Nhớ lẽ khoan dân (Kỳ II)
KỲ 2: KHI "DÂN BIẾT, DÂN BÀN, DÂN LÀM, DÂN KIỂM TRA"
Lấy dân làm gốc
Về xã An Ninh (Quỳnh Phụ), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng không thể nghĩ rằng cách đây hơn 20 năm nơi đây là điểm nóng mất ổn định chính trị của tỉnh. Trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang. Các tuyến đường trải bê tông, láng nhựa rộng rãi, sạch đẹp; khắp làng trên xóm dưới nhà cao tầng mọc lên san sát, khu trung tâm xã nhộn nhịp không khác gì phố phường… thể hiện cuộc sống sung túc của người dân.
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Hứa chia sẻ: Sau sự kiện năm 1997, bộ máy lãnh đạo xã được kiện toàn, tập trung thực hiện các giải pháp ổn định tình hình, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đến năm 2005, Đảng bộ xã đạt trong sạch, vững mạnh. Những năm sau đó, An Ninh dẫn đầu toàn huyện trong các phong trào, UBND tỉnh tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc. Dù không được chọn làm điểm, song An Ninh là 1 trong 4 xã đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới năm 2014. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của xã từ 9 - 10%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: nông nghiệp - thủy sản chiếm 29%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản chiếm 41,6%, thương mại - dịch vụ chiếm 29,4%; trên 90% người dân trong xã sử dụng nước sạch. Trên bước đường phát triển, An Ninh cũng đã trải qua nhiều biến cố vô cùng khó khăn, phức tạp có lúc tưởng chừng khó có thể vượt qua nổi. Bài học thành công của xã hôm nay là do lấy dân làm gốc, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”; thường xuyên đổi mới công tác dân vận, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng các tổ tự quản, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể trong sạch, vững mạnh.
Quỳnh Phụ đẩy mạnh phát triển công nghiệp tạo việc làm cho lao động của địa phương
Xã Thái Thịnh (Thái Thụy) cũng là một trong những điểm nóng của tỉnh thời kỳ 1997 - 1999 nhưng nay xã đã về đích nông thôn mới, có bước vươn mình mạnh mẽ.
Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Hóa nhấn mạnh: Thành công của Thái Thịnh là do Đảng bộ, chính quyền luôn đoàn kết, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Đảng ủy xã quán triệt sâu sắc mục tiêu, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới; xác định việc huy động sức dân để chăm lo cho dân, công khai, minh bạch mọi khoản đóng góp. Nhờ vậy, xã đã huy động 61,23 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới; trong đó, nhân dân đóng góp, con em xa quê ủng hộ 22,51 tỷ đồng. Nhân dân đã góp 41.800m2 đất nông nghiệp, đào đắp 38.569m3 đất đắp bờ vùng, bờ thửa và làm đường giao thông nông thôn. Chỉ trong 2 năm, Thái Thịnh đã hoàn thành xây dựng hơn 28,5km đường giao thông nội đồng, đường liên xã, trục thôn, đường nhánh cấp 1 không chỉ tạo cho quê hương diện mạo khang trang, sạch đẹp mà còn phục vụ tốt hơn đời sống dân sinh.
Công trình hạ tầng của xã Thái Thịnh (Thái Thụy) được đầu tư xây dựng khang trang.
Dân chủ - chìa khóa thành công
Trong thời kỳ mất ổn định 1997 - 1999, Thái Bình có hơn 2.000 cán bộ, đảng viên vi phạm (trong đó có 800 bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND xã và chủ nhiệm HTX) đã bị xử lý kỷ luật, hơn 70% số tổ chức cơ sở đảng phải thay từ một nửa đến hai phần ba cấp ủy. Bài học từ việc mất ổn định những năm đó được Đảng bộ tỉnh rút ra đó là: 1 trong 6 nguyên nhân dẫn đến mất ổn định thì nguyên nhân cốt lõi là mất dân chủ. Từ sự việc ở Thái Bình, ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Doanh nghiệp đầu tư sản xuất trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, ổn định. Bầu không khí dân chủ, cởi mở, thẳng thắn trong đời sống xã hội ở cơ sở từng bước được mở rộng. Các quyền dân chủ của nhân dân không ngừng được nâng lên, lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương ngày càng được củng cố. Việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được đặc biệt coi trọng.
Đại biểu HĐND tỉnh gặp gỡ cử tri huyện Tiền Hải.
Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của HĐND, dự án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, phương án đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; minh bạch trong quản lý điều hành, thu chi tài chính, ngân sách, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, các khoản huy động nhân dân đóng góp. Thái Bình tạo điều kiện để nhân dân tham gia ý kiến việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, thành viên ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng theo đúng các bước, dân chủ, đúng pháp luật; tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước ở thôn, tổ dân phố phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân, góp phần xây dựng thôn làng văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Một số địa phương còn duy trì việc phát phiếu lấy ý kiến đến tận hộ gia đình, động viên nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng, giúp chính quyền các cấp đề ra những chủ trương, cơ chế, chính sách hiệu quả.
Người dân phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) bỏ phiếu thực hiện quyền công dân của mình.
Những năm qua, công tác đối thoại trực tiếp với nhân dân, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và công tác hòa giải ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, góp phần hạn chế đơn thư vượt cấp. Các tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố hoạt động tích cực, không ngừng nâng cao về chất lượng, giải quyết tốt các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân.
Ông Trịnh Công Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Đông Phương (Đông Hưng) cho biết: Xã duy trì thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chú trọng đổi mới lề lối, tác phong, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ đối với nhân dân; duy trì nghiêm túc hoạt động của bộ phận một cửa giải quyết các công việc cho nhân dân; thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và chú trọng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân... đã tạo sự ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Giữ vững ổn định chính trị ở nông thôn, nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc đối thoại, tuyên truyền, giải thích và hòa giải nên phần lớn các vụ việc đã được giải quyết ngay từ cơ sở. Năm 2017, các đơn vị đã tiếp nhận 3.529 vụ việc, đã hòa giải thành 2.847 việc, đạt 80,7%; 6 tháng đầu năm 2018, các ban thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng trong tỉnh đã thực hiện giám sát 630 vụ việc, kiến nghị giải quyết 381 vụ việc, chủ yếu liên quan đến thực hiện chính sách, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý thu chi ngân sách. 100% các xã, phường, thị trấn đã thành lập ban thanh tra nhân dân, đồng thời đảm nhiệm thực hiện nhiệm vụ giám sát đầu tư của cộng đồng với 2.160 thành viên đã thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân; kịp thời phát hiện và kiến nghị giải quyết những vụ việc vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở.
Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị, Thái Bình đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng lên. Thái Bình đã đi đầu cả nước về nhiều phong trào trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó là điểm sáng của cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới mà một trong những yếu tố thành công đó là nhờ phát huy dân chủ.
Ông Nguyễn Văn Ngợi, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Quỳnh Phụ Ông Đào Khắc Minh, đảng viên Chi bộ thôn An Ninh, xã An Ninh (Quỳnh Phụ) Ông Đỗ Văn Hoàn, Bí thư Chi bộ thôn Đoài Thịnh, xã Thái Thịnh (Thái Thụy) Là người chứng kiến những sự việc phức tạp xảy ra năm 1997, sau đó đảm nhận chức Chủ tịch UBND xã từ năm 1998 tôi luôn thấm thía bài học về “lòng dân”. Khi niềm tin của người dân được củng cố thì họ sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng vì sự nghiệp chung. Minh chứng rõ nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay nhân dân luôn tích cực đóng góp để xây dựng hạ tầng nông thôn. Không chỉ hiến đất, mỗi hộ góp từ 2 - 3 triệu đồng làm đường giao thông và nhiều khoản khác. Nhưng huy động sức dân phải theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Khi đời sống của nhân dân được nâng cao thì việc huy động nguồn vốn đóng góp trong dân mới thuận lợi. Thời gian tới, Thái Thịnh tiếp tục giữ vững nâng cao chất lượng các tiêu chí, trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu theo tôi vấn đề mấu chốt là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. |
(còn nữa)
Nguyễn Hình - Thu Thủy
Tin cùng chuyên mục
- Chợ dân sinh - sinh kế của người dânKỳ 1: Chợ - không chỉ là nơi buôn bán 25.11.2024 | 09:39 AM
- Phân loại rác thải tại nguồn: Khó trước mắt - lợi lâu dàiKỳ II: Còn nhiều lúng túng, bất cập 22.11.2024 | 08:43 AM
- Không cho đất nghỉ 07.11.2024 | 09:00 AM
- Xã Vũ Vân khẩn trương ứng phó với lũ dâng gây ngập lụt 11.09.2024 | 19:36 PM
- Tăng cường tuần tra, canh gác bảo vệ đê 08.08.2024 | 21:03 PM
- Nhân dân Thái Bình tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 25.07.2024 | 15:11 PM
- Chạy đua cùng thời vụ 10.07.2024 | 08:47 AM
- Hãy đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thôngKỳ 1: Một bộ phận người dân lơ là đội mũ bảo hiểm 27.05.2024 | 10:34 AM
- Limousine X.E Việt Nam Thái Bình vẫn ngang nhiên hoạt động tại Vincom Shophouse 08.05.2024 | 15:26 PM
- Nhân dân đồng thuận với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 24.03.2024 | 21:56 PM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Tiếp xúc cử tri tại huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Cử tri quan tâm đến việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển
- Trên 1,3 triệu đại biểu tham dự hội nghị triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- Bế mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá XV
- Trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024 cho 36 thanh niên xuất sắc tiêu biểu
- Thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW