Thứ 3, 07/05/2024, 02:56[GMT+7]

Ngành Ngân hàng Thái Bình: Phát huy truyền thống, phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị

Thứ 3, 05/05/2020 | 08:23:10
3,656 lượt xem
Cách đây 69 năm, ngày 6/5/1951, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập, mở ra trang sử mới cho ngành Ngân hàng. Trong quá trình hình thành và phát triển, cùng với toàn hệ thống, ngành Ngân hàng Thái Bình không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để làm rõ hơn những kết quả nổi bật đó, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình.

Nguồn vốn tín dụng ngân hàng giúp Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý duy trì, phát triển sản xuất.

Phóng viên: Xin bà cho biết, thời gian qua ngành Ngân hàng Thái Bình đã có những giải pháp gì trong thực hiện nhiệm vụ được giao và đã đạt được những kết quả như thế nào?


Bà Phan Thị Tuyết Trinh: Bám sát định hướng của ngành, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện các giải pháp huy động tối đa nguồn vốn từ nội bộ nền kinh tế cũng như mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, tập trung nguồn vốn cho vay các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, ngoài NHNN Chi nhánh tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng còn có 24 chi nhánh ngân hàng, 85 quỹ tín dụng nhân dân với trên 540 điểm giao dịch trải rộng đến các xã, phường, thị trấn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và nhân dân. Đến cuối tháng 4/2020, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt trên 79.200 tỷ đồng, tăng 7,7% so với thời điểm 31/12/2019; tổng dư nợ cho vay đạt trên 59.200 tỷ đồng, tăng 0,2% so với thời điểm 31/12/2019; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,9% tổng dư nợ cho vay (trong đó không bao gồm dư nợ, nợ xấu của Ngân hàng Phát triển).


Phóng viên: Là ngành có vai trò quan trọng trong việc cung ứng vốn phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã đồng hành như thế nào với các doanh nghiệp và hộ sản xuất, đặc biệt là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19?


Bà Phan Thị Tuyết Trinh: Để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ sản xuất phát triển sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, NHNN Chi nhánh tỉnh đã tập trung chỉ đạo các TCTD trên địa bàn huy động tối đa các nguồn vốn để thực hiện cho vay đặc biệt là cho vay các chương trình trọng điểm như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, cho vay xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội... Đến cuối tháng 4/2020, trên địa bàn tỉnh có hơn 115.000 khách hàng đang vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn với tổng dư nợ cho vay đạt 22.300 tỷ đồng, tăng 0,3% so với thời điểm 31/12/2019; gần 46.000 khách hàng đang vay vốn phát triển 5 lĩnh vực ưu tiên với tổng dư nợ đạt 6.990 tỷ đồng; 24 dự án kinh doanh nước sạch nông thôn được vay vốn với số tiền đã giải ngân đạt 396 tỷ đồng; gần 96.400 người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển kinh tế với dư nợ cho vay đạt 3.080 tỷ đồng... Thực hiện Thông tư số 01 ngày 13/3/2020 của NHNN Việt Nam về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh bám sát quy định của NHNN Việt Nam, quy định nội bộ của hội sở các TCTD, triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên nhằm ổn định và giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay nền kinh tế. Đến nay, ngoài việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho gần 550 khách hàng; miễn, giảm gần 3 tỷ đồng lãi tiền vay cho khách hàng; riêng đối với dịch Covid-19 đã có gần 20 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay với dư nợ khoảng 110 tỷ đồng, hơn 100 khách hàng được vay vốn với lãi suất giảm từ 0,7 - 1,5%/năm với số tiền đã giải ngân gần 2.700 tỷ đồng; đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ gần 40 tỷ đồng, miễn giảm lãi vay với dư nợ gần 3 tỷ đồng và cho vay mới đối với người chăn nuôi lợn bị thiệt hại với dư nợ 17 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN Chi nhánh tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành liên quan thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai Thông tư số 01 tới các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các TCTD tăng cường cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, giúp khách hàng sớm tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động giao dịch ở Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình.


Phóng viên: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Ngân hàng đã phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) như thế nào nhằm thực hiện tốt 1 trong 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Chỉ thị số 11 ngày 4/3/2020?


Bà Phan Thị Tuyết Trinh: Để bảo đảm an toàn cho khách hàng trên địa bàn tỉnh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là trong đợt cao điểm thực hiện cách ly xã hội, ngành Ngân hàng đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tích cực phát triển TTKDTM, khuyến cáo khách hàng tăng cường sử dụng các hình thức TTKDTM như: giao dịch thanh toán tại ngân hàng, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán qua ngân hàng điện tử... Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh còn chỉ đạo các TCTD điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển tiền qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cho khách hàng theo Thông tư số 04 của NHNN Việt Nam; các TCTD rà soát biểu phí dịch vụ thanh toán, thông tin rộng rãi đến khách hàng các chính sách ưu đãi khi thực hiện giao dịch qua ngân hàng điện tử; quan tâm phát triển nhiều dịch vụ với các tính năng vượt trội giúp khách hàng có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi, dễ dàng, thuận tiện; quan tâm phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, tăng tính bảo mật thông tin, tạo sự tin tưởng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ; đồng thời, chú trọng phát triển hệ thống máy ATM và thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ. Chính vì vậy, hết tháng 4/2020, tổng doanh số TTKDTM của toàn ngành đạt gần 276.000 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 75,8% tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng.


Phóng viên: Để hoàn thành mục tiêu năm 2020 tổng nguồn vốn huy động tăng từ 14 - 16%, tổng dư nợ cho vay tăng khoảng 14%, nợ xấu dưới 1,5% tổng dư nợ, doanh số thanh toán tăng khoảng 18% so với năm 2019, giải pháp ngành Ngân hàng Thái Bình sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới là gì, thưa bà?


Bà Phan Thị Tuyết Trinh:
Chúng tôi xác định, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng Thái Bình sẽ gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng phát huy truyền thống trong 69 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn để có thể hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, xác định việc triển khai hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 3/1/2020, Thông tư số 01, Chỉ thị số 02 ngày 31/3/2020 của Thống đốc NHNN Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, xuyên suốt trong năm 2020. Toàn ngành tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới hoạt động; tăng cường huy động vốn từ nội bộ nền kinh tế thông qua việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng; thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và của tỉnh; phát triển TTKDTM, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa, phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại; chú trọng thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, nâng cao uy tín, hình ảnh hệ thống ngân hàng trên địa bàn; đồng thời, tích cực phát động các phong trào thi đua, an sinh xã hội, phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị của ngành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Minh Hương
(thực hiện)