Thứ 6, 03/05/2024, 13:56[GMT+7]

Gỡ “nút thắt” thiếu giáo viên (Kỳ 1)

Thứ 2, 16/09/2019 | 09:02:49
2,728 lượt xem
Thái Bình hiện thiếu 3.167 giáo viên mầm non và là một trong những tỉnh thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước - đây là con số do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019 tổ chức tại Hà Nội trước thềm năm học 2019 - 2020. Thiếu giáo viên, nhiều trường phải ký hợp đồng để có giáo viên đứng lớp, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ để ổn định hoạt động dạy học.

Tiết học trên lớp của học sinh Trường Tiểu học Vũ Hội (Vũ Thư).

Kỳ I: Thiếu giáo viên - nỗi lo chưa dứt

Năm học mới vừa bắt đầu, lẽ ra đây là thời điểm các trường phấn khởi, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ năm học nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra và chưa có hồi kết đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của nhiều trường.

Lương gần 1,5 triệu đồng/tháng, giáo viên hợp đồng vẫn bám trường

Năm nay là năm thứ bảy cô giáo Đặng Thị Huyền dạy học tại Trường Mầm non Thụy Sơn (Thái Thụy) theo hình thức hợp đồng. Với đặc thù của giáo viên mầm non, cô phải có mặt tại trường từ 6 giờ 30 phút và kết thúc ngày làm việc vào 17 - 18 giờ. Mặc dù công việc vất vả nhưng từ năm 2012 đến nay mức lương của cô vẫn không có nhiều thay đổi bởi cô vẫn là giáo viên được nhà trường thuê dạy. 

Cô Huyền chia sẻ: Mặc dù sau 7 năm mức lương cơ bản tăng từ 1.050.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng nhưng không thể đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Nếu kéo dài tình trạng này tôi cũng không thể chắc chắn được mình sẽ bám trụ, cống hiến với ngành Giáo dục được đến khi nào. Đây cũng là tâm tư, trăn trở của nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Thái Thụy nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Cô giáo Đặng Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thụy Sơn cho biết: Trường hiện có 17 nhóm, lớp với tổng số 606 trẻ, gồm 5 nhóm trẻ và 12 lớp mẫu giáo. Theo Thông tư liên tịch số 06 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, các cơ sở giáo dục mầm non bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ, đối với lớp mẫu giáo bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp. Như vậy, Trường Mầm non Thụy Sơn sẽ phải có ít nhất 34 giáo viên trực tiếp đứng lớp, tuy nhiên thực tế hiện nay nhà trường chỉ có 32 giáo viên đứng lớp, không đủ so với quy định tại Thông tư liên tịch số 06. Mặt khác, trong số giáo viên này cũng chỉ có 12 giáo viên trong biên chế, còn lại là giáo viên hợp đồng trong diện được đóng bảo hiểm hoặc được nhà trường thuê phục vụ các công tác dạy học. Không chỉ vậy, trong 3 năm tới nhà trường sẽ có liên tiếp 5 giáo viên nghỉ hưu, nếu không được kịp thời bổ sung thì tình trạng thiếu giáo viên sẽ tiếp diễn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học của nhà trường. 

Theo cô Hường, để tăng thu nhập cho giáo viên hợp đồng đồng thời “giữ chân” các cô, nhà trường đã bố trí để các cô chăm nuôi bán trú. Như vậy, mỗi tháng các cô sẽ có thêm vài trăm nghìn đồng trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, kể cả là 2 triệu đồng/tháng đi chăng nữa thì các cô cũng không thể vơi đi gánh nặng cơm áo gạo tiền, nhất là với những cô đã có gia đình.

Trường Mầm non Thụy Sơn (Thái Thụy) là một trong những trường đang thiếu giáo viên hiện nay.

25 lớp nhưng chỉ có 23 giáo viên văn hóa

Thực trạng thiếu giáo viên tại mỗi cấp học có sự khác nhau. Ở Thái Bình, không chỉ thiếu giáo viên mầm non mà nhiều trường tiểu học cũng đang rơi vào thực trạng này. 

Thầy giáo Đỗ Đình Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Hội (Vũ Thư) chia sẻ: Năm học mới này Trường có gần 900 học sinh với 25 lớp. Tuy nhiên hiện nay Trường chỉ có 23 giáo viên văn hóa, 7 giáo viên chuyên trách (gồm 2 giáo viên ngoại ngữ, 2 giáo viên âm nhạc, 2 giáo viên thể dục và 1 giáo viên mỹ thuật). Theo quy định, giáo viên chủ nhiệm phải là giáo viên dạy văn hóa, vì vậy Trường thiếu 2 giáo viên chủ nhiệm 2 lớp còn lại. Để ổn định tâm lý cho cán bộ, giáo viên cũng như phụ huynh học sinh đồng thời giữ vững chất lượng giáo dục, Trường đã quyết định tuyển thêm 2 giáo viên hợp đồng để làm công tác ở 2 lớp còn lại. Đây là những cô giáo tốt nghiệp ở những trường sư phạm có tiếng, chuyên môn tốt nên sau một thời gian ngắn các cô dạy tại Trường, phụ huynh khá yên tâm và tin tưởng. 

Cũng theo thầy Thắng, nhà trường không bố trí 2 cô giáo này chủ nhiệm khối 1 và khối 5 bởi đây những khối lớp quan trọng, đòi hỏi giáo viên không những dạy giỏi mà phải có kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng để dìu dắt các em. Không chỉ thiếu giáo viên văn hóa, những năm qua, Trường Tiểu học Vũ Hội còn phải hợp đồng với giáo viên tin học. 

Thầy Thắng cho biết thêm: Do không có chỉ tiêu biên chế nên giáo viên tin học dù đã tham gia giảng dạy tại Trường nhiều năm vẫn không được xét, thi tuyển vào biên chế, ảnh hưởng nhiều đến chế độ của giáo viên. Hàng năm, nhà trường trích từ kinh phí hoạt động để chi trả, tuy vậy giáo viên vẫn chưa yên tâm công tác do mức lương thấp. Vì vậy, chúng tôi phải bố trí cho giáo viên tin học làm thêm công tác bán trú tại trường để có thêm thu nhập.

Chất lượng giáo dục luôn gắn liền với chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Một khi lực lượng giáo viên không ổn định sẽ dẫn đến chất lượng giáo dục cũng rất bấp bênh. Vì vậy, để có đủ giáo viên, đáp ứng nhu cầu dạy học, nhiều địa phương phải thuê giáo viên song việc làm này cũng đang vướng phải những bất cập từ chính cơ chế, chính sách khiến nhiều trường rơi vào tình trạng lúng túng trong cách xử lý. Đây là nỗi lo của nhiều cơ sở giáo dục trong năm học 2019 - 2020.

(còn nữa)

Đặng Anh

  • Từ khóa