Thứ 2, 22/07/2024, 23:36[GMT+7]

AI ƠI...CHỚ BỎ RUỘNG HOANG Kỳ I: Khi “tấc đất” không còn là “tấc vàng”

Thứ 4, 16/10/2019 | 17:22:07
3,114 lượt xem
Đã có thời cả thế hệ người Việt Nam đổ biết bao máu xương đấu tranh với thực dân, phong kiến để thực hiện giấc mơ “Ruộng đất về tay dân cày”. Thế nhưng, trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nông dân Thái Bình và nhiều tỉnh, thành trong cả nước lại bỏ ruộng. Nông dân chán ruộng - ly nông đang là vấn đề đáng lo ngại, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ ngay từ trong chính sách nông nghiệp.

Vụ mùa năm 2019, thôn Tư Cương, xã An Cầu (Quỳnh Phụ) có 449/450 hộ bỏ ruộng hoang.

Năm 1966, Thái Bình đạt năng suất lúa kỷ lục 5 tấn/ha, vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Cũng từ đó, quê hương 5 tấn trở thành biểu tượng, niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân Thái Bình. Thế nhưng những năm gần đây trên chính miền quê ấy, nhiều diện tích“bờ xôi ruộng mật” lại bị bỏ hoang khiến ai nhìn thấy cũng phải xót xa.

Thôn chỉ có 1 hộ cấy lúa

Video: clip_an_cau_chuan_chi.mp4

Nông dân bỏ ruộng có ở tất cả các thôn của xã An Cầu. Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng thôn Lương Cầu, xã An Cầu, huyện Quỳnh Phụ cho biết:

Video: video_2.mp4

Tại xã An Ấp (Quỳnh Phụ), tình trạng nông dân bỏ ruộng diễn ra từ năm 2010 với khoảng 1,5ha là những diện tích thuộc khu vực xung quanh các nghĩa địa, chuột phá hoại nhiều, khó canh tác. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây thì diện tích bỏ hoang đã tăng lên. Ông Nguyễn Văn Đề, Chủ tịch UBND xã An Ấp không giấu được sự buồn bã: “Toàn xã hiện có khoảng 70ha đất ruộng bỏ hoang. Xã có 5 thôn thì cả 5 thôn nông dân đều bỏ ruộng, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn Xuân Lai với gần 35% nông dân không cấy. Thời gian qua, mặc cho chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động, tuyên truyền tạo mọi điều kiện thuận lợi trong sản xuất, đầu tư hoàn thiện, kiên cố hóa toàn bộ hệ thống giao thông và kênh mương nội đồng để “níu kéo” người nông dân về lại với ruộng đồng nhưng đất màu mỡ vẫn đang trong cảnh hoang hoá và ngày càng tăng lên”.

Ruộng bỏ hoang ở xã An Ấp (Quỳnh Phụ)

Rời An Ấp, chúng tôi về xã Vũ Phúc, vốn là “thủ phủ” rau màu và là vùng “đất vàng” của thành phố Thái Bình những năm trước đây và thực sự thấy xót xa hơn với tình trạng nông dân bỏ ruộng nơi đây. Toàn xã có 320ha đất nông nghiệp, trong đó 56ha chuyên canh rau màu, bà con quay vòng 8 - 9 vụ/năm, cho giá trị thu nhập gấp 5 - 7 lần cấy 2 vụ lúa. Nhiều nông dân có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm từ việc trồng rau màu. Tuy nhiên, một hai năm trở lại đây nông dân bắt đầu bỏ ruộng, kể cả vùng chuyên canh rau màu. Toàn xã hiện có gần 100ha ruộng bỏ hoang, trong đó 70ha bỏ cả 2 vụ, 30ha nông dân cấy vụ xuân, bỏ vụ mùa. Giám đốc HTX DVNN xã Vũ Phúc Hoàng Thế Quỳnh cho biết: “Vùng chuyên canh rau màu được ví là vùng “đất vàng” với mỗi ha cho thu nhập trung bình khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, 2 - 3 năm trở lại đây người nông dân không còn “mặn mà” với việc trồng rau nữa do thiếu nhân công, thị trường tiêu thụ không ổn định, được mùa mất giá, được giá thì lại mất mùa nên vùng chuyên màu bà con cũng bỏ hoang trên 10ha".

Hệ thống giao thông nội đồng xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) được đầu tư đồng bộ nhưng ruộng hai bên vẫn bị bỏ hoang

Xót xa những lá đơn trả ruộng

Những lá đơn trả ruộng của người dân xã Hòa Bình (Kiến Xương)

Sau nhiều ngày trăn trở, ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Bắc Sơn, xã Hoà Bình (Kiến Xương) quyết định viết đơn gửi UBND xã trả lại 3 sào ruộng của các cụ đã mất để lại cho chính quyền địa phương. Việc tiếp nhận số ruộng của gia đình ông Hùng trả đã được UBND xã Hoà Bình giải quyết. Nhìn những thửa ruộng từng là “bờ xôi ruộng mật” gắn bó với gia đình bao đời nay, ông Hùng tiếc lắm nhưng do không có người làm, bỏ hoang thì thấy lãng phí nên tự nguyện viết đơn trả lại ruộng. Hiện gia đình ông đang cấy 3 sào để lấy thóc ăn, còn 4 sào của các con cho người khác mượn. “Thập niên đầu của thời kỳ đổi mới, một mẫu ruộng đã góp phần giải quyết lương thực cho gia đình tôi. Vợ chồng cày sâu cuốc bẫm, thâm canh mẫu ruộng mới có đủ gạo nuôi con ăn học cho đến khi các cháu trưởng thành. Nhưng giờ tuổi già, sức yếu, các con trưởng thành đều không gắn bó với nghề nông âu cũng là điều đáng mừng. Tôi mong Nhà nước sớm có chính sách tích tụ đất đai khuyến khích những người có điều kiện đầu tư canh tác để khỏi lãng phí tài nguyên quốc gia”, ông Hùng chia sẻ.

Những lá đơn trả ruộng của người dân xã Hòa Bình (Kiến Xương) ngày càng dầy lên.

Xã Hoà Bình có 8 thôn với 270ha đất nông nghiệp. Toàn xã có 80 hộ viết đơn trả ruộng cơ bản được chia. Theo ông Mai Văn Vịnh, Giám đốc HTX DVNN xã, nếu vụ mùa năm 2016 toàn xã chỉ có vài ha đất lúa bỏ hoang, với một số hộ viết đơn trả lại ruộng thì vụ mùa năm nay diện tích đất bỏ hoang tăng lên với gần 20ha, 100% số thôn đều có ruộng bỏ hoang.

Ruộng bỏ hoang tại xã Hòa Bình (Kiến Xương)

Cỏ mọc cao quá đầu người ở cánh đồng xã Hoà Bình (Kiến Xương)

“Mấy năm trước chỉ vài ha đất bỏ hoang đã xót, đã đau đáu rồi, tuyên truyền vận động mãi chẳng ai nghe. Nhìn “bờ xôi ruộng mật” để cỏ mọc um tùm, là nơi để chuột trú ngụ những người làm nông nghiệp, người quản lý như chúng tôi đau xót lắm chứ. Luật đất đai có rồi, chia cho dân hết rồi, họ cấy hay không cấy thì mình cũng chẳng biết làm sao. Mà có thu hồi không có lực lượng sản xuất thì xã chắc cũng chỉ để hoang. Trước tình trạng này, huyện chỉ đạo và xã cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân không bỏ hoang ruộng. Đồng thời khuyến khích các tổ chức đoàn thể nhận lại ruộng hoang cấy lúa làm quỹ nhưng cũng chẳng tổ chức đoàn thể nào dám nhận. Bây giờ cấy lúa được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, thậm chí còn được Nhà nước hỗ trợ thêm về giống, khoa học kỹ thuật… vậy nhưng tất cả những chính sách đó cũng không kéo người dân trở lại với ruộng được” - ông Mai Văn Vịnh, Giám đốc HTX DVNN xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương.


Video: video_4.mp4

Toàn thôn có 224 hộ, diện tích nông nghiệp trên 25ha, trong đó 1/3 diện tích bỏ hoang, chủ yếu nông dân bỏ ruộng vào vụ mùa. Đơn trả lại ruộng bắt đầu từ năm 2016 với hơn 10 hộ viết đơn trả ruộng. Từ đó đến nay, năm nào cũng có người dân viết đơn xin trả ruộng. 

Video: video_5.mp4

Phóng viên Báo Thái Bình trao đổi với Nguyễn Xuân Hợp, Trưởng thôn Bắc Sơn, xã Hòa Bình (Kiến Xương) về tình trạng nông dân bỏ ruộng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Bí thư Chi bộ thôn Hưng Tiến, xã Hồng Châu, huyện Đông Hưng


Thôn Hưng Tiến chỉ có trên 28ha đất nông nghiệp, nhưng thời gian gần đây cũng đã có hộ bỏ ruộng không cấy. Theo tôi người dân không biết tha với ruộng nữa là do: Thiếu lao động sản xuất nông nghiệp vì lao động trong độ tuổi đi làm trong công ty, xí nghiệp một tháng lương còn hơn cấy một vụ lúa. Giá vật tư đầu vào cao trong khi giá bán nông sản thấp, bấp bênh. Tình trạng ruộng đất hiện nay còn manh mún, sản xuất đơn lẻ làm tăng chi phí do khó có thể đưa cơ giới hóa vào sản xuất để giảm nhân công. Thời tiết thất thường, sâu bệnh nhiều ảnh hưởng đến năng suất lúa, dẫn đến thu nhập từ sản xuất nông nghiệp quá thấp.

Ông Nguyễn Văn Thặng, thôn Tư Cương, xã An Cầu, huyện Quỳnh Phụ 


Ở thôn tôi bà con chỉ cấy một vụ xuân là đủ thóc ăn cả năm nên vụ mùa mấy năm nay đều để ruộng hoang. Tiếc ruộng nên tôi mượn 5 mẫu cấy lúa tuy nhiên việc canh tác cũng gặp nhiều khó khăn trong điều tiết nước, mỗi vụ diệt chuột gần chục lần. Tôi mong muốn Nhà nước sớm ban hành cơ chế tích tụ ruộng đất đai một cách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ có thuê đất sản xuất trên quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tránh gây lãng phí nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia.


(Còn nữa)

Nhóm phóng viên




Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày