Thứ 7, 18/05/2024, 03:59[GMT+7]

Chương trình OCOP: Mở lối ra biển lớn (Kỳ 3)

Thứ 4, 16/10/2019 | 09:08:19
4,193 lượt xem
Là tỉnh triển khai chương trình OCOP muộn hơn so với nhiều địa phương khác nhưng Thái Bình không thực hiện ồ ạt, làm theo phong trào mà thực chất, hiệu quả - đó là chủ trương, đích hướng tới khi Thái Bình bước vào “sân chơi” OCOP.

Sản xuất rau hàng hóa tại xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình).

Kỳ 3: Không chạy theo phong trào

Khởi động chậm

Năm 2013, tỉnh Quảng Ninh triển khai đề án “Tỉnh Quảng Ninh - mỗi xã, phường một sản phẩm” và là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chương trình một cách bài bản, có hệ thống, từ việc bố trí bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ban hành các cơ chế, chính sách, huy động nội lực, đến hướng dẫn quy trình triển khai, xúc tiến thương mại... Từ thực tế thực hiện chương trình trên tại tỉnh Quảng Ninh, ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020”. Theo đó, chương trình OCOP được tiến hành đồng bộ trên cả nước nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án và có những sản phẩm OCOP gắn 4, 5 sao cấp tỉnh, cấp quốc gia. 

Theo ông Lê Anh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp số Việt Nam, chuyên gia chương trình OCOP, đồng thời là người tham gia viết đề án OCOP tại Thái Bình cho biết: Thái Bình là tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nổi tiếng nếu có một chiến lược tốt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của các nhà đầu tư, sự đồng thuận cao trong nhân dân, chương trình OCOP sẽ triển khai thành công và mở ra một trang mới, tiếp sức cho ngành Nông nghiệp của tỉnh vốn đã và đang phát triển trước đó. Hơn nữa là tỉnh triển khai sau nên Thái Bình sẽ đúc rút được những kinh nghiệm từ các tỉnh, thành phố đã thực hiện trước đó.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thái Bình tích cực phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương khảo sát bước đầu và chọn lựa các sản phẩm chủ lực về nông nghiệp, tiêu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch hiện có của các địa phương để hoàn thiện phát triển sản phẩm. Đây cũng là mục tiêu cụ thể của đề án OCOP Thái Bình giai đoạn 2018 - 2020. 

Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc triển khai xây dựng đề án OCOP là cần thiết và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn, nơi mà nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính. Theo đó, các sản phẩm tham gia chương trình sẽ tập trung vào các nhóm, ngành hàng thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn. Các sản phẩm được chọn lọc là đặc sản vùng miền hoặc làng, xã, sử dụng nguyên liệu, công nghệ địa phương hoặc do người dân địa phương thực hiện. Đây cũng chính là yếu tố cơ bản của OCOP, khi nhà nước sẽ tham gia hỗ trợ các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể tổ chức sản xuất, kinh doanh chuỗi sản phẩm bằng nội lực cộng đồng. Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ hỗ trợ các hộ sản xuất, các doanh nghiệp, HTX nắm được thông tin thị trường, sản xuất theo đúng nhu cầu thị trường chứ không thuần túy là “mình có cái gì thì mình làm cái đó”. Trong năm 2019, các huyện, thành phố tập trung lựa chọn, xây dựng từ 2 - 3 sản phẩm chủ lực, có lợi thế để tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh và quốc gia.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Thực tế cho thấy, chương trình OCOP là một mô hình mới, với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không thể nóng vội mà phải bền bỉ và thực hiện theo chu trình trong quá trình triển khai để thúc đẩy sự sáng tạo của người dân. Vì vậy, ngay từ ban đầu, tỉnh Thái Bình đã chủ động bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối trung ương và các bộ, ngành có liên quan... 

Ông Hoàng Đức Kiếm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Đông Hưng có gần 20 sản phẩm và tổ chức ở nhiều nhóm ngành nghề. Đây là những lợi thế để huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng NTM và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Để việc triển khai đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm tổ chức tập huấn, hướng dẫn để người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, HTX nắm bắt được tinh thần của chương trình này. Bởi nhận thức về chương trình từ cấp huyện, xã đến chủ thể sản xuất còn hạn chế. Huyện Đông Hưng có 2 sản phẩm chủ lực bánh cáy và cây phát lộc tham gia chương trình OCOP năm 2019, đây đều là những sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, đã có thương hiệu, được nhiều người biết đến, nhưng việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn gặp không ít khó khăn, trở ngại khi nhắm tới mục tiêu phát triển bền vững và mang lại thu nhập ổn định cho người dân tham gia sản xuất.

Tỏi Thụy Trường (Thái Thụy).

Nấm của Công ty TNHH Giống cây trồng Tiền Hải là một trong hai sản phẩm được huyện Tiền Hải lựa chọn tham gia chương trình OCOP năm 2019. Với sản lượng gần 50 tấn/năm, các loại nấm (nấm mỡ, nấm sò, nấm linh chi, mộc nhĩ) của Công ty tuy được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng hiện vẫn bán cho thương lái, được đóng gói thô sơ. 

Chị Phạm Thị Thanh Thủy, cán bộ phụ trách kỹ thuật của Công ty cho biết: Các sản phẩm nấm của chúng tôi đều được thương lái đến mua và theo yêu cầu của họ, nấm được đóng gói thô sơ, không có bao bì, nhãn mác tránh tình trạng khách lẻ liên hệ trực tiếp tới cơ sở sản xuất. Với định hướng phát triển các sản phẩm từ nấm (thực phẩm chay) trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn mở rộng thị trường, liên kết cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Tham gia OCOP, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm từ đóng gói, sơ chế, thiết kế bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu... 

Ông Đỗ Thành Trung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: OCOP là chương trình còn khá mới mẻ ngay cả với cán bộ cấp huyện, xã vì chưa được tiếp cận nhiều thông tin liên quan đến chương trình, do đó tỉnh cần sớm phê duyệt đề án OCOP cấp tỉnh làm cơ sở để các địa phương triển khai; các sở, ngành cần hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng hệ thống cán bộ quản lý cấp huyện, xã; mở lớp tập huấn, thông tin rộng rãi cho cán bộ, công chức và các chủ thể sản xuất; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm ngoài tỉnh về thực hiện chương trình OCOP.

Ông Đặng Ngọc Oánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương

Chương trình OCOP có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do đó quá trình triển khai không thể thực hiện nóng vội, lấy số lượng mà quên chất lượng. Để thực hiện có hiệu, huyện Kiến Xương sẽ thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện; tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP định kỳ hàng năm.

Ông Vũ Duy Trà, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quỳnh Phụ

Để việc thực hiện chương trình OCOP mang lại hiệu quả cao và có tính bền vững, tỉnh cần chú trọng công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ nhằm bảo đảm đầu ra sản phẩm cho người dân và các chủ thể sản xuất tham gia chương trình.

Ông Nguyễn Đăng Mười, xã Đông Hải (Quỳnh Phụ)

Cơ sở sản xuất của chúng tôi mỗi ngày sản xuất khoảng 1,5 tấn bánh đa, cung cấp tại hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sản phẩm đã có nhãn mác, đăng ký tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Để trở thành sản phẩm OCOP, chúng tôi rất mong các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn trực tiếp cách làm thủ tục, biểu mẫu, hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP.


Nhóm phóng viên