Thứ 5, 16/01/2025, 00:31[GMT+7]

Xử lý vi phạm công trình thủy lợi còn nhiều khó khăn

Thứ 2, 16/09/2019 | 09:12:10
6,523 lượt xem
Mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhưng hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi tại các địa phương vẫn tiếp tục diễn ra. Những vi phạm trên không những làm thu hẹp dòng chảy mà còn gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lụt, bão.

Hàng loạt vi phạm hành lang công trình thủy lợi trên sông Yên Lộng, đoạn qua địa bàn thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) chưa được chính quyền địa phương xử lý.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các hành vi vi phạm công trình thủy lợi chủ yếu là lấn chiếm làm co hẹp mặt cắt sông, cản trở dòng chảy làm ảnh hưởng đến năng lực tưới, tiêu của sông; cắm kè tre, cọc bê tông, đổ đất lấn chiếm dòng chảy, làm lều quán, nhà để xe, chuồng trại, bãi tập kết vật liệu; đổ trực tiếp các loại phế thải như gạch vỡ, rác thải xuống lòng sông; làm cầu giao thông qua sông, các đập tạm thi công tự ý xây dựng không xin phép; cắm đăng đó, dựng vó bè, cắm bèo bối, bè muống, quây lưới chăn nuôi vịt trên sông...

Từ đầu năm 2019 đến ngày 20/8/2019, Chi cục Thủy lợi đã phát hiện mới 61 trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Một số trường hợp vi phạm điển hình như ông Trần Văn Ngoạn, thôn Trình Hoàng, xã Vũ Lễ (Kiến Xương) làm lán bằng thép trên sông Hoàng Giang đoạn cầu Tân Lễ với chiều dài 12m, chiều rộng 5m; ông Khổng Vũ Hưng, xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình) đóng cọc, chôn ống bi xây tường gạch lấn chiếm bờ sông Sa Lung với chiều dài 10m, chiều cao 1,5m; ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Phong Châu (Đông Hưng) lấn chiếm hành lang sông Tiên Hưng với chiều dài 25m, chiều rộng 4,5m... Bên cạnh đó, các vật cản như bèo bồng, cỏ, rác, đăng đó, vó bè đã làm hạn chế khả năng tiêu nước ra các sông trục chính, đặc biệt trên các tuyến sông giáp ranh giữa các huyện và các xã, kênh tiêu mặt ruộng gây ngập úng nhanh làm kéo dài thời gian tiêu, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Nguyên nhân của những vi phạm trên được các ngành chức năng xác định là do lịch sử để lại, một số hộ dân đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc cấp phép hoạt động trái thẩm quyền trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Do đặc thù các công trình thủy lợi có số lượng rất nhiều, đa đạng và thường ở nơi hẻo lánh, sau nhà dân, giao thông đi lại khó khăn gây trở ngại cho việc xác định đối tượng vi phạm cũng như việc phát hiện, xử lý vi phạm. Một bộ phận không nhỏ người dân còn chưa hiểu biết về pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi nên đã tự ý lấn chiếm dòng sông, bờ kênh mương, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác xử lý vi phạm chưa chặt chẽ, đồng bộ, chưa có biện pháp mạnh để ngăn chặn triệt để.

Ông Nguyễn Bảo Khương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Tất cả các trường hợp vi phạm đều đã được các đơn vị chức năng lập biên bản gửi chính quyền địa phương đề nghị xử lý. Tuy nhiên, kết quả đạt được rất thấp, thậm chí chính quyền cơ sở biết sai phạm nhưng vẫn không xử lý, giải tỏa, dẫn đến số vụ vi phạm tồn đọng nhiều. Để chấm dứt tình trạng trên, thời gian qua, Chi cục Thủy lợi đã thường xuyên tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện trách nhiệm theo quy định của Luật Thủy lợi, tăng cường công tác xử lý vi phạm hành chính đối với các vi phạm trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Trong thời gian tới, Chi cục Thủy lợi đề nghị các cấp, các ngành bố trí kinh phí xây dựng, cứng hóa bờ sông nội đồng để giảm thiểu tình trạng lấn chiếm, vi phạm công trình thủy lợi. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý triệt để vi phạm hành chính mới phát sinh theo đúng quy định của Luật Thủy lợi. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi.

Phạm Hưng

  • Từ khóa