Thứ 4, 04/12/2024, 14:45[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu: Cách làm riêng của Quỳnh Phụ Kỳ II: Hiến đất làm đường - Động lực thúc đẩy xây dựng nông mới

Thứ 2, 18/11/2024 | 21:45:12
5,260 lượt xem
Để có nguồn lực xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, cùng với quy hoạch khu dân cư, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phong trào hiến đất làm đường giao thông được đông đảo nhân dân Quỳnh Phụ hưởng ứng tích cực. Sự chung sức đồng lòng của bà con tạo nên sức mạnh to lớn để các địa phương hoàn thành các mục tiêu đề ra trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Diện mạo xã nông thôn mới kiểu mẫu An Thái (Quỳnh Phụ).

An Thái - từ phong trào hiến đất đến xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh 

Cách đây 5 năm, so với các địa phương trong huyện, An Thái là xã có xuất phát điểm thấp bởi quy mô nhỏ, xa trung tâm huyện, công nghiệp phát triển chậm, nguồn thu chủ yếu từ nông nghiệp. Song địa phương đã biết phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội tại để bứt phá vươn lên. Tháng 7/2023, An Thái được tỉnh công nhận xã NTM nâng cao theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025. Đến cuối năm 2023, địa phương tiếp tục hoàn thành các tiêu chí để về đích NTM kiểu mẫu. Đây cũng là xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Để có “quả ngọt” như hiện nay là cả sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự đồng lòng của người dân.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông rộng 7m, hai bên điện cao áp chiếu sáng, có khu vui chơi giải trí, hồ điều hòa..., ông Nguyễn Hữu Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã An Thái phấn khởi cho biết: Sau khi đạt chuẩn NTM năm 2015, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng bền vững với đích đến là NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Địa phương cũng xác định xây dựng NTM nâng cao, tiêu chí khó nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Xã đã tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, huyện cộng với nguồn thu từ quy hoạch đất đai ở địa phương và sự đóng góp của nhân dân để hoàn thành các tuyến đường giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ. Nổi bật là phong trào nhân dân hiến đất làm đường. Thực hiện Thông báo kết luận số 220 của Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Phụ về vận động nhân dân tự nguyện hiến đất làm đường, An Thái là địa phương đi đầu của huyện trong phong trào này. Hơn 3 năm qua, xã có gần 700 gia đình hiến hơn 41.000m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp trị giá hơn 40 tỷ đồng, góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. 

Bí thư Chi bộ thôn Hạ Nguyễn Văn Khuyến cho biết: Thôn Hạ là thôn tiên phong của xã thực hiện Thông báo kết luận số 220. Năm 2021, tuyến đường ĐH.76 qua trung tâm xã được đầu tư nâng cấp có tổng chiều dài 1,7km, diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 900m2 đất ở của 74 hộ dân, trong đó riêng thôn Hạ có 45 hộ có diện tích đất cần thu hồi khoảng 300m2. Chỉ sau 3 ngày huyện, xã triển khai phương án giải phóng mặt bằng đã nhận được sự đồng tình và tự nguyện hiến đất của tất cả 45 gia đình có đất ở. 

Từ phong trào hiến đất làm đường đã tạo thuận lợi cho địa phương quy hoạch được khu dân cư. Việc quy hoạch 2 khu dân cư với tổng diện tích gần 4ha giúp địa phương đấu giá quyền sử dụng đất thành công, thu về khoảng 60 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, địa phương đầu tư cải tạo, tu sửa lại 3 trường học, 5 nhà văn hóa thôn; 1 trạm y tế xã; sân thể thao, khu vườn cổ tích tạo sân chơi cho người dân và trẻ em... Quá trình xây dựng NTM nâng cao, địa phương sử dụng nguồn tiền rất căn cơ. Tất cả các công trình không đập đi xây mới, mà tập trung chỉnh trang, tu bổ trên cơ sở có sẵn, vừa tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đáp ứng được công năng sử dụng. Đây chính là yếu tố quan trọng để địa phương hoàn thành các tiêu chí về đích NTM kiểu mẫu trong năm 2023. 

Khu vui chơi giải trí của người dân ở xã An Thái (Quỳnh Phụ). 

Chung sức đồng lòng xây dựng quê hương

Từ An Thái, phong trào hiến đất làm đường giao thông đáp ứng yêu cầu trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu lan rộng ra các địa phương trong huyện. Giờ đây phong trào hiến đất đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng trong quần chúng, cứ làm đường giao thông là nhân dân hiến đất. Không chỉ hiến đất làm các tuyến đường huyện mà ngay cả tuyến đường trục thôn người dân cũng hiến đất để mở rộng đường. Thông báo kết luận số 220 như một “luồng gió mới” làm thay đổi nhận thức của người dân. Ngày 9/4/2024, Thường trực Huyện ủy Quỳnh Phụ tiếp tục ban hành Thông báo kết luận số 618 về việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông trục thôn, đường trục chính nội đồng trên địa bàn với quy mô mặt đường giao thông trục thôn rộng từ 7m trở lên, mặt đường giao thông trục chính nội đồng rộng 5m trở lên. Sau 2 tháng ban hành, đến nay toàn huyện có 20 xã đăng ký hiến đất và tài sản trên đất để mở rộng 75 tuyến đường trục thôn với tổng chiều dài trên 48km. 

Ông Nguyễn Văn Tự, Chủ tịch UBND xã An Hiệp chia sẻ: Trong xây dựng NTM, khó khăn lớn nhất là hạ tầng giao thông, vì liên quan đến giải phóng mặt bằng và kinh phí thực hiện. Nhờ những cách làm sáng tạo, kịp thời của huyện, địa phương tạo được nguồn kinh phí từ quy hoạch khu dân cư, vận động nhân dân hiến đất và tài sản trên đất để làm đường giao thông liên xã, giao thông trục chính nội đồng. Đến nay, tuyến đường huyện ĐH.75 qua xã được mở rộng 7m nhờ sự chung sức của 189/189 hộ đồng thuận hiến trên 15.100m2 , trong đó đất thổ cư gần 1.800m2 với giá trị trên 4,2 tỷ đồng. Địa phương cũng hoàn thành 1,5km đường giao thông nội đồng với bề mặt đường 5m, góp phần quan trọng để về đích NTM nâng cao vào tháng 8/2024.

Không dừng ở việc hiến đất làm đường, để nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện Quỳnh Phụ ban hành nhiều văn bản hỗ trợ các địa phương. 

Ông Đỗ Tiến Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chia sẻ: Với quan điểm “làm đến đâu chắc đến đó”, không để tình trạng nợ tiêu chí sau khi về đích, nhiều văn bản sát, trúng, đúng với tình hình thực tế của các địa phương được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện ban hành. Huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban tích cực phối hợp với các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan. Chẳng hạn, để thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, gắn với tiêu chí điện sáng nông thôn trong xây dựng NTM, cùng với ngân sách hỗ trợ của tỉnh trong chương trình “Thắp sáng đường quê”, HĐND huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã điều chỉnh mức hỗ trợ từ 7,2 triệu đồng/1km lên 10 triệu đồng/1km lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng đường quê cho các địa phương đăng ký. Nhờ đó, đến nay toàn huyện có 24 địa phương lắp đặt 214km đường điện, góp phần thay đổi diện mạo quê hương. 

Với tiêu chí nâng cao chất lượng môi trường, Huyện ủy Quỳnh Phụ ban hành Công văn số 686 ngày 26/10/2023 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, chỉnh trang cảnh quan trên địa bàn huyện. Giao cho các tổ chức đoàn thể của huyện có nhiệm vụ chỉ đạo các tổ chức đoàn thể ở địa phương tập trung xử lý rác thải, vệ sinh đường làng ngõ xóm... vào tuần cuối của tháng. Để môi trường luôn xanh, sạch, đẹp, đáp ứng với các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện hỗ trợ mỗi xã, thị trấn 5 máy cắt cỏ, 30 triệu đồng (tùy vào nguồn kinh phí của từng năm). 

Về Quỳnh Phụ giờ đây đường làng ngõ xóm luôn sạch đẹp, người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường. 

Ông Phạm Văn Vịnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện chia sẻ: Gắn với mỗi chỉ tiêu trong từng tiêu chí trong xây dựng NTM huyện lại có những cách làm riêng đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân nên các phong trào do huyện phát động được các địa phương và người dân hưởng ứng rất cao. Đây là động lực để mỗi địa phương quyết tâm hoàn thành và nâng cao chất lượng từng tiêu chí, qua đó sớm về đích NTM nâng cao tiến tới NTM kiểu mẫu. 

Đường làng, ngõ xóm bừng sáng từ kinh phí hỗ trợ trong chương trình “Thắp sáng đường quê”. 

(còn nữa)

Nguyễn Cường 

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày