Thứ 7, 18/05/2024, 04:08[GMT+7]

Để “tàu 67” không chịu cảnh nằm bờ (Kỳ 2)

Thứ 3, 24/09/2019 | 08:49:25
2,755 lượt xem
Nghị định số 67 đã thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngư dân, giúp bà con có tàu to, máy lớn để vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai đã phát sinh nhiều bất cập, một số tàu phải nằm bờ, ngư dân lâm cảnh nợ nần.

Có giá trị hàng chục tỷ đồng nhưng khai thác không hiệu quả nên “tàu 67” đành phải nằm bờ.

Kỳ 2: Thành công nhưng quá nhiều khó khăn, vướng mắc

Nhiều sự cố

Những ngày đầu tháng 9/2019, chúng tôi về xã Nam Thịnh (Tiền Hải) để gặp gỡ ngư dân Bùi Xuân Cử - 1 trong 8 ngư dân được ngân hàng chấp thuận cho vay vốn để đóng mới tàu vỏ thép khai thác hải sản. Với tổng vốn đầu tư 16,208 tỷ đồng, ông Cử đã được Agribank Chi nhánh huyện Tiền Hải cho vay 15,4 tỷ đồng, số tiền còn lại là vốn ông Cử tự bỏ ra. Tháng 9/2016, con tàu mang số hiệu TB.90568-TS có công suất 822,8CV chính thức hạ thủy, bắt đầu cho hành trình chinh phục biển đầu tiên. Năm đầu tiên, hoạt động khai thác thuận lợi nên ông Cử đều đặn trả được tiền lãi ngân hàng. Tuy nhiên, càng về sau chi phí nhân công và xăng dầu ngày càng tăng lên, trong khi đó lượng cá ở biển lại ngày càng ít đi thậm chí không có khiến cho hoạt động khai thác đi vào bế tắc, tàu phải nằm bờ hơn 9 tháng nay. Vì thế, các khoản phải trả cho ngân hàng bị chậm lại và đến nay ngân hàng đã phải đưa ông vào danh sách nợ xấu nhóm 5 (khoản nợ xấu có khả năng mất vốn cao). 

Ông Cử tâm sự: Tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ bởi trả gốc không được, trả lãi cũng không xong, nợ mới chồng nợ cũ. Muốn chuyển đổi lĩnh vực khai thác thì không được bởi các điều khoản cho vay không cho phép chủ tàu được tự ý chuyển đổi.

Cùng chung tâm lý như ông Cử, ông Đặng Thanh Khuyên, xã Nam Thịnh (Tiền Hải) cho biết: Khi nhận tàu hồ hởi bao nhiêu thì bây giờ tôi hoang mang, chán nản bấy nhiêu vì thật sự làm không nổi, để tàu ở nhà thì hư hỏng mà đi thì lỗ. Việc lựa chọn đóng “tàu 67” với chi phí 16,034 tỷ đồng đã làm “mất đi” cơ hội xây nhà mới của ông Khuyên, khiến gia đình ông vẫn phải ở tạm trong căn nhà cấp 4 bởi làm ăn thua lỗ. Khoản vay ngân hàng với 14,981 tỷ đồng, ông Khuyên đang không biết phải xoay sở ở đâu ra để có thể trả được nợ.

Theo các chủ tàu, chi phí mỗi chuyến biển của tàu vỏ thép ngày càng tăng cao do giá dầu nhớt, đá, lưới nghề, nhu yếu phẩm ngày càng tăng cao; tiền thuê thuyền viên phục vụ cho khai thác hải sản của các tàu tăng cao gấp 1,6 lần. Trong khi đó, thiết kế con tàu lại không phù hợp với ngành nghề khai thác, chi phí bảo dưỡng cho mỗi con tàu từ 300 - 500 triệu đồng/lần/6 tháng dẫn tới hiệu quả mỗi chuyến đi biển quá thấp, thậm chí là lỗ. Ngoài ra, ngư dân còn gặp nhiều khó khăn khác như: ngư trường đánh bắt bị thu hẹp; thị trường tiêu thụ bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc (do hải sản khai thác xa bờ chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc); tỷ lệ hỗ trợ chi phí bảo hiểm thân tàu cho các chủ tàu từ 90% theo Nghị định số 67 xuống còn 50% theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP đã gây ra khó khăn cho các chủ tàu do tăng khoản tiền lớn nộp phí bảo hiểm ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước...

Xuất hiện nợ xấu trong cho vay đóng “tàu 67”

Xuất phát từ những khó khăn đó khiến cho nhiều chủ tàu đành phải cho tàu “nằm bờ”, từ đó gây khó khăn cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh, thực hiện Nghị định số 67, các ngân hàng đã thực hiện cho vay 8 chủ tàu với số tiền cam kết cho vay 111,5 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân đạt 111,4 tỷ đồng. Với 8 tàu cá được hạ thủy từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, sau 5 năm triển khai thực hiện, đến hết tháng 7/2019, chỉ có 2 chủ tàu thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ ngân hàng; 1 trường hợp chủ tàu đã bàn giao tàu cho ngân hàng và ngân hàng đang thực hiện các thủ tục phát mại tài sản; 5 trường hợp còn lại khách hàng không trả được nợ, khoản nợ thuộc nợ xấu nhóm 5 và khoản vay đã bị dừng cấp bù lãi suất. Khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành Ngân hàng trong xử lý nợ xấu cho vay theo Nghị định số 67, đó là không có cơ sở để thẩm định việc chủ tàu lỗ hay lãi, việc trả nợ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ý thức trả nợ của chủ tàu. Theo quy định, để được ngân hàng cho vay vốn, chủ tàu phải cam kết công khai các hợp đồng đầu tư cho ngân hàng giám sát để quản lý dòng tiền, bảo đảm khả năng thu hồi nợ. Song thực tế, rất nhiều ngư dân sau khi khai thác đã bán hết hải sản ở ngoài khơi hoặc bán ở tỉnh khác, khiến cho ngân hàng không thể giám sát được dòng vốn. 

Ông Phạm Bá Tuyển, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình cho biết: Thực hiện Nghị định số 67, Chi nhánh thực hiện cho vay 1 chủ tàu có đủ điều kiện với số tiền đã giải ngân 14,2 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đến hết tháng 7/2019 đạt 13,782 tỷ đồng. Mặc dù đã rất nhiều lần gặp gỡ, đối thoại nhưng chủ tàu luôn khẳng định việc khai thác không có hiệu quả, chi phí hoạt động của tàu lớn dẫn đến thường xuyên bị thua lỗ nên không có khả năng tài chính để có thể trả được nợ ngân hàng. Chính vì thế, đến nay Chi nhánh lâm vào bế tắc trong cho vay theo Nghị định số 67, khoản vay đã chuyển sang nợ nhóm 5. Còn đối với Agribank Chi nhánh huyện Tiền Hải, đến hết tháng 7/2019, 2/3 tàu được đóng mới từ vốn vay của Chi nhánh đã chuyển sang nợ nhóm 5 với tổng dư nợ lên tới hơn 30 tỷ đồng. Đối với các chủ tàu thực sự không còn khả năng trả nợ, Chi nhánh đã lên kế hoạch thực hiện thu giữ, phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ vay theo quy định.

(còn nữa)

Phan Lợi - Minh Hương

  • Từ khóa