Thứ 5, 16/01/2025, 04:00[GMT+7]

Liên kết sản xuất - hướng đi hiệu quả (Kỳ 1)

Thứ 2, 02/12/2019 | 08:25:13
2,084 lượt xem
Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, khâu liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chưa bao giờ là bài toán dễ giải.

Mô hình liên kết sản xuất cà rốt ở xã Điệp Nông (Hưng Hà).

Kỳ 1: Đa dạng hướng liên kết

Với sản lượng cáy hàng trăm tấn/năm, người dân xã Hồng Tiến (Kiến Xương) tuy có nghề truyền thống làm mắm cáy song sản phẩm mắm cáy chưa tạo được sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Trước đây, do chưa có tem, nhãn hiệu, sức quảng bá còn hạn chế nên sản phẩm mắm cáy Hồng Tiến chưa phát triển và tương xứng với tiềm năng giá trị. 

Trước tình hình đó, ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX SXKD dịch vụ thủy sản Hồng Tiến đã đứng ra thành lập HTX với 120 hội viên. Hiện nay, HTX liên kết, liên doanh với 30 hộ dân trong xã để sản xuất và tiêu thụ mắm cáy. Ông Kiểm cho biết: HTX có vai trò kiểm tra, giám sát chất lượng, dán nhãn mác và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để sản phẩm mắm cáy Hồng Tiến phát triển bền vững, bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm địa phương, HTX đã phối hợp với các đơn vị xây dựng nhãn hiệu tập thể cho mắm cáy Hồng Tiến. Cũng theo ông Kiểm, mỗi năm HTX SXKD dịch vụ thủy sản Hồng Tiến sản xuất và bán ra thị trường khoảng 10.000 lít mắm cáy trong đó thị trường trong tỉnh chiếm 30%.

Nông dân xã Hồng An (Hưng Hà) tích tụ ruộng đất liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm.

Cũng như mắm cáy Hồng Tiến, sản phẩm rượu đinh lăng của Công ty TNHH Phù Sa, thôn Nam Hòa, xã Hồng Tiến (Kiến Xương) đã bước đầu đem lại thành công nhờ có sự liên kết trong sản xuất. Ông Đỗ Văn Vang, Giám đốc Công ty chia sẻ: Hiện nay Công ty đã liên kết với 35 trang trại, gia trại tại địa phương để trồng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Mỗi năm Công ty tiêu thụ sản phẩm với sản lượng bình quân 500 tấn. Qua đó góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Nhờ đầu tư công nghệ tiên tiến và thực hiện sản xuất theo đúng quy trình nghiêm ngặt nên sản phẩm rượu đinh lăng đã được chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm. Với quy mô sản xuất như hiện nay, mỗi năm Công ty cung ứng ra thị trường 30.000 - 40.000 lít rượu. Mới đây, Công ty đã có đơn đặt hàng từ doanh nghiệp ở nước ngoài, hứa hẹn đó sẽ là tín hiệu vui để Công ty mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu.

HTX Hồng Minh (Hưng Hà) có trên 2.700 thành viên, tổng vốn điều lệ khoảng 4,4 tỷ đồng. Thời gian qua, HTX đã tích cực chỉ đạo, điều hành sản xuất, tổ chức thực hiện các khâu dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho xã viên phát triển sản xuất, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 

Tuy nhiên, chưa hài lòng với kết quả hoạt động của HTX, đầu năm 2019, ông Bùi Văn Vũ, Giám đốc HTX đã tiên phong đứng ra thành lập HTX SXKD an toàn Vũ Anh tại khu bãi Cửa Sông, thôn Tịnh Xuyên, xã Hồng Minh. 

Ông Vũ cho biết: HTX được thành lập nhằm mục tiêu hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và tạo việc làm cho các thành viên. Để thuyết phục người dân tham gia liên kết với HTX, cán bộ HTX phải là những người tiên phong trong sản xuất. Bản thân tôi cũng là một trong những người đầu tiên chuyển đổi từ trồng rau màu sang phát triển trang trại tổng hợp vào năm 2010. Đến nay, trang trại tạo việc làm cho 4 - 5 lao động, thu nhập trung bình 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu của trang trại đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm. 

Cũng theo ông Vũ, HTX hiện có 21 thành viên, vốn điều lệ 4,86 tỷ đồng. Với 21,6ha đất trồng trọt, 1 năm HTX sản xuất lúa xuất khẩu 2 vụ và cây màu 3 vụ. Bên cạnh đó, HTX còn tổ chức nuôi gà ta thả vườn, nuôi cá, nuôi bò sinh sản, cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời, làm dịch vụ máy làm đất, dịch vụ sơ chế bảo quản sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ tín dụng nội bộ với số vốn xoay vòng nội bộ hỗ trợ các thành viên khoảng 500 triệu đồng. Đặc biệt, HTX đã bắt đầu liên kết, ký hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên. 

Anh Phạm Công Huân, một thành viên của HTX cho biết: Dù mới đi vào hoạt động được mấy tháng song chúng tôi rất hài lòng với phương châm sản xuất sạch, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi của HTX... HTX đã góp phần bảo đảm đầu ra cho sản phẩm ổn định  và có tiềm năng mở rộng thị trường tiến tới xuất khẩu sản phẩm.

Có thể nói, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã góp phần đổi mới hoạt động của các doanh nghiệp, các HTX, nhất là việc tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân; ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời chú trọng quy trình sản xuất sạch, an toàn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người lao động, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

(còn nữa)

Mai Thư

  • Từ khóa