Chủ nhật, 24/11/2024, 07:08[GMT+7]

Hãy đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông Kỳ 1: Một bộ phận người dân lơ là đội mũ bảo hiểm

Thứ 2, 27/05/2024 | 10:34:25
6,142 lượt xem
Đội mũ bảo hiểm là quy định bắt buộc với tất cả người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện nhằm giảm nhẹ hậu quả do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra. Nhiều năm qua, đội mũ bảo hiểm trở thành thói quen, văn hóa giao thông của người dân. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện tình trạng một bộ phận người dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho chính người điều khiển phương tiện mà còn tạo nên tình trạng “nhờn luật”, cần có giải pháp đồng bộ để xử lý.

Nhiều lỗi vi phạm của người tham gia giao thông.

Qua khảo sát thực tế ghi nhận một bộ phận người dân, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm lưu thông trên các đường, thậm chí phóng nhanh, vượt ẩu tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT. Điều bất thường đang dần trở nên bình thường Tình trạng nhiều người khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm đang trở thành “chuyện thường ngày”. 

Điều bất thường đang dần trở nên bình thường! 

Tình trạng nhiều người khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm đang trở thành “chuyện thường ngày”. Điều bất thường đang dần trở nên bình thường.

Đầu tháng 5/2024, quan sát lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tuần tra, kiểm soát tại khu vực cổng Trường THPT Lê Quý Đôn (thành phố Thái Bình) trong khoảng từ 13 giờ 30 phút đến 14 giờ, nhóm phóng viên Báo Thái Bình đã ghi nhận rất nhiều trường hợp các em học sinh THPT và THCS vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, đi hàng hai, hàng ba, điều khiển xe gắn máy, xe máy điện khi chưa đủ tuổi... 

Bà Nguyễn Thị Trầm, một hộ kinh doanh gần cổng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: Hàng ngày, tôi thấy trên tuyến đường này có nhiều người dân, học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm. Khi thấy lực lượng công an giao thông từ xa thì các cháu dừng xe lại để đội mũ, một số cháu thì quay đầu xe tìm đường khác đi để né tránh, rất nguy hiểm. Ở một số nơi khác, tôi còn thấy các cháu phóng nhanh, vượt đèn đỏ do đi học muộn. 

Dù đã cố gắng tìm cách né tránh nhưng khi bị lực lượng công an yêu cầu dừng phương tiện để xử lý, các em học sinh vi phạm vì lỗi đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm đều tỏ ra rất hoang mang, lo sợ. Mặc dù các em đều khẳng định hành vi của mình là vi phạm pháp luật, có thể gây nguy hiểm cho bản thân và mọi người nhưng khi được hỏi về lý do biết nhưng vẫn cố tình không đội mũ bảo hiểm thì các em lại không thể đưa ra được câu trả lời chính đáng. 

Em L.T.H, học sinh lớp 12, Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: Ở trường, các thầy cô vẫn tuyên truyền đầy đủ các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) nhưng do em chủ quan nghĩ đơn giản không đội mũ bảo hiểm cũng không sao nên em đã vi phạm. Em xin hứa lần sau sẽ đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy điện để bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh. 

Thay vì đội mũ bảo hiểm đúng quy cách, nhiều học sinh lại lựa chọn đội những chiếc mũ thời trang khi đi xe máy điện đến trường. Thậm chí mới học lớp 9 nhưng em T.A.T, Trường THCS Trần Phú (thành phố Thái Bình) đã đi xe máy điện dù chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. “Bản thân em đã lơ là, chưa thực hiện đúng theo sự tuyên truyền, hướng dẫn của nhà trường. Em đã biết lỗi sai của mình và hứa sẽ không tái phạm nữa” - T cho biết. 

Tình trạng học sinh vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT không chỉ diễn ra tại khu vực cổng Trường THPT Lê Quý Đôn mà còn xuất hiện ở nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh. Hàng ngày, thời điểm các em học sinh Trường THPT Đông Quan (Đông Hưng) tan học, tại cổng trường luôn có giáo viên và bảo vệ túc trực để nhắc nhở các em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy điện, xe đạp điện. Tuy nhiên, sau khi ra khỏi cổng trường, một số học sinh lại tháo mũ ra và treo vào xe. Thậm chí nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm còn tập trung trước cổng trường rồi phóng nhanh, lạng lách đánh võng. Theo chia sẻ của người dân xung quanh, một số học sinh còn điều khiển cả xe máy với dung tích xi lanh lớn gửi ở ngoài cổng trường trong khi chưa đủ tuổi điều khiển loại phương tiện này, một số trường hợp còn tụ tập bốc đầu xe gây ồn ào, nguy hiểm cho những người xung quanh.

 Hồi chuông cảnh báo

 “Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ” - câu khẩu hiệu quen thuộc nhưng với nhiều bậc phụ huynh có những lý do rất “chính đáng” để bỏ qua sự an toàn của con trẻ. Quan sát tại một số cổng trường mầm non và tiểu học trên địa bàn thành phố Thái Bình vào đầu giờ sáng hàng ngày có không ít trẻ em không đội mũ bảo hiểm ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện được bố mẹ đưa đến trường. 

Khi được hỏi lý do, ông B.V.P, một phụ huynh của trẻ học ở Trường Mầm non Gấu Trúc (phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình) trả lời: Tôi chưa bao giờ đội mũ bảo hiểm cho con khi ngồi trên xe mô tô, bởi hàng ngày các cháu được bố mẹ chở đi học nhưng di chuyển trên quãng đường ngắn. Việc đội mũ bảo hiểm cho các con khi đi chơi cũng rất vướng nên các cháu đã quen với việc không đội mũ bảo hiểm. Thêm nữa, việc trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cũng ít khi bị xử phạt nên tôi nghĩ việc này cũng bình thường. 

Không chỉ học sinh, phụ huynh học sinh mà trên các tuyến phố của thành phố Thái Bình, các tuyến đường khu vực thị trấn, vùng nông thôn cũng rất dễ nhìn thấy người dân không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện. Có rất nhiều lý do họ đưa ra để biện minh cho hành vi của mình: đi có đoạn đường ngắn, đi đường trong làng, đi ra đồng thì cần gì đội mũ bảo hiểm rất vướng víu, không có lực lượng CSGT tuần tra và xử phạt... 

Bà N.T.H, xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) cho biết: Tôi cũng như nhiều bà con ở địa phương đi chợ hoặc đi làm đồng bằng xe máy chỉ loanh quanh trong làng, trong xã nên rất ít khi đội mũ bảo hiểm. Nhà cũng có mũ bảo hiểm nhưng thỉnh thoảng có công việc gì đi lên huyện hoặc ra đường lớn chúng tôi mới dùng đến để khỏi bị CSGT xử phạt. Thêm nữa, tôi thấy việc người dân không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên các tuyến đường liên thôn, liên xã ít khi bị nhắc nhở, xử lý nên trong thâm tâm nghĩ đó là “việc bình thường” nên cũng chủ quan. Nay thấy các anh nói vậy chúng tôi nhận thức ra đó là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, hứa sau này sẽ đội mũ bảo hiểm đầy đủ nếu có tham gia giao thông trên đường. 

Có thể thấy, tại những tuyến đường vắng bóng lực lượng CSGT, có khá nhiều người dân phớt lờ, không tuân thủ quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện. Thậm chí có những người dân cũng đội mũ bảo hiểm nhưng theo hình thức chống đối: đội mũ bảo hiểm thời trang (không đạt chuẩn), có đội mũ nhưng lại không cài quai. Ngay tại một số cửa hàng chuyên kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn thành phố Thái Bình, mũ bảo hiểm thời trang không đạt chuẩn được bày bán ngay ngoài vỉa hè để khách hàng có thể nhanh chóng chọn mua bởi giá thành rẻ và sự tiện dụng mang hình thức chống đối của những sản phẩm này. 

Tác dụng của mũ bảo hiểm vừa bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông vừa mang đến sự yên tâm cho người thân trong gia đình. Việc đội mũ bảo hiểm không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi con người mà nó còn thể hiện được ý thức, văn hóa của người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, một số người đã “quên” không đội mũ bảo hiểm, điều này đồng nghĩa với việc họ đã vi phạm quy định của pháp luật và quên cả những hiểm nguy có thể xảy ra với chính mình khi tham gia giao thông.

Mũ bảo hiểm thời trang không đạt chuẩn vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường.

(còn nữa) 

Nhóm phóng viên



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày