Thứ 7, 18/05/2024, 15:25[GMT+7]

Thụy Ninh: Thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thứ 7, 04/05/2024 | 09:22:32
4,489 lượt xem
Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2014, xã Thụy Ninh (Thái Thụy) tiếp tục bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao. Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những tiêu chí quan trọng thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác, ngay từ khi triển khai xây dựng NTM nâng cao, xã Thụy Ninh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phấn đấu về đích trong năm 2024.

Cơ sở may gia công của chị Nguyễn Thị Trà My, thôn Đoài, xã Thụy Ninh sản xuất 30.000 - 35.000 sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho 45 lao động nữ với thu nhập trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Một trong những giải pháp quan trọng được xã Thụy Ninh tập trung thực hiện đó là hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, HTX và nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Đến thăm trang trại nuôi thỏ của gia đình chị Trần Thị Phượng, thôn Hệ, được tận mắt chứng kiến quy mô chuồng trại rộng lớn, khép kín với hàng trăm con thỏ lông trắng khiến chúng tôi khâm phục tinh thần dám nghĩ, dám làm của nông dân trẻ. 

Chị Phượng tâm sự: Ban đầu khởi nghiệp, tôi nuôi 300 con gà thịt. Tuy nhiên, do chưa được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh nên đàn gà của gia đình tôi đã bị cúm chết hàng loạt. Trăn trở tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, năm 2016 tôi đã mua 30 con thỏ giống về nuôi thử. Sau 2 năm nuôi thấy hiệu quả kinh tế cao, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương tôi vay thêm 70 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở rộng, phát triển quy mô chăn nuôi, duy trì nuôi 250 - 300 con thỏ giống. Tuân thủ nghiêm lịch phun khử trùng tiêu độc, tiêm vắc-xin, cho uống thuốc đầy đủ, đúng định lượng, định kỳ nên đàn thỏ của tôi không có dịch bệnh xảy ra. Trung bình mỗi tháng tôi xuất bán 1 tấn thịt thỏ thương phẩm với giá từ 82.000 - 85.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi 30 triệu đồng/tháng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài bán thịt thỏ, tôi còn sản xuất lồng nuôi thỏ, cung cấp con giống, vật tư, thức ăn và thuốc thú y cho người dân trong và ngoài tỉnh. 

Ông Ngô Sơn Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Ninh cho biết: Để giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với xây dựng NTM nâng cao. Nổi bật, Hội đã hỗ trợ, hướng dẫn 18 hội viên chuyển đổi 20ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lúa kết hợp nuôi rươi tại cánh đồng Rành Cam (Sông Cái). Bên cạnh đó, Hội còn giúp hội viên cải tạo diện tích vườn, phát triển mô hình kinh tế VAC. Đến nay, toàn xã có 125 trang trại, gia trại và 250 hộ chăn nuôi gia trại với quy mô nhỏ, thu nhập 100 - 800 triệu đồng/năm. Qua bình xét năm 2023, toàn xã có 2 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 3 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, 231 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã. Để hội viên có vốn đầu tư phát triển sản xuất, Hội đã tín chấp với các ngân hàng cho trên 140 hội viên vay vốn với tổng dư nợ trên 14 tỷ đồng.

Cùng với việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, HTX và nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Thụy Ninh còn tập trung phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều xuống dưới 1%. Cơ sở sản xuất may gia công của chị Nguyễn Thị Trà My, thôn Đoài là 1 trong 6 cơ sở may công nghiệp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương. 

Chị Nguyễn Thị Trà My cho biết: Thời gian đầu mới thành lập, xưởng may của tôi gặp nhiều khó khăn về vốn, tay nghề công nhân hạn chế do đa số lao động vào xưởng mới tham gia học nghề. May mắn tôi được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tạo điều kiện mở lớp học nghề kỹ thuật may công nghiệp cho lao động tại xưởng, từ đó chất lượng các sản phẩm được bảo đảm và ngày càng có nhiều đơn đặt hàng. Hiện xưởng may của tôi sản xuất 30.000 - 35.000 sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho 45 lao động nữ với thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng, doanh thu đạt từ 5 - 7 tỷ đồng/năm. 

Là công nhân gắn bó với xưởng may từ ngày đầu thành lập, chị Đỗ Thị Đượm, thôn Đoài tâm sự: Hàng ngày, tôi vẫn có thể thu xếp việc nhà trước khi đến xưởng. Với mức thu nhập rất ổn định, khoảng 7 triệu đồng/tháng nên có thể bảo đảm trang trải được cuộc sống cho gia đình. 

Bà Lã Thị Vẻ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thụy Ninh cho biết: Những năm gần đây, nghề may gia công ngày càng phát triển ở địa phương. Từ những tổ may nhỏ lẻ, nhiều hội viên đã mở xưởng may gia công quy mô lớn. Hiện tại, có hơn 150 lao động nữ của địa phương được giải quyết việc làm, thu nhập ổn định từ 4 - 10 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, nếu có nguồn vốn vay phù hợp, chúng tôi sẽ tạo cơ hội để hội viên mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Ông Đỗ Văn Huynh, Chủ tịch UBND xã Thụy Ninh cho biết: Năm 2024, xã phấn đấu giá trị sản xuất đạt 365,2 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 72 triệu đồng/người/năm,  tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 85%... Để hoàn thành mục tiêu đó, thời gian tới, xã Thụy Ninh tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng; khuyến khích mở rộng các nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ gắn với đào tạo và giải quyết việc làm nhằm tăng thu nhập cho người dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất để tổ chức, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu tiếp cận kịp thời các kênh hỗ trợ, nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh; nhân rộng các điển hình tiên tiến, kinh nghiệm hay trong xây dựng NTM, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động tăng thu nhập cho người dân.

Mô hình nuôi thỏ của chị Trần Thị Phượng, thôn Hệ, xã Thụy Ninh thu lãi 30 triệu đồng/tháng.


Nguyễn Thắm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày