Thứ 5, 16/01/2025, 05:04[GMT+7]

AI ƠI...CHỚ BỎ RUỘNG HOANG Kỳ II: Đất không nuôi nổi người

Thứ 5, 17/10/2019 | 17:43:44
3,490 lượt xem
Nông dân chán ruộng - ly nông không phải là hiện tượng lẻ tẻ nữa mà xuất hiện ở tất cả các địa phương của Thái Bình. Gặp gỡ những người nông dân bỏ ruộng, chúng tôi hỏi tại sao thì đều nhận được câu trả lời chung “bám ruộng thì… đói”.

Đường giao thông nội đồng được cứng hoá, thuận lợi cho đưa cơ giới hoá vào sản xuất nhưng nông dân xã Hiệp Hoà (Vũ Thư) vẫn để ruộng hoang.

Chán ruộng

Vũ Thư là một trong những địa phương có diện tích bỏ ruộng lớn của tỉnh. Ông Trần Đức Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Vụ mùa năm 2019,  huyện Vũ Thư có 302ha ruộng bị bỏ hoang, trong đó 2/3 diện tích ruộng bỏ hoang là đất giao cơ bản, thậm chí ở nhiều vùng được coi là “bờ xôi, ruộng mật”, còn lại 1/3 diện tích bỏ hoang ở quỹ đất 5% của các xã. 25/41 HTX DVNN trong toàn huyện có diện tích ruộng bị bỏ hoang, trong đó một số địa phương diện tích ruộng bỏ hoang lớn như Hòa Bình 52ha, Vũ Đoài 34,6ha, Phúc Thành 27ha, Minh Lãng 25,43ha... Theo báo cáo của  Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy từ năm 2015 đến nay diện tích đất nông nghiệp nông dân bỏ không cấy tăng nhanh và con số vụ mùa năm 2019 là 122,3ha. Huyện Quỳnh Phụ diện tích ruộng bỏ hoang khoảng 300ha, huyện Tiền Hải khoảng 140ha, huyện Kiến Xương 236ha… Phóng viên Báo Thái Bình đã mất gần 1 tháng tìm hiểu về tình trạng nông dân bỏ ruộng và thấy rằng việc bà con bỏ ruộng có ở tất cả 8 huyện, thành phố.

Hai bên đường giao thông ở xã Hoà Bình (Vũ Thư) là những thửa ruộng bị bỏ hoang

Video: video_xa_hoa_binh_vu_thu_so_6.mp4

Thực trạng bỏ ruộng, chán ruộng đã diễn ra nhiều năm, chính quyền địa phương cũng biết rõ nguyên do và ở nhiều địa phương khắc phục bằng cách tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực sản xuất, giao cho các đoàn thể nhận cấy diện tích bỏ hoang nhưng cũng không được đáng là bao. Ở xã An Quý (Quỳnh Phụ) cán bộ xã, thôn phải đứng ra nhận ruộng bà con bỏ hoang cấy để phủ xanh hết diện tích. Tuy nhiên khi phóng viên trao đổi với lãnh đạo một số địa phương đề nghị cung cấp số liệu về tình trạng nông dân bỏ ruộng thì họ rất ngại nói về vấn đề này, không muốn cung cấp thông tin hoặc giảm bớt diện tích bị bỏ hoang. Còn theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích ruộng bỏ hoang nhân dân toàn tỉnh không cấy năm 2019: vụ xuân là hơn 20ha, vụ mùa hơn 380ha và cả năm hơn 400ha.

Hộ dân cấy lúa duy nhất của thôn Tư Cương, xã An Cầu (Quỳnh Phụ) trao đổi với phóng viên Báo Thái Bình

Như vậy, số liệu về diện tích ruộng bỏ hoang từ cấp xã, cấp huyện và tỉnh vẫn chưa có sự thống nhất. Nhưng có thực tế là tình trạng nông dân chán ruộng - ly nông đang gia tăng và đây cũng là quy luật tất yếu khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại dịch vụ và đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bám ruộng… thì đói

Dù thuận tiện đường giao thông nhưng nông dân An Ấp (Quỳnh Phụ) vẫn bỏ ruộng.

Đứng ngay bên cạnh mảnh ruộng bỏ hoang bà Nguyễn Thị Đào, thôn Lương Cầu, xã An Cầu (Quỳnh Phụ) buồn rầu chia sẻ:

