Thứ 6, 29/03/2024, 22:30[GMT+7]

Chuyển biến tích cực từ phong trào thi đua thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp

Thứ 6, 16/12/2022 | 08:22:25
11,432 lượt xem
Ngày 14/6/2022, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua “Tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình”. Sau 6 tháng thực hiện, các sở, ngành, địa phương đã vào cuộc tích cực, nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải phóng mặt bằng…, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cụm công nghiệp Đông Hải (Quỳnh Phụ).

Triển khai đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2021, đến nay cụm công nghiệp An Ninh (Tiền Hải) đã hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật: hệ thống điện, đường nội bộ, trạm xử lý nước thải công suất 750m3/ngày đêm và thu hút được 6 nhà đầu tư thứ cấp với tổng số vốn đăng ký 6.200 tỷ đồng; trong đó, 2 nhà đầu tư đã hoàn thiện nhà xưởng, khẩn trương lắp đặt máy móc, dự kiến sẽ đi vào vận hành từ quý I/2023. 

Ông Nguyễn Thiên Huy, Giám đốc Công ty Cổ phần Sợi Eiffel cho biết: Quá trình đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía tỉnh, ngành chức năng và huyện Tiền Hải nên các thủ tục đầu tư được thực hiện nhanh chóng. Từ khi tỉnh phát động phong trào thi đua thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp đã góp phần giới thiệu, thu hút nhiều nhà đầu tư đến với chúng tôi tìm cơ hội hợp tác. Đến nay, phần diện tích giai đoạn 1 của cụm công nghiệp lấp đầy được 90%, hiện chúng tôi tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 với diện tích 25ha nâng tổng diện tích của cụm công nghiệp lên 75ha. Quá trình thu hút nhà đầu tư thứ cấp, chúng tôi ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, mặt hàng sản xuất có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Khi đi vào vận hành, các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp sẽ ưu tiên tuyển dụng lao động tại địa phương và khu vực lân cận, dự kiến trước mắt sẽ tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động.

Với diện tích 43ha (giai đoạn 1), hiện nay cụm công nghiệp Đô Lương (Đông Hưng) có 6 nhà đầu tư thứ cấp sản xuất kinh doanh, đạt tỷ lệ lấp đầy 76%, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ lấp đầy 100% diện tích. Những năm qua, cụm công nghiệp Đô Lương không ngừng được hoàn thiện các hạng mục phụ trợ, xây dựng hồ cảnh quan, trồng thêm 5.000 cây xanh... tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, môi trường đầu tư thông thoáng thu hút nhà đầu tư thứ cấp. 

Ông Ninh Xuân Thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Đô Lương cho biết: Khi triển khai dự án cụm công nghiệp Đô Lương, chúng tôi nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của UBND tỉnh, các ngành chức năng, nhất là nhân dân địa phương về mặt bằng, thủ tục đầu tư nên thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng hạ tầng, bảo đảm tiến độ đề ra. Thời gian qua, do tác động của dịch bệnh, việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi chủ động đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... tìm kiếm đối tác và kết quả năm 2022 thu hút thêm 3 nhà đầu tư thứ cấp mới và đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Cùng với đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, Công ty Cổ phần Đô Lương đã duy trì ổn định 3 xưởng sản xuất áo sơ mi, vecton và jacket xuất khẩu đi các nước: Mỹ, Nhật Bản, EU tạo việc làm cho trên 1.000 lao động với mức lương 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Mới đây nhất chúng tôi đã hợp tác với hãng thời trang nổi tiếng thế giới Hugu Boss sản xuất các mặt hàng cao cấp. Năm 2022, doanh thu của doanh nghiệp ước thực hiện 187 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.

Cụm công nghiệp Đô Lương (Đông Hưng) hiện có 6 nhà đầu tư thứ cấp.
Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần Đô Lương.

Theo ông Kim Kye Soo, Giám đốc Công ty TNHH Innoflow Vina  (cụm công nghiệp Đô Lương): Chúng tôi chọn Thái Bình là địa điểm đầu tư vì nơi đây có môi trường đầu tư thông thoáng. Doanh nghiệp hiện đang sản xuất thú nhồi bông, xuất sang các nước Mỹ, Canada... Thời gian qua, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Công ty đã chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất tự động hóa, hệ thống thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng, duy trì việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động. Hiện nay, chúng tôi đã ký được các đơn hàng ổn định đến giữa năm 2023 nên Công ty tiếp tục đăng ký 2,6ha đất trong cụm công nghiệp để mở rộng sản xuất nâng tổng diện tích cả nhà máy lên 4,6ha.

Cụ thể hóa phong trào thi đua thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, thời gian qua Thái Bình đã tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ý, Na Uy, Thụy Điển, Đài Loan... để kêu gọi các dự án FDI vào đầu tư tại tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể kêu gọi xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào các cụm công nghiệp. Chủ động phối hợp với các ngành liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2023 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 trên địa bàn tỉnh để có quỹ đất phát triển cụm công nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng sớm bàn giao đất cho nhà đầu tư hạ tầng triển khai thực hiện dự án. Cùng với đó, đôn đốc nhà đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, nhất là hệ thống xử lý nước thải, chất thải tập trung để kêu gọi thu hút đầu tư và sớm đưa dự án vào hoạt động.

Kết quả đến nay, tình hình thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Toàn tỉnh hiện có 46 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 2.353,6ha, 44 cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 1.869ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp là 1.280ha, diện tích đất đã thu hồi 667,4ha; diện tích đất đã cho thuê 498,9ha, đạt tỷ lệ 39% diện tích đất công nghiệp và đạt 74,8% diện tích đất thu hồi. Các cụm công nghiệp đã thu hút được 462 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 29.112 tỷ đồng, số lao động đăng ký sử dụng là 76.308 người; vốn đầu tư thực hiện 20.702 tỷ đồng (đạt 71,11% vốn đăng ký), sử dụng 55.000 lao động. Trong điều kiện khó khăn do tác động của dịch bệnh, bất ổn của tình hình thế giới, giá nguyên, nhiên liệu tăng cao song các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp vẫn nỗ lực duy trì sản xuất bảo đảm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần quan trọng đóng góp tích cực vào kết quả thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, tổng số vốn đầu tư đăng ký vào Thái Bình đạt khoảng 31.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2021. Toàn tỉnh thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.062 doanh nghiệp với vốn đăng ký 9.716,3 tỷ đồng (tăng 37% về số lượng và tăng 27,8% về vốn đăng ký) và 413 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, tăng 33,2%.

Mạnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày