Chủ nhật, 05/05/2024, 04:27[GMT+7]

Những nữ nhà báo ở Trường Sa

Thứ 6, 21/06/2019 | 19:04:02
2,734 lượt xem
Tác nghiệp ở Trường Sa luôn là niềm tự hào, vinh dự với cuộc đời mỗi người làm báo. Thế nhưng, việc tác nghiệp ở Trường Sa luôn vất vả và gian khổ và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với trên đất liền. Ngoài yếu tố sức khoẻ tốt để chịu sóng gió, sự thay đổi thất thường của thời tiết biển, đảo thì điều cần hơn chính là sự say mê và tâm huyết với biển đảo.

Nhà báo Minh Nguyệt, Đài PTTH Ninh Bình tác nghiệp tại tàu kiểm ngư KN490..

Video: truongsa216.mp4

 VIDEO: Nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa

Góp mặt trong chuyến công tác đến Trường Sa đầu năm 2018 cùng với tôi còn có 5 nữ phóng viên đến từ các cơ quan báo chí trên cả nước. Cùng lênh đênh trên đảo hơn ba tuần, sự say mê, yêu nghề và đặc biệt là tình yêu với biển đảo quê hương của các đồng nghiệp nữ trên tàu KN490 đã khiến cánh nam nhi chúng tôi thực sự khâm phục.

Đầu tiên là chuyện say sóng. Ngày thứ 3 trong hải trình, trước khi tàu cập đảo Đá Tây, không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Trường Sa. Gió biển mạnh cấp 6, cấp 7, những con sóng cao từ 4-5m, khiến tàu kiểm ngư KN490 trọng tải 2.400 tấn cũng phải tròng trành, nghiêng ngả. Lúc này, nhiều người trong số chúng tôi bắt đầu cảm thấy nôn nao, khó chịu phải bỏ bữa vì mệt và đặc biệt, nhiều đồng nghiệp nữ đã phải nằm bẹp vì say sóng.

Phóng viên Thúy Hằng (Báo Hậu Giang) và Việt Quỳnh (Báo Lâm Đồng), Hồng Diên (Báo Xây Dựng) có lẽ là những người thấm thía nhất cảm giác này khi phải oằn mình vật lộn với những cơn say sóng xuyên suốt hải trình. Quỳnh và Hằng gần như không ăn uống được gì, phải truyền dịch liên tục và nhờ tới sự chăm sóc của bác sĩ trên tàu. Gạo rang, cơm cháy, lương khô hay cháo loãng... là thức ăn để đối phó tạm thời với cơn say nhưng ăn xong rồi cũng nôn ra hết. Điều khiến tôi khâm phục nhất ở Hằng, Quỳnh hay các đồng nghiệp khác trong đoàn công tác là dù có bị say sóng nằm bẹp một chỗ, nhưng chỉ cần cảm thấy đỡ hơn chút là lại lên boong trò chuyện, tâm sự với cán bộ, chiến sĩ trên tàu để tìm hiểu thông tin hay mỗi lần nghe thông báo đến đảo là bật dậy, ôm máy quay, máy ảnh, mặc áo phao chuẩn bị xuống xuồng, háo hức lên đảo như chưa từng say sóng.

Không ngại khó khăn, vất vả, những nữ nhà báo vẫn quyết tâm "vượt sóng đến Trường Sa"

Tác nghiệp ở Trường Sa là làm việc trong một điều kiện đặc biệt. Cái khó không chỉ là những cơn say sóng đến lả người. Cả khi thuận buồm, xuôi gió thì phóng viên cũng phải đối diện với sự eo hẹp về thời gian. Chỉ có hơn hai giờ đồng hồ tàu dừng trên mỗi điểm đảo, nếu không biết tận dụng thì quay đi quay lại, vèo một cái đã đến lúc phải trở lại tàu. Mọi kinh nghiệm làm báo, lúc ấy phải được phát huy một cách tối đa mới mong có được một lưng vốn kha khá để về đất liền “rút ruột“ dùng dần.

Chị em phụ nữ vốn cẩn thận, chu đáo và tình cảm hơn cánh nam nhi chúng tôi. Bởi vậy, trong hành trang đến với biển đảo của nhà báo Hồng Diên (Báo Xây dựng), nhà báo Nguyệt Ánh (Báo Hà Nội mới) là hàng trăm bức thư của các em học sinh từ đất liền gửi tặng, những tấm card điện thoại hay kẹo, bánh, sách báo... tất thảy đều được đóng gói cẩn thận để trao tận tay những chàng lính đảo.

Ngoài nhiệm vụ của cơ quan giao phó, những đồng nghiệp nữ đến Trường Sa bằng tình yêu biển đảo thiêng liêng, bằng tình cảm giản dị, gần gũi như những người chị người em ở đất liền ra thăm đảo. Được lắng nghe, chia sẻ thực tế đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo nên các đồng nghiệp nữ trong đoàn đã tạo cho mình nhiều cảm xúc riêng về lính đảo Trường Sa. Chẳng thế mà hành trang khi vào bờ của nhà báo Hồng Diên ngoài hàng trăm lá thư hồi đáp của chiến sĩ còn có thêm những con ốc biển, quà tặng đặc biệt của lính đảo dành cho một nữ phóng viên luôn dành hết lòng mình cho biển đảo quê hương. Tôi nghĩ đó thực sự là những kỉ niệm, là hạnh phúc lớn lao của những nhà báo nữ nói riêng và những người cầm bút nói chung.

Được lắng nghe, chia sẻ thực tế đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo nên các đồng nghiệp nữ trong đoàn đã tạo cho mình nhiều cảm xúc riêng về lính đảo Trường Sa. Trong ảnh: Phóng viên Việt Quỳnh, Báo Lâm Đồng tác nghiệp tại đảo Trường Sa Đông.

Cũng là thử thách về những cơn sóng, kỉ niệm khiến tôi nhớ nhất chính là lần đoàn chúng tôi rời đảo Trường Sa Đông. Sau gần một ngày đêm lưu lại trên đảo với cán bộ, chiến sĩ, khoảng 13 giờ chiều, tình hình thời tiết chuyển biến xấu gió và sóng biển giật cấp 5, cấp 6 kèm mưa nặng hạt nên đoàn nhận lệnh rời đảo sớm bằng xuồng CQ. Tôi chung chuyến xuồng với đồng chí trưởng đoàn công tác và 5 nữ đồng nghiệp của đoàn.

Khoảng cách từ đảo ra tới vị trí tàu neo đậu khoảng hơn một hải lý, mặc dù thông thạo tất cả luồng lạch ở Trường Sa, nhưng mất hơn 30 phút, Trung úy Đinh Văn Công vẫn chưa thể điều khiển xuồng thoát khỏi sự bủa vây của những cơn sóng dữ. Chặng đường đến tàu còn già nửa. Từ đồng chí trưởng đoàn công tác đến cánh phóng viên chúng tôi, ai nấy trên xuồng đều im lặng, không khí căng thẳng tột độ. Tất cả trông chờ vào kinh nghiệm của người chỉ huy xuồng. Một quyết định táo bạo được Trung úy Công đưa ra là quay ngược về đảo rồi đi hướng khác. Phương án này tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi thời tiết càng lúc càng xấu, nếu không thành công thì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch thay thu quân của đoàn. Đây là quyết định sáng suốt, bởi lần này xuồng chuyển hướng sang mạn đối diện của tàu, những cơn sóng có vẻ bớt dữ dằn hơn. Sau gần một tiếng, chúng tôi tiếp cận được tàu. Lúc này, lòng can đảm lại thêm một lần được thử thách. Mặc dù được chỉ huy và thủy thủ đoàn phổ biến nhiều lần, nhưng lên xuống xuồng trong điều kiện sóng to, gió lớn vẫn là điều cực kỳ nguy hiểm. Nếu như sàn tàu lớn gần như cố định thì xuồng nhỏ chở chúng tôi không ngừng lắc lư, chồm lên thụp xuống theo nhịp sóng. Chỉ cần một cái bước chân bị hụt hay lỡ nhịp sóng nâng xuồng lên là rất dễ xảy ra tai nạn. Sau khi đưa thiết bị lên trước, cô "em út" Việt Quỳnh, Báo Lâm Đồng nhận lệnh lên tàu. Sóng nâng xuồng lên cao sát mép sàn tàu, Quỳnh bước nhanh lên tàu, nhưng nhỡ mất một nhịp, cơn sóng kéo xuồng thụp xuống, Quỳnh mất thăng bằng, lảo đảo thiếu chút nữa thì bị ngã khỏi xuồng. May mà hai chiến sĩ nhanh tay kéo, đỡ Quỳnh trở lại. Một khoảnh khắc hú vía, một kỉ niệm không dễ quên với anh em đoàn phóng viên chúng tôi.

Dấn thân vào nghề báo, người phụ nữ vất vả không thể nói hết, nhưng với lòng yêu nghề, đam mê và nhiệt huyết, niềm vinh dự nghề nghiệp khi được tác nghiệp ở Trường Sa họ vẫn tiếp tục bước đi trên con đường mình đã chọn. Bởi họ biết mình luôn có “hậu phương” vững chắc là niềm tin của độc giả...

Nguyễn Thơi