Thứ 5, 16/01/2025, 00:37[GMT+7]

Hiệu quả mô hình chăn nuôi vịt biển

Thứ 2, 05/08/2019 | 09:03:20
5,957 lượt xem
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng đối tượng vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình tiếp tục thực hiện mô hình chăn nuôi vịt biển. Mô hình áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, qua đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao.

Đàn vịt nuôi theo hướng an toàn sinh học ở các điểm thực hiện mô hình đều phát triển tốt, không bị dịch bệnh.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tổ chức đánh giá hiệu quả mô hình chăn nuôi vịt biển thuộc dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi giống vịt biển 15  - Đại Xuyên cho các tỉnh ven biển miền Bắc và miền Trung” do Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi) phối hợp thực hiện năm 2019. 

Mô hình triển khai tại 3 xã: Thái Đô, Thái Thành, Thái Thượng (Thái Thụy) với quy mô 7.500 con, 18 hộ chăn nuôi tham gia được hỗ trợ 100% giống, 30% giá trị thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Giống vịt trong mô hình là giống vịt biển 15 - Đại Xuyên, do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên lai tạo, có khả năng thích nghi rộng, có thể sống tại các vùng cửa sông, cửa biển và bãi biển. Mục tiêu của mô hình nhằm chuyển giao đến nông dân giống vịt mới có khả năng thích nghi ở nhiều môi trường nước, đặc biệt là nước mặn, đưa thêm con giống mới vào bộ giống chăn nuôi, tạo sinh kế cho các hộ dân vùng nước lợ, nước mặn và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. 

Kỹ sư Bùi Thị Chuyên, Trung tâm Khuyến nông (cán bộ phụ trách thực hiện mô hình) cho biết: Ngoài được hỗ trợ giống, một phần vật tư, các hộ chăn nuôi còn được hướng dẫn ghi chép nhật ký chăn nuôi, kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học. Nhờ chọn con giống đạt tiêu chuẩn, chăm sóc nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật và giữ gìn tốt vệ sinh môi trường, đặc biệt là khâu tiêm chủng đầy đủ nên đàn vịt nuôi theo hướng an toàn sinh học ở các điểm thực hiện mô hình đều phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Vịt biển nuôi mau lớn và có khả năng cho lợi nhuận cao hơn so với nuôi giống vịt ở địa phương, tiêu tốn thức ăn thấp nên rất thích hợp với hình thức nuôi công nghiệp hoàn toàn. Từ đó có thể khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu giống, thay đổi tập quán chăn nuôi vịt tận dụng mùa vụ đuổi đồng chuyển sang nuôi công nghiệp hoàn toàn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra, đồng thời tạo ra sản phẩm thịt vịt với số lượng lớn, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường. Mô hình cho thu lãi bình quân 6 triệu đồng/hộ.

Sau hơn 2 tháng nuôi đàn vịt biển 15 - Đại Xuyên do dự án hỗ trợ theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, ông Phạm Ngọc Phi, xã Thái Thành (Thái Thụy) cho biết: Giống vịt biển 15 - Đại Xuyên có sức đề kháng cao, đồng thời gia đình đã làm đầy đủ quy trình phòng bệnh do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nên có tỷ lệ nuôi sống đạt trên 96%, cao hơn so với các giống vịt tại địa phương. Vịt tăng trọng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. So với các giống vịt khác tại địa phương đây là giống vịt đem lại hiệu quả kinh tế cao, dễ chăm sóc nên cần tuyên truyền rộng rãi để bà con chăn nuôi biết đến, làm theo.

Kỹ sư Bùi Thị Chuyên cho biết thêm: Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi giống vịt biển 15 - Đại Xuyên cho các tỉnh ven biển miền Bắc và miền Trung” do Trung tâm Khuyến nông Thái Bình phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên triển khai từ năm 2017 - 2019. Thực tế sau 3 năm thực hiện dự án tại tỉnh Thái Bình cho thấy giống vịt biển 15 - Đại Xuyên thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi ở nhiều môi trường từ nước ngọt, nước lợ đến nước mặn nên có thể nuôi tại các vùng cửa sông, cửa biển và bãi biển. Mô hình nuôi vịt biển được xem là bước ngoặt lớn trong ngành chăn nuôi thủy cầm, bởi xưa nay, vịt chưa bao giờ chịu được nước biển mà chỉ sống trong đất liền ở những vùng nước ngọt.

Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi; vì vậy chuyển đổi giống vật nuôi nhằm thay thế con lợn để bảo đảm sinh kế cũng như nguồn cung ứng thịt cho thị trường là rất cần thiết. Cuối tháng 6 vừa qua, từ kinh phí của tỉnh, mô hình nuôi vịt biển theo hướng an toàn sinh học tiếp tục được thực hiện tại 4 xã: Đông Hoàng, Đông Quý, Đông Long, Đông Trà (Tiền Hải) với quy mô 2.220 con. Mong rằng thành công ở đối tượng vật nuôi mới này sẽ không dừng lại ở những mô hình.

Ngân Huyền