Thứ 7, 22/06/2024, 03:02[GMT+7]

Vị thuốc quý từ cây hà thu ô

Thứ 2, 10/06/2024 | 08:25:43
1,090 lượt xem
“Muốn cho xanh tóc, hồng da, Rủ nhau lên núi tìm hà thủ ô” Đó là hai câu thơ nói lên tác dụng của vị thuốc quý hà thủ ô.

Hà thủ ô khô. Ảnh khai thác

I. TRUYỀN THUYẾT VỀ HÀ THỦ Ô 

Trong sách y văn xưa, cuốn “Bản thảo cương mục” của Trung Quốc đã ghi: Xưa tại vùng núi cao có một người tên là Điền Nhi, khi sinh ra rất èo ặt, yếu ớt, sống đến 58 tuổi mà không có con. Một hôm, Điền Nhi uống rượu say nằm ở sườn núi, khi tỉnh dậy anh mở mắt quan sát thấy hai gốc dây leo cách xa nhau tới 3 thước mà cành lá ngả gần quấn lấy nhau, lâu lâu chúng rời nhau ra, rồi lại quấn lấy nhau xoắn xuýt.

Điền Nhi lấy làm lạ bèn đào lấy củ đem về để hỏi mọi người. Có một cụ già đi qua liền bảo: Đây hẳn là duyên trời rồi, anh đã yếu ớt không có con, mà thứ cây này lại có sự lạ như vậy, có lẽ đó là một vị thuốc thần tiên nên đem sắc mà uống.

Điền Nhi nghe theo bèn đem củ của cây tán bột hòa với rượu uống. Uống 7 ngày thì thấy nảy ra ham muốn tình dục, uống luôn vài tháng thấy khỏe mạnh như người bình thường. Điền Nhi tiếp tục lên núi đào củ thuốc này về uống 1 năm, các bệnh tật đều khỏi, tóc đương trắng hóa đen, vẻ mặt trẻ lại, trong khoảng 10 năm sinh được vài con trai. Từ đó, Điền Nhi bèn đổi tên là Năng Tự. 

Năng Tự cùng con là Điền Tú kiên trì uống thuốc này mà thọ tới tận 160 tuổi. Điền Tú sinh ra Hà Thủ Ô, Thủ Ô cũng uống củ thuốc đó mà sinh được vài con trai, thọ tới 130 tuổi tóc vẫn còn đen.

Sau có người tên là Lý An Kỳ, bạn thân với Hà Thủ Ô lấy được bài thuốc đó đem về uống cũng sống rất lâu và thuật lại chuyện trên và sau được ghi lại trong y văn. 

Câu chuyện trên đây cũng được thuật lại trong cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố Giáo sư Đỗ Tất Lợi, với mục đích ghi lại chút ít lịch sử để hiểu về tác dụng và cách dùng vị thuốc hà thủ ô của người xưa. 

(Cây thuốc này ban đầu gọi là cây Giao đằng. Giao có nghĩa là xoắn bện vào nhau, đằng có nghĩa là dây leo. Sau được ông Hà Thủ Ô tin dùng lâu dài nên đổi tên thành cây hà thủ ô). 

Tuy câu chuyện mang màu sắc huyền thoại nhưng đã cho thấy người xưa đánh giá rất cao tác dụng của vị thuốc hà thủ ô trong chữa bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh. 

II. HÀ THỦ Ô CHỮA BỆNH GÌ? 

Hà thủ ô có tác dụng chữa khá nhiều bệnh, ở đây xin nêu 5 tác dụng chính đó là:  

1) Bồi bổ can thận 

Nước sắc hà thủ ô có tác dụng tốt cho can thận.

Vị thuốc này thường được sử dụng cho bệnh nhân thận âm hư, đau nhức gân cốt, mỡ máu tăng cao, tiểu đường... Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, công dụng này của hà thủ ô nổi trội hơn so với các loại thảo dược khác. 

Cũng vì thế mà những người có nồng độ cholesterol cao nên sử dụng hà thủ ô để ổn định mỡ máu. 

2) Giúp tóc mọc do rụng tóc, tóc đen từ chân tóc do bạc tóc  

Phần lớn người dùng tìm đến hà thủ ô đều là để điều trị vấn đề về mọc tóc hay tóc bạc sớm. Đặc biệt, đối với loại hà thủ ô đỏ này thì công dụng bổ huyết gây tác động lớn đến vùng da đầu.

Hà thủ ô sẽ ngăn ngừa tình trạng rụng tóc bạc tóc. Đồng thời, sau một thời gian sử dụng bạn có thể cảm nhận được tóc đen hơn và chắc khỏe hơn.

3) Làm chậm và giảm đáng kể quá trình oxy hóa, đồng thời ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư.  

4) Giải quyết các vấn đề khó tiêu 

Khó tiêu là bệnh thường gặp khi hệ tiêu hóa không thể hoạt động hết công suất, hoặc do chế độ sinh hoạt không hợp lý. Trong hà thủ ô có chứa thành phần mang tên Anthranoid, giúp tăng mức độ nhu động của ruột. Nhờ đó mà khả năng thức ăn được chuyển hóa từ dạ dày đến ruột nhanh hơn. 

Với chức năng này, bạn có thể dùng hà thủ ô để trị cho các bệnh như kém tiêu hóa và táo bón. Tuy nhiên, khi sử dụng vẫn cần có sự theo dõi và chỉ dẫn của bác sĩ để bảo đảm hiệu quả an toàn cao nhất. 

5) Tốt cho hệ thần kinh

Trong thí nghiệm đã phát hiện chất lexitin trong hà thủ ô có tác dụng làm tăng quá trình tái tạo hồng cầu cho cơ thể. Do vậy, phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt bất thường hay khí hư có thể sử dụng để điều hòa. Ngoài ra, các bệnh gầy gò, xanh xao hoặc thiếu máu cũng có thể sử dụng vị thuốc này để điều trị.

(còn nữa)

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc