Thứ 5, 16/01/2025, 02:47[GMT+7]

Xuống đồng đầu năm

Thứ 4, 29/01/2020 | 21:16:45
4,255 lượt xem
Tháng Giêng là tháng khởi đầu của một năm mới, cũng là tháng bắt đầu cho mọi công việc, bởi thế mà người nông dân luôn coi ngày ra đồng đầu tiên sau năm mới như một sự kiện trọng đại. Dù không khí Tết vẫn tràn ngập nhưng nhiều nông dân đã tranh thủ xuống đồng, mang theo mong ước một năm mới gặt hái nhiều thành công, mùa màng bội thu.

Nông dân huyện Đông Hưng xuống đồng làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa xuân

Tính cần cù, chịu thương chịu khó của nông dân Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) không chỉ thể hiện ở hệ số sử dụng đất, giá trị sản xuất trên mỗi héc ta canh tác mà còn minh chứng trên cánh đồng ngay sáng mùng 1 Tết. 

Nhanh tay thu hoạch rau mùi, anh Bùi Văn Nhu, thôn An Phú cho biết: Người dân Quỳnh Hải nghỉ Tết, chơi Tết đều tranh thủ bởi ngay từ sáng sớm mùng 1, các cánh đồng đã nhộn nhịp, người khơi rãnh thoát nước tránh ngập úng cho rau màu sau mưa lớn, người thu hoạch su hào, rau gia vị để phục vụ Tết. Khác với năm trước, năm nay, nông dân ra đồng với tâm thế hân hoan, phấn khởi vì có một vụ rau được giá bởi trận mưa hại ngày đầu năm đã làm giảm đáng kể sản lượng rau, đặc biệt là rau ăn lá, khiến cho giá rau tăng từng ngày. Giá rau tăng cao, nhiều loại rau gia vị tăng gấp nhiều lần cùng kì năm trước, thương lái xuống tận ruộng hỏi mua. Một khởi đầu thuận lợi, tôi hi vọng năm nay sẽ là năm sản xuất thắng lợi của người nông dân.

Người dân xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) ra đồng trong tâm thế hân hoan vì rau được giá. 

Mặc dù mới mùng 3 Tết nhưng bà Lê Thị Thắm, xã Đông Hợp (Đông Hưng) đã ra đồng thăm ruộng. Mấy ngày qua, ruộng nhà bà đã có nước nên sẽ thuận lợi cho việc làm đất, cách đó không xa là ruộng mạ bà đã gieo để cấy trong những ngày tới. Bà Thắm cho biết: Vụ này, tôi cấy cả 5 sào ruộng bằng giống TBR 225, đây là giống vừa cho năng suất, chất lượng gạo ngon mà lại ít sâu bệnh. Năm nay lập xuân muộn lại nhuận 2 tháng 4 nên công việc đồng áng muộn hơn mọi năm vậy nên chúng tôi ăn Tết cũng thong thả hơn. Thời điểm này các địa phương mới xong đổ ải đợt 1, tôi phải nắm chắc thời vụ để gieo cấy cho kịp tiến độ.

Để bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy lúa xuân, hai công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc, Nam Thái Bình đã phân công cán bộ, công nhân trực 24/24, không nghỉ Tết, không để việc lấy nước đổ ải bị gián đoạn. 

Anh Trần Quốc Vương, phụ trách trạm bơm Thái Hòa (Thái Thụy) cho biết: Lịch lấy nước trùng với thời gian nghỉ Tết tuy nhiên chúng tôi luôn túc trực 24/24, vận hành trạm bơm theo đúng chỉ đạo của Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện. Tuy không được ăn Tết trọn vẹn bên người thân, gia đình nhưng ai nấy đều cảm thấy hào hứng, phấn khởi bởi đầu năm làm việc khí thế, sôi nổi thì cả năm sẽ thuận lợi. Đến nay, gần 300ha của 3 xã: Thái Hòa, Thái An, Thái Xuyên do trạm bơm phụ trách đã có nước để làm dầm, sẵn sàng cho gieo cấy.

Nhờ những nỗ lực của công nhân các đơn vị khai thác công trình thủy lợi trong những ngày Tết mà sau đợt lấy nước đầu tiên, toàn tỉnh đã đổ ải được trên 73.600ha, đạt 94,8% kế hoạch (tính đến ngày 28/1), phấn đấu hoàn thành kế hoạch đổ ải và trữ nước tưới dưỡng lúa trong tháng 1.

Sáng mùng 4 Tết, tiếng máy cày rền vang trên cánh đồng xã Đông Động (Đông Hưng). Dù thời tiết đôi lúc có mưa phùn nhưng chọn được ngày tốt để “khai đất”, vừa để cho kịp thời vụ nên ông Nguyễn Xuân Quang, chủ máy làm đất vẫn ra đồng. 

“Vụ xuân là vụ sản xuất quan trọng vì vậy phải chú trọng ngay từ khâu làm đất, bừa ngả càng kỹ thì lúa mới tốt, ít sâu bệnh. Vì thế, vui xuân mới nhưng việc đồng áng không thể bỏ bê được. Đối với người nông dân, việc xuống đồng ngày đầu năm mới cũng quan trọng như ngày xuất hành, chọn ngày giờ đẹp, tiết trời thuận lợi và lòng người phấn khởi để có một mùa vụ hanh thông.” - Ông Quang chia sẻ.

Những lời thăm hỏi, chúc tụng nhau về một năm mới ấm no, hạnh phúc, đủ đầy vang lên trên các cánh đồng. Một mùa xuân mới lại tới, vòng quay một năm lao động của bà con nông dân Thái Bình cũng bắt đầu với nhiều niềm vui tươi mới, kỳ vọng tốt đẹp…

Ngân Huyền