Thứ 2, 25/11/2024, 10:11[GMT+7]

Vượt khó thi đua sản xuất, kinh doanh

Thứ 6, 06/10/2023 | 09:08:37
6,033 lượt xem
Từ đầu năm 2023 đến nay, cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của xung đột chính trị trên thế giới, giá các loại nguyên, nhiên, vật liệu và chi phí sản xuất đều tăng, trong khi thị trường tiêu thụ chưa phục hồi. Thực tế đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động, linh hoạt xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh cụ thể, phát động nhiều phong trào thi đua, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, giữ ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Trong khó khăn, Công ty TNHH Bao bì Hương Sen (cụm công nghiệp Tam Quang, huyện Vũ Thư) vẫn duy trì sản xuất ổn định.

Mặc dù thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng và chịu sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường song Công ty TNHH Bao bì Hương Sen (cụm công nghiệp Tam Quang, huyện Vũ Thư) vẫn duy trì ổn định sản xuất 2 nhà máy, cung cấp các loại bao bì PP và bao bì carton cho nhiều đối tác, thương hiệu nổi tiếng. 

Bà Trần Thị Hoài, Tổng giám đốc Công ty cho biết: Để duy trì ổn định sản xuất, Công ty giữ vững phương châm kinh doanh “Bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, giao hàng đúng hẹn, dịch vụ bán hàng và chăm sóc khách hàng tốt nhất”. Cùng với đó, Công ty phát động phong trào thi đua trong toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nhiên, nguyên vật liệu đầu vào, không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; động viên, khen thưởng kịp thời các đơn vị, người lao động có sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp. Tất cả các quy trình sản xuất và quản lý đều tuân thủ và theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008. Các bộ phận kỹ thuật, bán hàng chủ động nghiên cứu thị trường, không ngừng cải tiến mẫu mã đáp ứng đa dạng nhu cầu của đối tác. Nhờ vậy, doanh nghiệp giữ chân được khách hàng cũ, mở rộng được nhiều khách hàng mới. Bình quân mỗi tháng, Công ty sản xuất và tiêu thụ 3 triệu chiếc bao bì PP và 2,6 triệu m2 bao bì caton, trong đó trên 70% xuất khẩu. Doanh thu năm 2022 đạt 360 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 đạt 400 tỷ đồng. Hiện Công ty tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động với mức lương bình quân 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. 

Chị Hoàng Thị Tuyết Nhung (xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình) chia sẻ: Tôi vào làm việc tại Công ty TNHH Bao bì Hương Sen 18 năm thấy môi trường làm việc ở đây rất tốt, công nhân được bảo đảm đầy đủ các chế độ tiền lương, tiền thưởng. Những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, con công nhân nghèo vượt khó cũng được Công đoàn và các tổ chức đoàn thể động viên, khen thưởng kịp thời. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát hay khó khăn hiện nay song công nhân vẫn đi làm đều, thu nhập ổn định. Tôi mong muốn doanh nghiệp tiếp tục phát triển, duy trì việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

100% sản phẩm sản xuất ra xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á nên trước tác động tiêu cực của thị trường thế giới, Công ty TNHH Sản xuất xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tiến Thành (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình) cũng gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. 

Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: Để có đơn hàng, doanh nghiệp đã linh hoạt hơn từ khâu nghiên cứu đưa ra thị trường nhiều loại sản phẩm với mẫu mã đa dạng, phù hợp với xu hướng mới của người tiêu dùng; chủ động trong xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm và tìm đối tác liên kết uy tín để sản xuất sản phẩm, tiết kiệm chi phí ở tất cả các khâu sản xuất. Cùng với đó, chúng tôi chủ động gặp gỡ từng khách hàng đàm phán, chấp nhận giảm lợi nhuận của Công ty để ký được hợp đồng mới, duy trì sản xuất ổn định cho các làng nghề ở Thái Bình cũng như một số tỉnh, thành phố lân cận. Dù lợi nhuận có giảm song thành công lớn nhất của Tiến Thành đến thời điểm này là trong khó khăn vẫn duy trì sản xuất ổn định, biến nguyên liệu sẵn có: bèo tây, bẹ ngô, bẹ chuối, đay, cói, mây... thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, thân thiện với môi trường, được khách hàng quốc tế rất ưa chuộng, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 3.000 lao động ở nông thôn lúc nông nhàn. Bình quân mỗi tháng, Công ty xuất khẩu 60 - 70 công hàng, doanh thu năm 2023 dự kiến sẽ tăng 30% so với năm 2022.

Sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tiến Thành (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình).

Càng trong khó khăn, mỗi doanh nghiệp càng chủ động tìm hướng đi riêng để thích ứng và phát triển. Thi đua sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong lao động, đến hết tháng 8/2023 nhà máy đóng tàu Đại Dương thuộc Công ty Cổ phần Đại Dương (huyện Thái Thụy) đã hoàn thành chỉ tiêu tăng 10% thu nhập cho người lao động. 

Đạt được kết quả này, theo Giám đốc nhà máy Đỗ Quang Dương: Ngay từ đầu năm, Công đoàn đã phát động, tổ chức ký giao ước thi đua đến từng bộ phận, phân xưởng sản xuất; hàng tháng, hàng quý tiến hành bình xét công khai và khen thưởng kịp thời cho các đơn vị, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Quá trình sản xuất, nhà máy đặc biệt coi trọng công tác phòng, chống cháy, nổ, bảo đảm vệ sinh an toàn lao động, trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật, bảo hộ lao động; thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân, đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sửa chữa, đóng mới các loại tàu nên được khách hàng rất tin tưởng. Hiện nay nhà máy đã đóng được tàu vận tải công suất 9.000 tấn, tàu 40 phòng chở 400 khách, từ đầu năm đến nay sửa chữa được 60 tàu và đóng mới 5 tàu. Năm 2023, doanh thu của nhà máy dự kiến đạt 80 tỷ đồng, tạo việc làm cho 150 lao động với mức lương bình quân 12 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh khẳng định: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã phát động cộng đồng doanh nghiệp thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thông qua đó nhiều giải pháp về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được triển khai tích cực. Trong khó khăn, tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc ban hành chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp. Cùng với đó, triển khai các đề án khởi nghiệp, thí điểm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị thu hút đầu tư. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, các huyện, thành phố tăng cường tiếp xúc, đối thoại với chủ doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đồng thời, tổ chức gặp mặt, biểu dương, tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân xuất sắc, tiêu biểu. Trong điều kiện khó khăn, bản thân từng doanh nghiệp cũng chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, qua đó không chỉ nâng cao năng suất lao động mà còn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình cũng chú trọng xây dựng và nâng tầm thương hiệu, giá trị sản phẩm, liên kết trong sản xuất hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đồng thời cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng; thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, chính sách tín dụng, bảo hiểm, quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường, góp sức vì cộng đồng, thực hiện chính sách an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Những nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh 9 tháng đầu năm 2023 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhà máy Đóng tàu Đại Dương đã đóng được tàu vận tải công suất 9.000 tấn, tàu 40 phòng chở 400 khách. 

Mạnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày