Thứ 5, 05/12/2024, 09:22[GMT+7]

Nhớ lẽ khoan dân (Kỳ III)

Thứ 3, 30/10/2018 | 08:47:59
3,016 lượt xem
Một trong những nguyên nhân xảy ra mất ổn định chính trị ở Thái Bình những năm 1997 - 1999 đã được Đảng bộ tỉnh xác định là do huy động quá sức dân và mất dân chủ trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Thế nhưng, những năm qua Thái Bình cũng huy động sức dân xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ vươn lên là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong phong trào này mà còn giữ vững ổn định tình hình chính trị, an ninh nông thôn.

Diện mạo nông thôn mới ở xã Thụy Phúc (Thái Thụy).

KỲ III: KHI “Ý ĐẢNG HỢP LÒNG DÂN”

Người dân là chủ thể

Về Quỳnh Phụ những ngày cuối tháng 10/2018, chúng tôi cảm nhận được con người nơi đây đã kiên cường vượt qua gian khó để hôm nay địa phương “khoác lên mình màu áo mới” nhờ những giải pháp đồng bộ trong xây dựng NTM. Bài học đắt giá từ sự kiện năm 1997 đã giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên trong huyện luôn phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân. Quỳnh Phụ thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng lề lối làm việc “hướng về cơ sở”, tăng cường đối thoại trực tiếp với dân, coi trọng công tác vận động quần chúng, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; lượng sức dân để huy động các nguồn lực; công khai, minh bạch trong đầu tư xây dựng công trình hạ tầng ở cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát. Nhờ vậy, phong trào có sự lan tỏa sâu rộng, thu hút sự tham gia tích cực, nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. 

Quỳnh Phụ chú trọng phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Ông Nguyễn Quang Cơ, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ năm 2011 - 2017, Quỳnh Phụ đã huy động được 1.990.530 triệu đồng đầu tư xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp, con em xa quê ủng hộ 1.000.302 triệu đồng, chiếm 50,2%. Đến nay, Quỳnh Phụ có 28/36 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 3 xã đang tích cực hoàn thiện các tiêu chí phấn đấu về đích trong năm 2018. Thu nhập trung bình của người dân nông thôn trên địa bàn huyện đạt 37 triệu đồng/năm. Quỳnh Phụ cơ bản đạt 6/9 tiêu chí huyện NTM, phấn đấu đến năm 2020 đạt huyện NTM.

Là huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM, ông Vũ Kim Cứ, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà khẳng định: Muốn huy động sức dân, trước hết cần đầu tư phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Đời sống nhân dân có khá giả, huy động các nguồn vốn trong dân mới thuận. Vì vậy, trong xây dựng NTM, Hưng Hà lượng sức dân để huy động nguồn lực, công khai, dân chủ để tạo sự đồng thuận. Đến hết tháng 1/2018, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM của huyện là 4.482.288 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp, con em xa quê ủng hộ là 1.667.411 triệu đồng, chiếm 37,2%. Đến nay, Hưng Hà có 32/33 xã đạt chuẩn NTM.

Trước đây, Thụy Phúc là xã khó khăn của huyện Thái Thụy. Triển khai xây dựng NTM năm 2011 nhưng với cách làm sáng tạo, đến năm 2013, Thụy Phúc là một trong những xã NTM đầu tiên của tỉnh. Toàn xã huy động được khoảng gần 100 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Với 30.766m đường trục xã, đường trục thôn, đường nhánh cấp 1, đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng được trải nhựa, bê tông hóa; cả 3 trường học, trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia; 3/3 thôn có nhà văn hóa... đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông thôn nơi đây. 

Đưa nghề về nông thôn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. 

Chủ tịch UBND xã Đàm Xuân Lượng cho biết: Điểm đổi thay rõ nét nhất của Thụy Phúc là đời sống của người dân ngày một nâng cao. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 1,52%, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 42,5 triệu đồng. Nguyên nhân thành công là do Đảng bộ, chính quyền xã luôn dựa vào nhân dân, nhân dân thật sự là người chủ xây dựng NTM, là người quản lý, giám sát và thực hiện các công việc trên địa bàn mình sinh sống. Yếu tố quan trọng nữa là có sự đoàn kết trong nội bộ Đảng, chính quyền các đoàn thể từ xã đến thôn, phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ và chính quyền thôn, tổ dân cư.

Lấy sức dân để chăm lo cho dân

Sự kiện mất ổn định chính trị ở Thái Bình những năm 1997 - 1999 được Đảng bộ tỉnh coi là bài học xương máu trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị 20 năm qua và xây dựng NTM những năm gần đây. Thái Bình xác định rõ sự nghiệp xây dựng NTM do nhân dân làm chủ thể, thực hiện quyền dân chủ, quyết định, trực tiếp thực hiện và hưởng lợi có sự hướng dẫn và hỗ trợ của các cấp. Tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; rà soát hệ thống văn bản, bổ sung, xây dựng các quy chế, quy định mới cho phù hợp với tình hình thực tế. Các nội dung xây dựng NTM được công khai, tuyên truyền rộng rãi; tổ chức cho nhân dân bàn bạc, thảo luận, đóng góp ý kiến, nhất là phương án quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các tiêu chí, có lộ trình phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng xã, thôn, khu dân cư; phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của mỗi địa phương; chú trọng đúc kết kinh nghiệm, nhân ra diện rộng những cách làm hay, sáng tạo; khắc phục tư tưởng nóng vội, cách làm thiếu dân chủ hoặc trông chờ, ỷ lại. Cách làm của Thái Bình là mỗi cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện được phân công phụ trách một xã xây dựng NTM; các đồng chí Tỉnh ủy viên, lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố được phân về những xã khó khăn để hỗ trợ xây dựng NTM. 

Thái Bình hỗ trợ xi măng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Thái Bình xây dựng NTM bằng mọi cách nhưng không bằng mọi giá; bảo đảm đồng bộ, thực chất và có chất lượng tất cả các tiêu chí, không xem nhẹ tiêu chí nào; đồng thời, không nặng về xây dựng kết cấu hạ tầng; chú trọng lấy mục tiêu nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn làm trung tâm.

Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng NTM. Trong đó, cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng cơ sở hạ tầng NTM đã phát huy vai trò chủ thể của người dân theo nguyên tắc dân chủ và tự nguyện, tự quyết định kế hoạch, huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện và giám sát xây dựng công trình ở từng thôn, làng, khu dân cư. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể ở cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; tổ chức cho khu dân cư bàn bạc thấu đáo, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân trên tinh thần tự nguyện, không quá sức dân; đồng thời hướng dẫn nhân dân tự quản lý kinh phí, tự tổ chức hình thức thi công. “Ý Đảng hợp lòng dân” nên nhân dân tích cực, hồ hởi hiến đất, góp thêm tiền, ngày công xây dựng NTM, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra khiếu kiện, tố cáo, sai phạm liên quan đến xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn.

Đến nay, tỉnh đã cấp hỗ trợ cho các địa phương 1.281.854 tấn xi măng xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ tốt đời sống dân sinh. Cùng với sự đầu tư ngân sách các cấp và sự đóng góp của người dân, toàn tỉnh đã cứng hóa 1.142km kênh mương cấp 1 (đạt 62%); xây dựng và nâng cấp: 3.539km đường giao thông nội đồng (đạt 74%); 1.053,47km đường trục xã (đạt 78%); 1.887,03km đường trục thôn (đạt 85,53%); 2.976,35km đường nhánh cấp 1 trục thôn (đạt 91%); 2.141km đường ngõ xóm; 28 trạm bơm, 248 cống đập; xây dựng 140 trường THCS, tiểu học và mầm non; 35 nhà văn hóa xã; 926 nhà văn hóa thôn; 178 trạm y tế; 126 chợ; 99 xã hoàn thành nâng cấp lưới điện nông thôn; 206 khu xử lý rác thải và lò đốt rác; 62 sân thể thao xã; 88 sân thể thao thôn. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ đến tận các khu dân cư đã làm thay đổi căn bản, toàn diện diện mạo nông thôn Thái Bình theo hướng văn minh, hiện đại. 

Nhờ cơ chế hỗ trợ xi măng, nhân dân Thái Bình phấn khởi góp sức xây dựng cơ sở hạ tầng.

Từ năm 2008 đến năm 2017, tổng nguồn vốn huy động, phân bổ cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đạt 36.799 tỷ đồng. Trong đó, vốn vận động con em xa quê đóng góp 181,2 tỷ đồng; nhân dân đã đóng góp tiền mặt và hiện vật quy thành tiền 9.677,6 tỷ đồng (chiếm 26,3% tổng nguồn vốn xây dựng NTM). Ngoài ra, nhân dân góp trên 100 triệu ngày công lao động, tự nguyện hiến trên 2.200ha đất để dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông và xây dựng các công trình phúc lợi. Toàn tỉnh có 200 xã và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về NTM. 

Nhờ thông thoáng trong cơ chế chính sách, dân chủ trong thực hiện, bàn bạc thấu đáo với nhân dân, chỉ trong thời gian khoảng 2 năm Thái Bình đã phủ kín 100% mạng lưới cung cấp nước sạch đến 100% xã, thị trấn. Tỷ lệ hộ dân nông thôn đấu nối, sử dụng nước sạch đạt trên 94%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Năm 2017, bình quân thu nhập chung khu vực nông thôn đạt 37 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2018 ước giảm còn 3,5%.

Hiện nay, Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp xây dựng NTM với mục tiêu: sản xuất phát triển; cuộc sống sung túc; diện mạo sạch sẽ; thôn, xã văn minh và quản lý dân chủ. Thực hiện nhất quán và triệt để phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong xây dựng NTM; xác định phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu quan trọng nhất. Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2019 tất cả các xã còn lại đạt chuẩn NTM, trước năm 2020 Thái Bình hoàn thành xây dựng NTM.


Ông Vũ Nhậm Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ)

Quỳnh Hoa ổn định và phát triển như hôm nay là nhờ bài học phát huy dân chủ trong Đảng, chính quyền và trong nhân dân. Mọi công việc của xã, của thôn đều được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ xã tới thôn đưa ra bàn bạc thấu đáo, lấy ý kiến của nhân dân. Trong đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, xã đều xin ý kiến của nhân dân, khi đa số bà con đồng ý mới triển khai thực hiện, tạo sự đoàn kết, trách nhiệm, huy động nguồn lực lớn trong nhân dân đầu tư cho xây dựng NTM.
Ông Khúc Văn Trường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thụy Phúc (Thái Thụy)

Cái được lớn nhất trong xây dựng NTM ở Thụy Phúc là tinh thần đoàn kết, thống nhất cao của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân. Điểm khác biệt ở Thụy Phúc là có 3 thôn chia làm 16 tổ dân cư, tổ trưởng do người dân tự bầu. Mọi công việc của thôn được các tổ thông báo và bàn bạc công khai đến từng người dân nên tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng. Các công trình của thôn, xã giao các tổ dân cư đảm nhiệm việc huy động kinh phí, nhân lực để thi công, không chỉ giảm chi phí đầu tư mà bà con vừa làm vừa giám sát và hưởng lợi nên ai cũng phấn khởi.

Cô giáo Đỗ Thị Gấm, Trường Tiểu học và THCS Thái Thịnh (Thái Thụy)


Nhờ xây dựng NTM nên Thái Thịnh đã có sự bứt phá ngoạn mục trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hệ thống cơ sở vật chất trường học. Giáo viên và học sinh được giảng dạy và học tập trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp. Kết quả này có được là nhờ sự đầu tư của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự ủng hộ của con em xa quê, sự hợp tác tích cực của nhân dân. Nhờ đó, những năm gần đây, nhà trường có sự bứt phá về chất lượng giáo dục và luôn nằm trong tốp đầu của huyện.


(còn nữa)

Nguyễn Hình - Thu Thủy