái tàu, xuồng KN490 chỉ có 3 tiếng đồng hồ để ngủ.

Đến người lính đảo kiên cường

Là "khách quen" của tất cả các đảo, điểm đảo ở Trường Sa từ nhiều năm nay, nhưng mới đây, anh Công đã được điều động nhận nhiệm vụ mới ở Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và được phân công ra đóng quân tại đảo Đá Tây điểm B. Vậy là từ một chàng thủy thủ gắn bó với lực lượng kiểm ngư, với con tàu kiểm ngư KN490 từ khi tàu mới đưa vào sử dụng giờ đây anh được trực tiếp đóng quân trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Trò chuyện cùng anh qua điện thoại, tôi được nghe một kỷ niệm đẹp trong hải trình nhận nhiệm vụ mới của anh. Đêm đó tàu KN490 neo ngoài khơi gần quần đảo Trường Sa thì nhận được điện từ Vùng 4 yêu cầu tàu hạ xuồng cứu 6 ngư dân đang kẹt trên chiếc ghe nguy cơ bị đắm. Ngoài trời tối đen như mực, sóng đánh dữ dội. Vị trí từ nơi neo tàu tới chiếc ghe đắm khá xa, phương tiện duy nhất chỉ có chiếc xuồng nhỏ mỏng manh và chiếc đèn pin. Đúng ra thì nhiệm vụ hạ xuồng đi cứu người là của thủy thủ tàu Kiểm ngư chứ ko phải của anh vì giờ đây anh đã biên chế là một người lính đảo. Nhưng ai cũng biết anh là người lái xuồng cực giỏi, thạo luồng lạch các đảo của Trường Sa như lòng bàn tay nên trọng trách cứu người được giao phó cho anh. Không một chút đắn đo suy nghĩ, anh lập tức cùng đồng đội hạ xuồng làm nhiệm vụ giải cứu người bị nạn trong màn đêm mịt mùng giông tố, bất chấp hiểm nguy. Khi xuồng tiếp cận mạn ghe thì chiếc ghe đã chìm 2/3, tạo thành dòng xoáy gầm gừ chực cuốn và nhấn chìm chiếc xuồng bé nhỏ xuống đáy biển. Người lái xuồng dày dạn kinh nghiệm bậc nhất đã khéo léo điều khiển xuồng tiếp cận ghe và cứu được 6 ngư dân trở về tàu an toàn.

Câu chuyện anh kể qua điện thoại đưa tôi đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ hồi hộp lo âu, đến vỡ òa hạnh phúc khi những ngư dân gặp nạn được cứu sống. Anh vừa làm được những điều thực sự kỳ diệu, nhưng câu chuyện ấy qua lời kể của anh thản nhiên, quen thuộc đến lạ thường. Tôi chợt nhớ đến nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi của chàng thủy thủ đầy gan dạ, bản lĩnh đã đưa chúng tôi vượt qua những cơn sóng dữ đến với các đảo hồi đầu năm.

8 tháng trở về sau chuyến đi, nghĩ về Trường Sa, nghĩ về sự gian khổ, hy sinh mà những người lính nơi ấy hàng ngày trải qua, trong tôi vẫn còn nguyên sự khâm phục, tự hào. Những người lính sinh ra để làm chủ biển đảo như các anh, dù ở cương vị nào hay phải đối mặt với hiểm nguy, sinh tử cũng coi nhẹ tựa lông hồng bởi trong các anh là tình yêu với biển đảo quê hương tha thiết, là lòng quyết tâm bảo vệ toàn vẹn vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Nguyễn Thơi