Thứ 7, 10/08/2024, 06:40[GMT+7]

Quảng bá nghệ thuật cổ truyền Việt Nam ở nước ngoài Trung thực với truyền thống

Thứ 6, 22/03/2013 | 14:15:35
1,094 lượt xem
2013 được chọn làm Năm Văn hóa Pháp - Việt. Trong năm nay, sẽ có nhiều chương trình giới thiệu văn hóa nghệ thuật cổ truyền Việt Nam tại Pháp. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc - Gs Trần Quang Hải, để quảng bá tốt các môn nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, cần phải giới thiệu những gì trung thực nhất với truyền thống.

Muốn quảng bá nghệ thuật cổ truyền ở nước ngoài, thì phải tuyển lựa những nghệ nhân có trình độ cao, và làm đúng theo truyền thống. Đừng nên vì thị hiếu, muốn vui lòng người châu Âu mà pha trộn những khía cạnh gọi là giao lưu văn hóa, thì sẽ đi đến chỗ làm cho người Pháp thất vọng. Tại vì, họ muốn tìm hiểu những cái gọi là nguyên gốc và trung thực với truyền thống, hơn là để làm vui nhộn, theo những hình ảnh vũ đạo, đệm cho bài hát. Theo như tôi thấy, ở Việt Nam bây giờ có xu hướng những bài hát dân gian, bài hát dân tộc được cách tân, thêm vào những tiết mục, những điệu hòa âm, phối khí, vũ đạo, làm mất đi tính nguyên gốc. Nếu chúng ta hiểu được đòi hỏi của người phương Tây, thì chúng ta sẽ tổ chức các chương trình đúng theo tiêu chuẩn. Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc khi sang phương Tây cũng trình diễn các tiết mục đúng theo truyền thống, chứ không có những màu sắc mới, hay làm cho chương trình hoành tráng.

Nghệ thuật của Việt Nam không phải là nghệ thuật sử dụng đa âm, tức là polyphonie, hay các điệu màu mè, mà chúng ta cần làm những loại nhạc đơn điệu, tức là monodie, chú trọng đặc biệt đến khía cạnh gọi là dịu dàng, tha thiết, và đặc biệt là lồng vào trong loại nhạc ngũ cung và những truyền thống mà chúng ta phải phát triển nhiều hơn. Ví dụ, trong điệu hát quan họ Việt Nam có ba loại. Thứ nhất là quan họ chay, tức là quan họ làng, hát ở trong làng và hát theo đúng truyền thống, có lễ kết nghĩa, tục ngủ bọn, và hát những kỹ thuật gọi là vang, rền, nền, nảy, phải kỳ công học nhiều năm, chứ không phải học vài bài, như tôi được nghe ở Việt Nam bây giờ. Thứ hai là có quan họ đoàn, tức là những bài dân ca quan họ đã được đổi đi một chút, theo điệu thanh nhạc. Cái đó có thể là mới mẻ đối với người Việt Nam. Cũng như hội Lim - một hội lớn về quan họ vào dịp Tết, nhưng có điều bây giờ ở Việt Nam lại đưa ra cách gọi là hát du thuyền. Tức là người quan họ ngồi trên thuyền, dùng máy vi âm, hát to lên, rồi đi dọc theo bờ sông, đưa cái nón lá ra hứng tiền người ta thảy vào trong đó. Cái đó là đi sai đường lối. Hay là, hát thật nhiều giọng với nhau cũng hoàn toàn sai, vì quan họ là chỉ hát giữa một cặp nữ đối với một cặp nam. Vì vậy, vấn đề là chúng ta phải cho thấy kỹ thuật hát đặc biệt ấy, mà bên châu Âu không có.

Mình tự hào về cái vốn cổ của mình, thì mình phải làm sao giữ cho được đúng theo truyền thống là hay nhất, chứ không có gì phải thay đổi hay chế biến, đặng cho nó hợp với thị hiếu của đại đa số quần chúng. Cái vốn cổ mình giữ làm căn bản, từ đó mới đẻ ra nhiều chuyện khác nữa. Chứ bây giờ, mình lo mình phát triển mà quên đi nguồn gốc, vốn cổ, thì dần dần sẽ mất đi, sẽ không còn là vốn cổ nữa.

Tôi muốn lưu ý rằng, khi muốn đưa một đoàn ca nhạc hay đoàn nghệ thuật đi biểu diễn ở nước ngoài, chúng ta phải ý thức rằng đưa các nghệ nhân có trình độ cao, và hát đúng theo truyền thống, chứ đừng đưa những người trẻ đẹp, mặc quần áo lộng lẫy, lên sân khấu trình diễn. Vấn đề nghệ thuật là căn bản, chứ không phải màu sắc. Nghệ nhân (đi quảng bá) phải là những người có căn bản vững chắc, khi trình diễn ở nước ngoài đáp ứng được những cái người Tây phương chờ đợi, tức là sự trung thực với truyền thống.

Theo Daibieunhandan

  • Từ khóa