Thứ 2, 22/07/2024, 21:34[GMT+7]

Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo hướng hiệu quả, bền vững (Kỳ 4)

Thứ 2, 09/12/2019 | 09:28:35
6,100 lượt xem
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp đặt ra mục tiêu trong thời gian tới là phát triển đàn trâu, bò thương phẩm có năng suất, chất lượng cao theo chuỗi liên kết, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Qua đó góp phần đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính nhằm chuyển đổi sinh kế, bảo đảm đời sống của người chăn nuôi và thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, hiệu quả, bền vững.

Bò được nuôi với quy mô lớn tại Công ty TNHH MTV Việt Hùng (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà).

Kỳ 4: Đồng lòng tạo bứt phá (Tiếp theo và hết)

Theo số liệu thống kê của ngành chuyên môn, tính đến ngày 23/9/2019, tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh ước đạt 56.500 con, tăng 10,56% so với cùng kỳ năm 2018. Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đến hết năm 2020 tỷ trọng chăn nuôi chiếm khoảng 45% giá trị sản xuất nông nghiệp, trong đó tỷ trọng chăn nuôi trâu, bò chiếm 5% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Muốn đạt mục tiêu trên, hết năm 2020, tổng đàn trâu, bò trong tỉnh phải đạt 70.000 con trở lên; đàn trâu, bò cái nền đạt 30.000 con trở lên, trong đó, đàn trâu, bò cái nền đạt chuẩn có từ 20.000 con trở lên. Phải thẳng thắn nhìn nhận, đây là việc khó bởi ngoài việc hiện nay tình hình biến đổi khí hậu gây thời tiết bất lợi, cực đoan cho chăn nuôi, với đặc điểm mật độ dân số của tỉnh cao (1.130 người/km2) sẽ rất khó khăn trong quy hoạch các vùng, khu chăn nuôi trâu, bò có khoảng cách đáp ứng các quy định về môi trường. Thêm vào đó, Thái Bình lại có ít đồng cỏ, bãi chăn thả tự nhiên với diện tích lớn; chưa có cơ sở sản xuất con giống tốt, đủ số lượng cung cấp cho nhu cầu chăn nuôi trâu, bò trong tỉnh; chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao (trên 80% tổng đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh), ảnh hưởng lớn tới việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào chăn nuôi và khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm; chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm từ trâu, bò chưa cao...

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, để khai thác, phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, đưa chăn nuôi trâu, bò trở thành ngành sản xuất chính, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, ngày 14/6/2019 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU và ngày 15/8/2019 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2256/QĐ-UBND về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo. Theo đề án được phê duyệt, dự kiến tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2025 là trên 6.500 tỷ đồng, gồm: kinh phí của doanh nghiệp  trên 3.000 tỷ đồng, kinh phí của người dân trên 3.000 tỷ đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ và quản lý thực hiện đề án trên 500 tỷ đồng.

Xác định tầm quan trọng của quỹ đất phục vụ cho chăn nuôi trâu, bò, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các vùng chăn nuôi trâu, bò tập trung; vùng trồng cây thức ăn cho trâu, bò và các khu giết mổ gia súc tập trung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện, quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan. Trong đó, ưu tiên quy hoạch trang trại tập trung, trang trại vệ tinh và khu giết mổ gắn liền với vùng trồng nguyên liệu để tận dụng các chất thải chăn nuôi, giết mổ xử lý làm phân hữu cơ. Phấn đấu đến năm 2020 tối thiểu đạt 426ha, trong đó: diện tích chuồng nuôi và công trình phụ trợ là 63ha (chiếm gần 15% tổng diện tích tổng thể); diện tích dành cho trồng cây nguyên liệu làm thức ăn và bãi thả cho trâu, bò 363ha. Đến năm 2025 tối thiểu đạt 3.727ha, trong đó: diện tích chuồng nuôi và công trình phụ trợ 560ha; diện tích dành cho trồng cây nguyên liệu làm thức ăn và bãi thả cho trâu, bò 3.167ha. Ưu tiên huy động đất bãi tại các xã vùng duyên giang và các vùng, khu quy hoạch đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Chăn nuôi (số 32/2018/QH14 ngày 19/11/2018) và các quy định có liên quan để phát triển chăn nuôi trâu, bò. Bố trí vùng chăn nuôi có diện tích từ 20ha trở lên để các doanh nghiệp “hạt nhân” đầu tư các trang trại “lõi”; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại tham gia chuỗi liên kết chăn nuôi có quy mô 100 con trâu, bò sinh sản trở lên hoặc 200 con trâu, bò thịt trở lên hoặc cả trâu, bò thịt và trâu, bò sinh sản từ 200 con trở lên. Quy hoạch khu chăn nuôi có diện tích từ 2ha đến dưới 20ha để các đối tượng chăn nuôi vệ tinh đầu tư chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ với quy mô từ 5 - 99 con trâu, bò sinh sản hoặc 10 - 199 con trâu, bò thịt hoặc cả trâu, bò thịt và trâu, bò sinh sản. Thực hiện giảm số hộ chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư theo từng năm, phấn đấu đến năm 2025 còn khoảng 10.000 hộ (hiện có 14.744 hộ). Khuyến khích các hộ chăn nuôi thực hiện đầu tư chăn nuôi trâu, bò cái nền đạt chuẩn; thực hiện cải tạo chất lượng đàn trâu, bò nuôi tại hộ hoặc đầu tư vốn để tăng quy mô nuôi, di chuyển ra nuôi tại khu quy hoạch. Quy mô chăn nuôi ở loại hình này duy trì dưới 5 con trâu, bò sinh sản/hộ hoặc dưới 10 con trâu, bò hỗn hợp/hộ.

Chăn nuôi bò tại hộ ông Tô Đình Lanh, thôn Lạc Thành Nam, xã Tây Ninh (Tiền Hải).

Tỉnh cũng dự liệu, đặt ra và có các giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi trâu, bò ở tất cả các khâu: giống vật nuôi; số lượng và chất lượng thức ăn cho trâu, bò; quy trình chăn nuôi và công tác thú y; ứng dụng chuyển giao kỹ thuật nuôi dưỡng, thụ tinh nhân tạo... Đặc biệt, với phương châm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, tỉnh yêu cầu trong quá trình tổ chức thực hiện phải bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Theo đó, các cơ quan chuyên môn phải hướng dẫn áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xử lý môi trường chăn nuôi trâu, bò; hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho các trang trại, nông hộ tham gia chuỗi liên kết để xử lý môi trường theo đúng quy định, quy trình; bắt buộc sử dụng đệm lót sinh học trong các chuồng trại chăn nuôi trâu, bò; định kỳ thu gom để sản xuất phân hữu cơ. Các doanh nghiệp, trang trại tham gia chuỗi liên kết với hộ chăn nuôi có trách nhiệm cung cấp đệm lót sinh học cho các hộ chăn nuôi vệ tinh; các hộ chăn nuôi có trách nhiệm xử lý môi trường theo hướng dẫn của cơ quan chức năng và các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ. Giao cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các trang trại và hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung trong việc thực hiện các giải pháp xử lý môi trường theo quy chuẩn, quy định hiện hành; chỉ đạo và hướng dẫn người chăn nuôi phải sử dụng đệm lót sinh học để bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường. Khi phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường phải kiên quyết đình chỉ việc chăn nuôi và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định hiện hành.

Thực hiện thắng lợi mục tiêu của đề án “Phát triển đàn trâu bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo” là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Trước hết, cần tập trung chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhận thức đầy đủ các chủ trương, cơ chế, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết hiệu quả, bền vững và chuyển đổi sinh kế cho người chăn nuôi. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về các mô hình liên kết hiệu quả trong chăn nuôi trâu, bò thương phẩm, về các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi trâu, bò; kỹ thuật về xử lý môi trường..., từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của nhân dân trong tổ chức thực hiện.

Phan Anh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày