Thứ 3, 23/07/2024, 01:30[GMT+7]

“Trái ngọt” ven sông Kỳ 4: Nông nghiệp sinh thái - Hướng đi mới cho vùng đất bãi

Thứ 5, 23/05/2024 | 08:25:56
16,416 lượt xem
Từ vùng đất bãi ven sông ở Hưng Hà, với bàn tay, khối óc của những người nông dân đã và đang hình thành nên những mô hình nông nghiệp đạt doanh thu cao, tạo việc làm cho nhiều lao động. Dư địa phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch gắn với du lịch sinh thái vẫn còn nhiều, nếu được đánh thức thì giá trị mang lại từ khu vực này không hề nhỏ.

Huyện Hưng Hà có hơn 1.500ha đất bãi ven sông là điều kiện thuận lợi để thực hiện mô hình nông nghiệp sinh thái.

Phát triển du lịch sinh thái ven sông

Theo đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của huyện Hưng Hà, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 50% xã, thị trấn xây dựng được ít nhất 1 sản phẩm du lịch đặc thù; đến năm 2030 hoàn chỉnh hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa; du lịch nghề, làng nghề; du lịch sinh thái theo định hướng phát triển không gian du lịch, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Hưng Hà. Định hướng này đã thôi thúc nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình sinh thái trên vùng đất bãi ven sông.

Trải dài bên sông là những cánh đồng trù phú.

Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc công nghệ cao trong nhà màng tại vùng đất bãi thôn Phú Vật, xã Tiến Đức do bà Trần Thị Nhàn tự tích lũy vốn và kinh nghiệm để hiện thực hóa giấc mơ làm nông nghiệp sạch đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Nhàn cho biết: Làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi chi phí sản xuất khá lớn vì đầu tư nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt. Hiện nay, mỗi năm tôi thu hoạch trên 11 tấn dưa, thu lãi hơn 400 triệu đồng. Với lợi thế ven sông và có khu du lịch văn hóa tâm linh đền Trần, tôi thấy đây là tiền đề phát triển du lịch sinh thái ven sông, do đó tôi lập ý tưởng chuyển hướng phát triển mô hình thành điểm du lịch sinh thái đón du khách tham quan trải nghiệm. Để hiện thực hóa ý tưởng, tôi đã đi các tỉnh tham quan học hỏi mô hình sinh thái rồi từng bước áp dụng xây dựng mô hình. Trước mắt, ngoài dưa lê Hàn Quốc, tôi mở rộng trồng thêm 3 sào măng tây kết hợp với trồng các loại cây ăn quả, hoa gắn với du lịch trải nghiệm, tạo điểm đến du lịch cho nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tham quan.

 Mô hình dưa lê Hàn Quốc của bà Trần Thị Nhàn, xã Tiến Đức là mô hình triển vọng thực hiện mô hình nông nghiệp sinh thái.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hưng Hà có 40 mô hình sản xuất chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao như dưa lưới, thanh long vỏ vàng, măng tây... được quy hoạch thành vùng đang là lợi thế để phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm. 

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Tiềm năng đất bãi để phát triển được theo hướng du lịch nông nghiệp sinh thái là rất lớn, chúng tôi đang tham mưu với huyện có những biện pháp tháo gỡ để tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh khai thác thế mạnh này, vì đây là hướng đi mới để huyện phát triển bền vững khi diện tích đất nông nghiệp nội đồng đang bị thu hẹp. Việc xây dựng các tuyến du lịch làng nghề, văn hóa tâm linh, kết nối với tuyến du lịch sinh thái vùng đất bãi với các địa phương lân cận sẽ tạo nên các tuyến du lịch hoàn chỉnh, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hình thành các chuỗi liên kết

Nắm bắt và phát huy lợi thế của địa phương, thời gian qua, các HTX trên địa bàn huyện Hưng Hà đã phát huy được vai trò trong việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, trở thành “hạt nhân” thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Hưng Hà hình thành nhiều mô hình sản xuất hữu cơ từ cây dược liệu hướng đến mô hình nông nghiệp sạch.

Theo thống kê, các HTX của 14 xã, thị trấn ven sông đã tổ chức liên kết với 25 doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Điển hình như HTX DVNN Điệp Nông chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất bằng việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản, bước đầu mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân. Hiện HTX đang tiến hành liên kết với 6 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tiêu thụ 12 - 15 loại nông sản. Năm 2023, HTX bao tiêu được 50% giá trị sản lượng cây trồng trên vùng đất bãi. Đặc biệt, nông dân còn được cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật sản xuất theo hướng VietGAP, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái. 

Ông Khương Minh Duyên, Giám đốc HTX cho biết: Chúng tôi đã tích cực tìm kiếm, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với các công ty, doanh nghiệp, giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, qua đó từng bước khẳng định vai trò “bà đỡ” trong phát triển kinh tế nông thôn.

Trong khi nhiều địa phương đang loay hoay tìm đầu ra cho nông sản thì mô hình sản xuất ớt hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ đang được anh Phạm Công Huân tại vùng đất bãi thôn Tịnh Xuyên, xã Hồng Minh triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng. Anh Huân chia sẻ: Vụ đầu tiên trồng ớt còn rất e ngại từ việc trồng ra sao, kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh thế nào và liệu có thích nghi với đồng đất địa phương hay không... Tuy nhiên, sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và được sự hướng dẫn của đơn vị bao tiêu sản phẩm, tôi nhận thấy đây là giống cây mới, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, đầu ra của sản phẩm ổn định, nên quyết định đầu tư sản xuất theo hướng hữu cơ. Hiện nay ớt đã cho thu hoạch với giá 27.500 đồng/kg, được các công ty bao tiêu sản phẩm ngay tại ruộng nên tôi không phải lo chuyện “được mùa mất giá”, yên tâm canh tác. Dự kiến trong thời gian tới tôi liên kết với nông dân trong xã tiếp tục mở rộng diện tích trồng ớt hữu cơ lên 10ha.

Với lợi thế đất đai màu mỡ, các địa phương đã có nhiều cách làm hiệu quả, khai thác được tiềm năng của đất để quy hoạch phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Hưng Hà phấn đấu thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đất bãi đạt 70 triệu đồng/ năm vào năm 2025; thu nhập trên 1ha canh tác đạt 300 - 400 triệu đồng/năm, đưa nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sinh thái, hữu cơ vào sản xuất hình thành liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung như sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt tự động... 

Ông Phạm Cao Quân, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ những kết quả ban đầu của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người dân, doanh nghiệp, HTX đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Để việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm có hiệu quả, huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, như: tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, nâng cao năng lực sản xuất của người dân, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát lại quỹ đất, quy hoạch các vùng, tiểu vùng sản xuất, hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Ban hành cơ chế hỗ trợ các đơn vị, địa phương xây dựng các mô hình sản xuất điểm gắn với chuyển giao kỹ thuật cho nông dân; tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái, hướng đến du lịch trải nghiệm.

Hưng Hà tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên du lịch phong phú, sẵn có để tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch của huyện cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính bền vững, hiệu quả; gắn lợi ích cộng đồng dân cư tại các khu, điểm du lịch. Huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phấn đấu đến năm 2030 du lịch Hưng Hà trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung của huyện với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc riêng, thân thiện với môi trường.
Ông Trần Hữu Nam, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà



Thanh Thuỷ