Thứ 7, 27/04/2024, 02:24[GMT+7]

Tuổi trẻ xã Quỳnh Giao: Thi đua làm kinh tế giỏi

Thứ 5, 11/08/2022 | 06:31:03
17,042 lượt xem
Sau 8 năm làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Viết Khởi, sinh năm 1986 quyết định về quê mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ với sản phẩm đèn thờ là chủ đạo. Thời gian đầu anh phải làm đủ thứ nghề để có thêm vốn.

Xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của anh Nguyễn Viết Khởi.

Đến năm 2013, anh mạnh dạn vay thêm 200 triệu đồng xây dựng xưởng và mua thiết bị cùng 8 người thợ bắt tay vào làm. Chia sẻ về khoảng thời gian đầu đầy khó khăn, anh Khởi cho biết: Vì địa phương không có làng nghề truyền thống nên việc tuyển công nhân cũng không dễ dàng. Khi đã có đầy đủ trong tay vật tư, con người thì các sản phẩm lại liên tục bị trả về vì không hợp thị hiếu khách hàng. Hơn 1 năm tôi làm không có lãi, mọi nguồn thu chỉ đủ để trang trải, duy trì xưởng. Sau đó, tôi tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh công nghệ từ chính những người thợ mà mình đã truyền nghề.

Khó khăn liên tục ập tới nhưng anh Khởi quyết không từ bỏ. Anh tiếp tục đầu tư trang thiết bị, mở rộng xưởng lên 500m2, thuê thêm nhân công và mọi thứ dần ổn định. Mỗi năm xưởng của anh xuất ra thị trường từ 18.000 - 20.000 sản phẩm, thu lãi 400 - 500 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 20 lao động với thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng. 

Anh Nguyễn Đắc Thành ở xã Quỳnh Hoàng chia sẻ: Kể từ khi làm việc tại xưởng của anh Khởi, tôi và nhiều anh em trong xã đã có công việc ổn định, không phải đi làm ăn xa. Với thu nhập 7 - 8 triệu đồng/tháng tôi có thể trang trải cuộc sống, ổn định kinh tế gia đình.

Chính nhiệt huyết và khát vọng làm giàu của anh Khởi đã tiếp thêm động lực cho nhiều thanh niên khác trong xã noi gương trên con đường khởi nghiệp. Trong đó, điển hình là anh Phạm Xuân Hưởng, sinh năm 1981 với mô hình “Chăn nuôi bò 3B thương phẩm”. Ý tưởng về mô hình này được anh Hưởng ấp ủ từ khi còn là Bí thư Đoàn Thanh niên xã. Sau khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân xã, được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều trang trại nuôi bò, anh Hưởng đã áp dụng để xây dựng mô hình cho riêng mình. 

Tháng 1/2022, với số vốn khoảng 800 triệu đồng anh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua trang thiết bị, tìm nguồn giống và nguồn cung cấp thức ăn để tiến hành nuôi bò 3B. Với diện tích chuồng trại rộng 200manh mua về 20 con bò để nuôi. Để tự chủ về nguồn thức ăn cho bò, anh Hưởng thuê, mượn từ các hộ gia đình khác khoảng 1ha đất ruộng để trồng cỏ, ngô. Thức ăn của bò 3B chủ yếu là cỏ, ngô được ủ lên men vi sinh hoặc cỏ xanh, ngô xanh thu mua từ người dân tại địa phương cùng với cám gạo, bã bia và bã đậu tương.

Theo anh Hưởng: Tôi chọn nuôi giống bò 3B bởi nhu cầu về thịt bò thị trường nội địa rất lớn, trong khi nguồn cung trong nước chưa đáp ứng được. Giống bò này có sức đề kháng tốt, rất ít khi bị bệnh. Đặc biệt, bò 3B có trọng lượng lớn, thịt thơm ngon, lượng thịt nhiều và được coi là “cỗ máy sản xuất thịt” mang lại giá trị kinh tế cao. Dự kiến cuối năm 2022, trại bò của tôi sẽ xuất bán lần 1. Theo dự tính, mỗi cá thể bò trong trại có thể mang lại lợi nhuận từ 800.000 - 1.000.000 đồng/tháng. Sau đó, tôi sẽ tiếp tục đầu tư để tăng số lượng bò lên 40 - 50 con. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ kết hợp nuôi bò nái để tự cung cấp nguồn giống và tạo việc làm cho nhiều người dân trong xã.

Chị Nguyễn Thị Kiều Ngân, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Quỳnh Giao cho biết: Đây là 2 trong nhiều mô hình của thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu của xã Quỳnh Giao, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. 2 ông chủ trẻ này còn tích cực ủng hộ kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi của xã. Trong những năm gần đây, Đoàn Thanh niên xã Quỳnh Giao rất quan tâm, chú trọng thực hiện chương trình “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hỗ trợ đoàn viên, thanh niên tận dụng lợi thế về đất đai phát triển nông nghiệp hàng hóa, đầu tư vốn phát triển thương mại dịch vụ, làm nghề tiểu thủ công nghiệp để nâng cao thu nhập.

Toàn xã hiện có một số đoàn viên, thanh niên xây dựng mô hình phát triển kinh tế giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động với thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Ban Chấp hành Đoàn xã đã nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 36 hộ gia đình có đoàn viên, thanh niên vay vốn với tổng số dư nợ hơn 1,4 tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế. Thời gian tới, Đoàn Thanh niên xã sẽ tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, khuyến khích thanh niên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khởi nghiệp, lập nghiệp.


Nguyễn Triệu


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày