Thứ 5, 16/01/2025, 01:01[GMT+7]

Phía sau câu chuyện “sốt” gạch đất nung

Thứ 3, 23/04/2019 | 08:42:57
3,921 lượt xem
Hiện nay giá gạch đất nung trên thị trường Thái Bình đang có dấu hiệu tăng mạnh so với thời điểm đầu tháng 1/2019 vì nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và chi phí sản xuất gạch tăng do giá điện, giá xăng tăng. Thị trường gạch đất sét nung có thể sẽ còn “sốt” trong mùa xây dựng này.

Phần lớn doanh nghiệp sản xuất gạch đất nung trên địa bàn tỉnh có công nghệ cũ, sử dụng nhiều lao động khiến chi phí đầu tư cao.

Từ chuyện gạch đất nung “sốt”

Theo kết quả khảo sát của chúng tôi tại thời điểm ngày 10/4, gạch đất nung 2 lỗ loại A của Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Tiền Phong (thành phố Thái Bình) có giá 9,2 triệu đồng/1 vạn viên; gạch cùng loại của Công ty Cổ phần Gốm xây dựng Đại Thắng (huyện Vũ Thư) có giá 10,3 triệu đồng/1 vạn viên; gạch đất nung được nhập từ Đông Triều (Quảng Ninh) bán tại thành phố Thái Bình có giá dao động từ 12 - 13 triệu đồng/1 vạn viên. Như vậy, so với thời điểm đầu tháng 1/2019, giá gạch đất nung đã tăng bình quân khoảng 200.000 - 300.000 đồng/1 vạn viên. Dù giá gạch tăng cao như vậy nhưng một số doanh nghiệp sản xuất và đại lý kinh doanh gạch đất nung cho biết vẫn không có đủ gạch để bán đã tạo ra cơn “sốt”.

Trao đổi với một số đơn vị sản xuất gạch đất nung được biết, giá gạch đất nung tăng giá có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là tác động của việc giá điện tăng 8,36% so với mức giá trước đó (giá bán lẻ điện bình quân là hơn 1.864 đồng/kWh) làm cho chi phí sản xuất gạch đất nung tăng lên. Thứ hai, từ đầu tháng 3 là bước vào mùa cao điểm xây dựng của người dân và các doanh nghiệp nên nhu cầu sử dụng gạch nói chung, trong đó có gạch đất nung tăng cao. Thứ ba là khoảng 6 tháng cuối năm 2018, giá gạch đất nung trên địa bàn giảm sâu, có thời điểm giá gạch đất nung bán tại chân công trình chỉ từ 7,8 - 8 triệu đồng/1 vạn viên khiến cho không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch đất nung rơi vào tình trạng làm ăn không có lãi, sản xuất cầm chừng, thậm chí dừng sản xuất từ 1 - 3 tháng. Kéo theo đó là sản lượng gạch đất nung sản xuất trong tỉnh giảm đáng kể.

Ông Vũ Văn Thùy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Tiền Phong cho biết: Năm 2018, sản lượng gạch của Công ty đạt 60 triệu viên, giảm 10 triệu viên so với năm 2017 và lượng tồn kho khoảng 4 triệu viên. Sản lượng giảm cộng với việc phải hạ giá thành để giữ thị trường khiến doanh thu năm 2018 của Công ty dừng ở mức 40 tỷ đồng, giảm hơn 8 tỷ đồng so với năm trước. Không riêng Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Tiền Phong, tình trạng này cũng diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch đất  nung trên địa bàn tỉnh.

Đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Sự xuất hiện của gạch đất nung được nhập từ Đông Triều (Quảng Ninh) tạo ra sự cạnh tranh thị trường với gạch đất nung sản xuất trên địa bàn tỉnh. Vào thời điểm cuối năm 2018, giá gạch đất nung của Đông Triều chỉ dao động từ 7,8 - 8 triệu đồng/1 vạn viên. Không chỉ giá rẻ, chất lượng không thua kém gạch sản xuất trong tỉnh, gạch đất nung Đông Triều còn chinh phục khách hàng bởi dịch vụ vận chuyển nhanh, gọn, thuận lợi, quy cách đóng gói gạch bắt mắt và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt. Đây là lý do, chỉ trong một thời gian ngắn có mặt ở Thái Bình, gạch đất nung của Đông Triều đã chiếm lĩnh được thị phần không nhỏ.

Ông Vũ Văn Thùy cho biết thêm: Các doanh nghiệp sản xuất gạch đất nung ở Đông Triều có lợi thế là nguồn đất nguyên liệu tại chỗ, họ đầu tư thay đổi công nghệ lò nung mới hiện đại, ít sử dụng lao động và ít tiêu hao nhiên liệu điện, than nên có thể hạ giá thành sản phẩm đến mức thấp như vậy trong thời gian qua.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch đất nung trong tỉnh đang đối diện với nhiều khó khăn. Đó là nguồn nguyên liệu đất tại chỗ ngày càng cạn kiệt, phải nhập đất từ tỉnh ngoài về với giá cao (gần 100.000 đồng/m3). Phần lớn cơ sở sản xuất gạch đất nung sử dụng công nghệ cũ công suất nhỏ, tiêu tốn nhiều điện và than. Tỷ lệ cơ giới hóa, tự động hóa thấp, sử dụng nhiều lao động. 

Cụ thể, ở Thái Bình, một lò công suất 20 triệu viên/năm sử dụng khoảng 60 công nhân trong khi ở một số tỉnh ngoài chỉ sử dụng tối đa 30 công nhân. Đây chính là những lý do khiến giá thành gạch đất nung sản xuất trong tỉnh luôn cao. Thêm vào đó, với dịch vụ bán hàng, chăm sóc khách hàng yếu, sức cạnh tranh trên thị trường của các đơn vị sản xuất gạch đất nung trong tỉnh còn nhiều hạn chế. Thực tế, chỉ trong một thời gian ngắn khi có sự xuất hiện gạch đất nung từ tỉnh ngoài tràn vào, thị trường gạch đất nung của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh nhanh chóng bị “chia năm, xẻ bảy”, hoạt động sản xuất bị “lao dốc”.

Cần một hướng đi đúng

Thay vì phải đổi mới khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm để tạo sức cạnh tranh, nhiều đơn vị sản xuất gạch đất nung trong tỉnh lại cắt giảm sản lượng. Sai lầm này chẳng những không gỡ khó cho doanh nghiệp mà còn sa vào bế tắc ngay cả khi thị trường gạch đất nung tăng giá như hiện nay.

Để giải được bài toán này, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch đất nung trên địa bàn tỉnh cần nghiên cứu và thực hiện đúng quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ; quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất nung trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020 của UBND tỉnh; nhất là Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 5/4/2019 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng để có kế hoạch, chiến lược phát triển sản xuất phù hợp.

Ngoài việc phải tổ chức sắp xếp lại sản xuất, các đơn vị sản xuất gạch tuynen đủ điều kiện hoạt động theo quy định có kế hoạch đầu tư cải tạo, chuyển đổi công nghệ, song phải bảo đảm theo hướng lò nung tuynen sản xuất theo công nghệ tiên tiến, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu và bảo đảm các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Cùng với đó, thay đổi tư duy, tập trung nâng cao chất lượng các khâu dịch vụ bán hàng, chăm sóc khách hàng để tạo sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Đó chính là hướng đi đúng để doanh nghiệp tồn tại và giữ cho thị trường đất nung trên địa bàn tỉnh không bị “sốt” như vừa qua, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.


Khắc Duẩn