Video: video_7.mp4

Bà Vũ Thị Huế, xã An Thanh (Quỳnh Phụ) cho biết: Giờ đây, cày, cấy, gặt những công đoạn nặng nhọc nhất của nhà nông phần lớn dân làng đều thuê cả nên đến mùa xe lôi kéo lúa về tận cổng nhà, chỉ mỗi việc phơi xong rồi cho vào hòm. Thế mà nhiều nhà vẫn bỏ ruộng hoang do công sức và thu nhập không gặp nhau. Tính ra, mỗi sào ruộng cấy lúa phải đầu tư hết 200 nghìn đồng công cày bừa, 250 nghìn đồng thuê cấy, 100 nghìn đồng mua thóc giống, nilon quây ruộng và thuốc diệt chuột, 300 nghìn đồng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, 150 nghìn đồng tiền công gặt. Như vậy, tổng chi phí cấy một sào ruộng hết khoảng 1 triệu đồng. Nếu lúa tốt, năng suất đạt 2 tạ/sào với giá bán 600 -700 nghìn đồng/tạ sẽ thu được 1,2 -1,4 triệu đồng. Một vụ lúa từ lúc làm đất đến lúc thu hoạch kéo dài 4 tháng sau khi trừ hết chi phí được từ 200 - 400 nghìn đồng/sào, tính ra cấy một sào ruộng mỗi ngày được từ 2.000 - 3.300 đồng làm sao chúng tôi sống nổi.

Ruộng đất bị bỏ hoang có mẫu số chung là do tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chi phí lớn, đầu ra bấp bênh, thu nhập thấp dẫn đến việc nhiều nông dân chán ruộng, bỏ đồng. Những tác động tích cực từ chính sách tam nông đã biến những người nông dân chân lấm tay bùn trở thành những công nhân thực thụ, mỗi tháng thu nhập 5 - 7 triệu đồng, có thể nhiều hơn cả vụ lúa...

 Công ty TNHH Dệt may Trường Sơn Thịnh thu hút nhiều lao động nông thôn của huyện Đông Hưng vào làm việc

Video: video_8.mp4

Theo ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều nguyên nhân khiến nông dân bỏ ruộng. Trước hết là do thời gian qua có nhiều dự án sản xuất công nghiệp về nông thôn thu hút lượng lớn lao động vào làm việc dẫn đến sự chuyển dịch mạnh mẽ lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nên thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp. Việc quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, khu, cụm công nghiệp và công trình hạ tầng kinh tế - xã hội khiến cho một số diện tích đất trồng lúa bị xen kẹp, nhiều tuyến kênh mương, thủy lợi bị chia cắt không khai thác phục vụ tưới tiêu được, làm giảm hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp. Một số diện tích đã được quy hoạch thành khu, cụm công nghiệp hoặc quy hoạch đô thị đã được hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng hoặc chờ giải phóng mặt bằng nên bà con không cấy. Tình trạng chuột gây hại nhiều trên đồng ruộng khiến nông dân cấy không có thu, dễ “nản” và bỏ ruộng. Vấn đề quan trọng nữa là sản xuất nông nghiệp theo nông hộ còn manh mún, bình quân mỗi hộ chỉ có vài sào ruộng dẫn đến sản xuất nhỏ lẻ đã khiến lợi tức từ làm nông nghiệp đem lại không đáng kể. Sau khi trừ mọi chi phí, số thặng dư dôi ra không đủ để người dân trang trải cho sinh hoạt hàng ngày chứ chưa nói gì đến chuyện làm giàu… Chính điều này đã khiến người nông dân ngày càng chán, bỏ hoang ruộng.

Nghề may túi ở xã Thụy Phúc (Thái Thụy) tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn


Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Phong (Vũ Thư)

 
Tân Phong là xã cận thị nên hầu hết lao động vào làm các công ty, xí nghiệp, chỉ những người không thể làm gì mới làm ruộng. Nhưng họ làm ruộng với tư tưởng lấy gạo ăn nên mỗi hộ cũng chỉ cấy 1-2 sào. Thu nhập từ cấy lúa quá thấp, thu không đủ chi nên càng ngày càng có nhiều hộ bỏ ruộng. Năm 2010, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp của xã chiếm 47% trong cơ cấu kinh tế nhưng hiện nay giảm còn 21% - 22%. Việc bà con bỏ ruộng không cấy cũng là xu thế tất yếu của quá trình chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, vấn đề mấu chốt là chúng ta giải quyết việc bà con bỏ ruộng như thế nào?

Ông Bùi Văn Hòa, thôn Quyết Thắng, xã Hòa Bình (Vũ Thư) 


Xu hướng vài năm gần đây nhiều nông dân chuyển sang làm công việc khác dễ kiếm tiền hơn, nhàn hơn trồng lúa. Người trẻ đi làm công ty, xí nghiệp, lương một tháng có thể mua một tấn thóc nên không thiết tha với đồng ruộng. Người không đi làm công ty, xí nghiệp thì đã có tuổi, không có sức khỏe mà làm, nếu cố làm thì sâu bệnh, chuột cắn gần hết, thu nhập chẳng đáng là bao, đành bỏ ruộng hoang. Tôi đề nghị các cấp, các ngành, địa phương thực hiện tích tụ ruộng đất, mời gọi các tổ chức, cá nhân mua hoặc thuê lại ruộng của bà con đầu tư máy móc sản xuất nông nghiệp hàng hóa.


(Còn nữa)

Nhóm phóng viên