Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022) Sức bật trong gian khó
Tạo sức bật đưa kinh tế tăng trưởng
Xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có ý nghĩa rất quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thời gian qua, Thái Bình đã tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư để xây dựng các công trình trọng điểm, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và hạ tầng giao thông nhất là các trục giao thông kết nối các đô thị trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng và tỉnh, thành phố lân cận. Từ nguồn vốn ngân sách, nguồn xã hội hóa và các nguồn huy động khác, giai đoạn 2016 - 2021, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 290.384 tỷ đồng, gấp 2,5 lần giai đoạn 2011 - 2015. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định một trong ba đột phá phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 là tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ; trong đó tập trung hoàn thành đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường liên huyện huyết mạch; xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, bằng những việc làm cụ thể, cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, coi xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của tỉnh trong cả nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Là khu công nghiệp đầu tiên trong Khu kinh tế Thái Bình được triển khai thực hiện tại xã Thụy Liên và thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) do Công ty Cổ phần Green i-Park là nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng, đến nay khu công nghiệp Liên Hà Thái đang trong giai đoạn hoàn thiện hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư.
Ông Bùi Thế Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park cho biết: Dự án có quy mô sử dụng đất gần 589ha với tổng vốn đầu tư 3.885 tỷ đồng. Trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng, Công ty luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nên dự án được triển khai thực hiện rất nhanh chóng. Đến nay Công ty đã thu hút được 4 nhà đầu tư vào khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký 440 triệu USD; đồng thời, tiếp cận được 8 nhà đầu tư Hàn Quốc, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khảo sát với nhu cầu sử dụng đất hơn 34ha trong khu công nghiệp và đang xúc tiến đưa 2 nhà đầu tư lớn của Nhật Bản vào đầu tư.
Công tác thu hút đầu tư cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Đảng bộ tỉnh đề ra qua các kỳ đại hội. Cùng với việc chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, tỉnh còn tập trung chỉ đạo tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhất là cải cách hành chính, tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư. Cùng với đó, tỉnh quan tâm thực hiện công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án lớn, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Khu kinh tế Thái Bình và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành tham mưu điều chỉnh, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, chỉ tính riêng năm 2021 toàn tỉnh đã thu hút được 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 540 triệu USD (cao hơn tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả giai đoạn 2016 - 2020) và một số dự án đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp An Ninh (Tiền Hải) với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, từ đó góp phần đưa Thái Bình vươn lên xếp thứ 17 trong cả nước và thứ 5 khu vực đồng bằng sông Hồng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tăng trưởng ổn định qua các năm
Tạo sức bật bằng những hành động cụ thể, kinh tế của tỉnh ngày càng tăng trưởng và phát triển qua các năm. Xuất phát điểm từ một tỉnh nông nghiệp với nền kinh tế thấp nhưng đến năm 1966 Thái Bình đã trở thành tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất 5 tấn thóc/ha. Thực hiện 5 trọng tâm phát triển kinh tế được đề ra từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tỉnh tập trung quy hoạch và xây dựng được các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa và phát triển kinh tế biển; chính vì thế, nền kinh tế của tỉnh đã thoát khỏi tình trạng trì trệ, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm quốc nội bình quân tăng 7,2%/năm. Giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đặc biệt là tác động của dịch Covid-19 nhưng kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng khá với tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP bình quân ước tăng 9%/năm, vượt 0,4% so với mục tiêu đề ra, cao hơn mức trung bình cả nước và gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước. Đặc biệt, năm 2021 - năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, những diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng nhờ thực hiện thành công mục tiêu kép, GRDP của tỉnh vẫn tăng trưởng khá cao, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố với mức tăng 6,68%. Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá cao, trong đó phải kể đến đó là lĩnh vực công nghiệp với mức tăng 17% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tăng 23,5% so với năm 2020, kim ngạch nhập khẩu tăng 21,3% so với năm 2020, vượt 11,6% so với kế hoạch đề ra, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dẫn đầu cả nước, tổng thu ngân sách nhà nước vượt 50,4% dự toán, tổng thu ngân sách địa phương vượt 49,2% dự toán, trong đó thu nội địa vượt 54,7% dự toán và là năm đầu tiên đạt trên 10.000 tỷ đồng với tổng thu đạt hơn 10.534 tỷ đồng...
Thi công cầu Diêm Điền thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình. Ảnh: Nguyễn Thơi
Về Thái Bình hôm nay mới thấy hết được sự “thay da đổi thịt”, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại. Phát huy những thành tựu đó, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp, phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Minh Hương
Tin cùng chuyên mục
- “Làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc” 19.05.2020 | 09:24 AM
- Bác về - đất nở hoa 12.05.2020 | 10:30 AM
- Phát huy dân chủ- Động lực phát triển 04.05.2020 | 10:43 AM
- “Ý Đảng - lòng dân” trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước 29.04.2020 | 09:06 AM
- Người dẫn đường cho xe tăng tiến vào dinh Độc Lập 28.04.2020 | 08:22 AM
- Vì miền Nam ruột thịt 27.04.2020 | 13:49 PM
- Hậu phương vững chắc góp phần đánh thắng giặc Mỹ 27.04.2020 | 09:50 AM
- Hưng Hà: Vững bước dưới cờ Đảng (Kỳ 3) 27.04.2020 | 09:48 AM
- Hưng Hà - Vững bước dưới cờ Đảng (Kỳ 2) 27.04.2020 | 09:48 AM
- Hưng Hà: Vững bước dưới cờ Đảng (Kỳ 1) 27.04.2020 | 09:46 AM
Xem tin theo ngày
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng
- Gắn thực hiện nhiệm vụ của ngành kiểm sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- Đảng ủy Quân khu 3: Ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ năm 2025
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Thái Bình
- Gặp mặt đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình các khóa
- Năm mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, động viên công tác khóa sổ ngân sách năm 2024