Thứ 5, 16/01/2025, 00:56[GMT+7]

Đông Hưng: Muôn kiểu đối phó với chuột

Thứ 2, 26/08/2019 | 08:33:40
3,053 lượt xem
Trước tình trạng chuột đồng bùng phát và cắn phá lúa mùa, những ngày qua, các ngành chức năng và người dân trên địa bàn huyện Đông Hưng đồng loạt ra quân diệt chuột bảo vệ lúa. Tuy nhiên, chuột vẫn là nỗi lo lớn nhất hiện nay của hầu hết bà con nông dân.

Người dân Đông Hưng bắt được hàng nghìn con chuột trong chiến dịch diệt chuột vừa qua.

Có mặt tại cánh đồng thôn Cộng Hòa, xã Đông Quang chúng tôi thấy rất nhiều người dân đang tập trung bắt chuột. Ông Vũ Văn Xứng cho biết: Cả 1,5 mẫu ruộng của gia đình đều bị chuột cắn phá. Từ đầu mùa đến nay, HTX DVNN xã đã vài lần rải bả sinh học, gia đình tự đặt cạm bắt chuột nhưng chuột vẫn tiếp tục cắn lúa. Hai hôm nay tôi phải ra đồng bắt chuột cùng mọi người trong thôn từ 7 giờ sáng đến tối mịt. Tổ diệt chuột do bà con tự lập, không có thù lao song ai cũng hăng hái, không sợ vất vả, đã bắt được trên 100 con chuột. Tinh thần diệt chuột bảo vệ mùa màng của bà con thôn Cộng Hòa còn thu hút được cả một số người không có ruộng, không phải cán bộ thôn, cán bộ xã tích cực tham gia như ông Phạm Công Uẩn. 

Ông Uẩn cho biết: Suốt 2 ngày tôi tham gia diệt chuột để cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần mọi người. Đáng buồn là sau chiến dịch chỉ một thời gian ngắn tình trạng chuột cắn phá lúa lại tái diễn, chính quyền xã cần vào cuộc tích cực để đối phó với nạn chuột vì thời điểm này bị chuột cắn coi như mất mùa.

Không tự phát như ở xã Đông Quang, hơn 100 người dân của hai thôn Văn Ông Trung và Tây Đồng Hải, xã Đông Vinh hưởng ứng chiến dịch diệt chuột của xã đã đồng loạt ra quân diệt chuột trên toàn bộ cánh đồng của thôn. Trong một buổi tối, người dân hai thôn đã đánh bắt được trên 800 con chuột. Sau khi đánh bắt, HTX DVNN xã thu mua đuôi chuột với giá 2.000 đồng/đuôi. 

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc HTX cho biết: 7 thôn còn lại cũng đang huy động người dân ra đồng bắt chuột. Bên cạnh việc phát động chiến dịch diệt chuột, từ đầu vụ đến nay xã vẫn duy trì các tổ, đội bắt chuột thường xuyên, liên tục vào ban đêm bằng phương pháp thủ công nhằm hạn chế chuột gây hại ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa.

Còn ở xã Liên Giang, ngoài biện pháp rải bả sinh học, đánh cạm, nhiều hộ còn đầu tư hàng triệu đồng mua nilon, luồng quây toàn bộ ruộng lúa để ngăn chuột cắn lúa. Riêng thôn Kim Ngọc 1 và thôn Kim Ngọc 2 thuê 2 người đánh bắt chuột ở toàn bộ diện tích trên 100ha cấy lúa cho bà con. 

Bà Phạm Thị Vi, thôn Kim Ngọc 1 cho biết: Hai vụ nay, chúng tôi thuê người diệt chuột với mức 4kg thóc/sào, họ đánh đồng loạt nên cũng hạn chế được chuột cắn phá. Song một số diện tích gần khu dân cư, gần khu chuyển đổi dù đánh và bắt được khá nhiều chuột nhưng vụ này chuột vẫn sinh sôi nhanh và gây hại nặng. HTX DVNN xã nên hợp đồng với công ty chuyên bắt chuột để giúp bà con, nếu không thì nhiều diện tích lúa sẽ mất mùa vì chuột.

Hiện tại nhiều diện tích lúa trà đầu của huyện Đông Hưng đang vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Đây cũng chính là thời điểm chuột thường hay gây hại nặng nhất. Nhằm từng bước khống chế và giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do chuột gây ra đối với cây lúa và hoa màu, từ đầu vụ đến nay chính quyền cùng các đoàn thể các địa phương đã liên tục phát động phong trào “nhà nhà diệt chuột, người người diệt chuột” thu hút đông đảo người dân tham gia. Qua đó, toàn huyện đã tiêu diệt hàng nghìn con chuột. 

Nhưng theo đồng chí Vũ Thị Nhuệ, Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, vụ mùa năm 2019 chuột gây hại diện rộng ngay từ đầu vụ, tỷ lệ trung bình 5%, cao 5 - 7%, cá biệt có nơi tới 15 - 25%. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết nắng, ấm kéo dài, mực nước trên các trục sông thấp, các bãi rác thải phát sinh... chính là điều kiện thuận lợi cho chuột sinh sản nhanh, phá hoại mùa màng. Nhiều giải pháp đã được người dân địa phương áp dụng song vẫn chưa thể khống chế thành công “kẻ thù số 1” trên đồng ruộng hiện nay.

Tuy vậy, vẫn có những địa phương như Hoa Lư, Hoa Nam, Hồng Giang, Hồng Châu, Phú Châu, Đông Giang... chuột đã bị tiêu diệt bởi đội ngũ diệt chuột chuyên nghiệp của các công ty, nhờ đó bà con nông dân không phải đau đầu đối phó với chuột. 

Đồng chí Trương Đăng Lộc, Chủ tịch UBND xã Hoa Lư cho biết: Vài vụ nay, xã đã hợp đồng với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Thái Bình để diệt chuột cho nông dân. Họ diệt chuột bài bản, có kinh nghiệm, đặc biệt là họ làm đồng loạt, thường xuyên trên tất cả các cánh đồng nên hiệu quả cao, lúa không bị chuột phá hoại. Theo nhiều cán bộ xã cũng như người dân, đây là giải pháp tốt, hiệu quả nhất để đối phó với chuột, cần nhân rộng.  Nhưng khó khăn nằm ở chỗ Công ty yêu cầu xã phải ký hợp đồng ít nhất 3 vụ với toàn bộ diện tích cấy lúa trong khi người dân không phải ai cũng đồng thuận với việc này, nhất là những hộ cấy nhiều diện tích. 

Bà Nguyễn Thị Ánh, thôn Kim Châu 2, xã An Châu cho biết: Tôi rất đồng thuận với việc thuê công ty về diệt chuột để bảo vệ mùa màng vì mình tự đánh không hiệu quả bằng họ song một số hộ lại không đồng ý. Do vậy, vài vụ nay đề xuất thuê công ty về diệt chuột vẫn không thành hiện thực, bà con vẫn phải tự đối phó với chuột, mỗi vụ vẫn có những ruộng lúa mất mùa bởi chuột cắn phá.

Hiện nay, huyện Đông Hưng đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục huy động mọi nguồn lực, nhân lực để tổ chức triển khai diệt chuột, kết hợp nhiều biện pháp để tăng hiệu quả; tuy nhiên, quan trọng nhất là phải thực hiện đồng loạt cùng thời điểm, diệt chuột ở cả ngoài đồng và trong làng.

Thu Hiền

  • Từ khóa