Thứ 6, 22/11/2024, 11:33[GMT+7]

Đừng để...lãng quên

Thứ 2, 25/12/2017 | 09:23:10
972 lượt xem
Cuối năm 2015, Báo Thái Bình đăng bài “Không thể để di tích thành phế tích” của tác giả Hải Đông cùng nhóm phóng viên Đài TTTH Tiền Hải. Đồng thời với báo in, Đài PTTH Thái Bình cũng phát sóng bài này với những đoạn ghi âm, cuộc phỏng vấn các đồng chí cán bộ cơ sở và đại diện lãnh đạo địa phương. Có cả những lời bày tỏ nỗi niềm của một số đảng viên cao tuổi. Cùng băn khoăn với sự thờ ơ, chưa quan tâm, đối xử cho xứng tầm với một di tích lịch sử cấp quốc gia. Đó là khu di tích Mả Bụt, xã Vũ Lăng,

Di tích Mả Bụt trơ trọi giữa cánh đồng. Ảnh: Thu Hoài (TTXVN)

Lật mở cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Vũ Lăng thời kỳ 1930 - 2015, khoan hãy nói đến phần chi tiết, miêu tả cuộc biểu tình Mả Bụt cùng sự có mặt diễn thuyết trước đông đảo quần chúng của các nhà lãnh đạo mà tên tuổi đã được vinh danh trong lịch sử Thái Bình, mới chỉ nhìn bức ảnh chụp biểu tượng cùng lời chú giải “Di tích lịch sử cấp quốc gia Mả Bụt, nơi đây, ngày 12/9/1940, nhân dân 3 huyện Tiền Hải, Kiến Xương, Thái Ninh dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, biểu tình chống thực dân Pháp” là ta đã đủ hiểu tầm cỡ và ý nghĩa của khu di tích Mả Bụt. Bởi vậy, sau khi bài báo đến với bạn đọc nó đã gây tiếng vang. Cán bộ và nhân dân Vũ Lăng đón nhận, luận bàn. Có thế chứ, thế là báo chí đã vào cuộc, rồi người ta sẽ không thể và không nỡ lãng quên một khu di tích đầy ý nghĩa. Tiếng vang thế. Ồn ào thế. Nhưng rồi sự việc cũng dần nhạt đi, lắng xuống. Chỉ có cán bộ và nhân dân Vũ Lăng thì cứ vào dịp lễ, tết, kỷ niệm hay chuẩn bị diễn ra các sự kiện trọng đại thì cùng với đoàn đại biểu ra dâng hương và đặt vòng hoa tại nghĩa trang liệt sĩ của quê hương còn có một đoàn nữa được phân công ra đặt vòng hoa và dâng hương tại khu di tích Mả Bụt để tôn vinh hồn thiêng và khí phách của quê hương một thời oanh liệt, tưởng nhớ những người đã từng lãnh đạo, từng tham gia cuộc biểu tình ngày 12/9/1940 để rồi sau đó họ mang theo ý chí ấy, khí phách ấy vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Giờ đây, những người làm nên sự kiện ấy dần đi vào cõi vĩnh hằng, để hồn thiêng lại hòa vào hồn thiêng sông núi, khí phách cha ông, phù trì cho non nước vững bền muôn thuở. Vào những ngày trọng đại của dân tộc, chắc hồn thiêng lại tụ hội về đất thiêng để đón nhận tình cảm tri ân của lớp cháu con... Mộ phần các dòng họ thì thường xuyên được cháu con chỉnh trang, nâng cấp. Không nói đến sự cầu kỳ thái quá mà ta chỉ nói đến khía cạnh tấm lòng, tình cảm của cháu con đối với tiền nhân. Nhưng gần đấy là khu di tích Mả Bụt thì sự quan tâm của các cấp có phần diệu vợi. Là di tích lịch sử cấp quốc gia nên xã không thể tùy tiện, không thể tự ý tu bổ để chỉnh trang, nâng cấp. Tục ngữ có câu: “Có bột mới gột nên hồ”. Trong khi ta vẫn duy trì và xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Kể cả khi không còn quỹ này thì với một di tích lịch sử cấp quốc gia vẫn rất cần được các cấp quan tâm.

Hôm nay, những ngày cuối cùng của năm 2017 đang lùi vào quá khứ, thật chạnh lòng khi nhìn thấy khu di tích Mả Bụt, không những “vẫn y nguyên” mà còn có phần hoang vắng, quạnh quẽ hơn xưa. Vì không có tường bao, rào chắn nên trâu bò nhởn nhơ vô tư vào gặm cỏ...

Năm cũ sắp qua, chuẩn bị đón năm mới. Lại chuẩn bị có đoàn đại biểu đại diện cho cán bộ và nhân dân Vũ Lăng trước khi tổng kết mừng công lại ra đây trang trọng đặt vòng hoa và dâng hương tri ân, tưởng nhớ những người đã bất chấp hiểm nguy làm nên sự kiện ngày 12/9/1940. Hy vọng năm tới, khu di tích Mả Bụt sẽ được quan tâm, nâng cấp để xứng với tầm với một di tích lịch sử cấp quốc gia. Đừng để... lãng quên.

Phạm Văn Lục

(Vũ Lăng, Tiền Hải)

  • Từ khóa