Chủ nhật, 05/05/2024, 04:12[GMT+7]

Không có chuyện xã Đồng Tiến “làm luật” máy gặt

Thứ 6, 07/06/2019 | 07:59:27
3,797 lượt xem
Ngày 3/6, trên mạng xã hội facebook, tài khoản Tuananh Tuân Anh Phamtuananh có đăng tải 2 đoạn video clip với nội dung công an xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) ngăn cản máy gặt và đòi nộp số tiền 3 triệu đồng về UBND xã. 2 đoạn video clip nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi và nhận được nhiều bình luận khiếm nhã, kích động, thiếu văn hóa.

Nông dân xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) thu hoạch lúa xuân.

Sáng ngày 6/6, phóng viên Báo Thái Bình đã trực tiếp về xã Đồng Tiến tìm hiểu sự việc. Ông Đặng Thanh Long, quyền Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến xác nhận 2 đoạn video clip đó được quay tại địa phương, sự việc thu tiền của máy gặt là đúng, nhưng bản chất sự việc không đúng như những gì video clip phản ánh.

Đồng Tiến là xã nằm xa trung tâm huyện Quỳnh Phụ, có địa bàn giáp ranh với 2 huyện Thái Thụy và Đông Hưng, địa phương có diện tích canh tác lớn nhất huyện Quỳnh Phụ với 640 ha. Mỗi vụ thu hoạch lúa, trên địa bàn Đồng Tiến có hàng chục máy gặt đập liên hợp từ các địa phương khác về làm dịch vụ cho bà con nông dân. Tuy nhiên, nhiều năm qua, hoạt động tự phát này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý trên địa bàn. Nhiều chủ máy không thực hiện gặt theo vùng, giá thu phí không đồng đều, nhiều nơi xuất hiện tình trạng ép giá người dân từ 170.000 – 180.000 đồng/sào. Do có sự cạnh tranh về giá, diện tích dẫn tới việc gặt ẩu, chạy đua nhau làm tỷ lệ rơi vãi cao, tạp chất trong thóc nhiều làm ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng thóc của bà con nông dân.

Do không có sự ràng buộc trách nhiệm trong quản lý máy gặt, nhiều vụ việc ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn đã xảy ra. Năm 2016, máy gặt làm hỏng đường vào trang trại của người dân, dẫn tới vụ việc đánh người gây thương tích, Công an xã phải xử lý hành chính. Tháng 10/2017, một số đối tượng xã hội đen đã đòi tiền “bảo kê” máy gặt với giá từ 2 – 5 triệu đồng/máy, sau đó gây rối trật tự, hành hung chủ máy gặt, buộc lực lượng Công an xã phải trấn áp và bắt giữ. Năm 2018, do cạnh tranh không lành mạnh, xuất hiện tình trạng kẻ xấu dùng hàng chục thanh sắt cắm xuống ruộng làm hỏng máy gặt, ảnh hưởng đến sản xuất.

Tình trạng nhiều máy gặt di chuyển làm hỏng đường giao thông, mương máng thủy lợi diễn ra thường xuyên, vụ mùa năm 2016 và 2018, máy gặt đã làm hỏng hàng chục mét máng xây thủy lợi của HTX DVNN, đứt đường dây điện dân sinh ở một số thôn... Tình trạng trên đã được đông đảo nhân dân phản ánh trong các cuộc họp thôn và tiếp xúc cử tri tại địa phương. 

Từ thực tế đó, thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ xã, UBND xã Đồng Tiến đã xây dựng và ban hành kế hoạch quản lý hoạt động của máy gặt phục vụ thu hoạch vụ xuân năm 2019 trên địa bàn. Kế hoạch gồm 5 bước thực hiện có sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở thôn, tập trung rà soát, lập danh sách, mời ký cam kết và thu tiền đặt cọc đối với các hộ đứng ra làm dịch vụ máy gặt. 

Sau khi khảo sát giá dịch vụ của các địa phương trong khu vực, Đồng Tiến áp giá chung chi phí công gặt máy là 125.000 đồng/sào. Các hộ làm dịch vụ thực hiện ký cam kết và đặt cọc với số tiền 3 triệu đồng về Ban quản trị HTX DVNN để cam kết thực hiện đúng hợp đồng, bảo đảm chất lượng thu hoạch lúa cho dân, bảo đảm về công trình giao thông, thủy lợi, ANTT. Sau khi gặt xong tại địa phương, mỗi máy gặt sẽ được HTX DVNN trả lại một nửa số tiền đặt cọc là 1,5 triệu đồng còn lại 1,5 triệu đồng được trích một phần để trả cho công tác điều hành, giám sát theo định mức quy định, còn lại được chuyển về cho các thôn để tổ chức tu bổ mương máng, bờ vùng, bở thửa bị hư hỏng do máy gặt gây ra. Kinh phí thu máy gặt không nộp vào ngân sách xã và HTX DVNN.

Ngay sau khi ban hành kế hoạch, thông báo rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh và các cuộc họp thôn đã nhận được những phản hồi rất tích cực của nhân dân. 

Bà Nguyễn Thị Hải, thôn Bất Nạo chia sẻ: Gia đình tôi cấy 1,3 mẫu. Vụ xuân năm nay, dù thời tiết có phần bất thuận song nhờ xã làm tốt công tác chỉ đạo điều hành trong phòng trừ sâu bệnh, diệt chuột, điều tiết nước... nên lúa của Đồng Tiến đạt năng suất cao. Đặc biệt, nhờ chủ trương quản lý máy gặt của UBND xã nên công gặt máy đã giảm còn 125.000 đồng/sào, không có tình trạng ép giá, gây rối trật tự như trước. Số tiền xã thu 1,5 triệu/máy gặt được công khai, minh bạch, sau đó giao về các thôn để bảo trì thủy lợi là rất hợp lý, được nhân dân đồng tình ủng hộ cao.

Vụ xuân 2019, trên địa bàn xã Đồng Tiến có 66 hộ gia đình đăng ký làm dịch vụ máy gặt, các hộ này được xã mời lên họp, thông báo chủ trương, ký cam kết bảo đảm chất lượng thu hoạch và bảo đảm công trình giao thông, thủy lợi, ANTT trên địa bàn. 65/66 hộ đã ký cam kết đều đồng quan điểm đây là chủ trương kịp thời và hợp lý của UBND xã. 

Ông Đỗ Văn Mười, thôn Cao Mộc cho biết: Tôi làm dịch vụ máy gặt được 6 năm nay, trước đây, mỗi mùa vụ thu hoạch lúa, tình trạng máy gặt từ các nơi về cạnh tranh địa bàn, giá cả rất phức tạp. Tháng 10/2017, một số đối tượng đã đòi tiền “bảo kê” máy gặt của tôi với giá 2 triệu đồng/máy, khi tôi không đồng ý, chúng xông vào nhà đánh anh em thợ máy và đập phá máy móc. Rất may, lãnh đạo xã và lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời giải quyết vụ việc, bảo toàn tính mạng và tài sản cho chúng tôi. Vụ xuân này, UBND xã có chủ trương quản lý máy gặt, quy định rõ giá cả, phân chia công khai địa bàn hoạt động, bảo đảm ANTT được nhân dân rất ủng hộ. Mức phí 1,5 triệu đồng/máy gặt thu để giám sát hoạt động và bảo trì giao thông là hợp lý, đặc biệt, khi nhận được báo cáo của các tổ giám sát về những máy không may bị hỏng hóc, gặt được ít diện tích, xã sẽ giảm số tiền phí để bù đắp cho chủ máy gặt.

Trở lại sự việc 2 đoạn video clip được đăng tải trên mạng xã hội facebook, ông Đặng Thanh Long, quyền Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho biết: Ông Phạm Văn Thủy, thôn Đông Hòe đã trực tiếp quay 2 video clip sau đó đăng tải qua tài khoản facebook Tuananh Tuân Anh Phamtuananh với nội dung không phản ánh đúng sự việc. Chính quyền địa phương đã mời ông Thủy lên làm việc, đến sáng ngày 6/6, 2 video clip đã được xóa bỏ và ông Thủy đã nộp tiền máy gặt theo đúng quy định. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Phạm Văn Thủy, thôn Đông Hòe là người làm dịch vụ máy gặt duy nhất tại Đồng Tiến không ủng hộ chủ trương thu tiền của xã, không tham gia họp, ký cam kết và nộp tiền làm dịch vụ máy gặt. Ông Thủy tự ý điều máy gặt vào địa bàn đã được xã chỉ định công khai cho người khác, khi lực lượng chức năng xuống can thiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho các chủ máy gặt khác, ông Thủy đã quay và phát tán 2 đoạn video clip trên nhằm lợi dụng dư luận mạng xã hội để thực hiện ý đồ cá nhân.

Sự việc xã Đồng Tiến “làm luật” máy gặt là không đúng sự thật. Câu chuyện quanh chiếc máy gặt không mới, nhưng công tác quản lý hoạt động máy gặt của Đồng Tiến với cách làm công khai, dân chủ, được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân chắc chắn sẽ là bài học cho nhiều địa phương khác.

Trịnh Cường