Thứ 3, 07/05/2024, 01:46[GMT+7]

Thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ năm học

Thứ 2, 30/10/2023 | 17:23:53
4,319 lượt xem
Gần 2 tháng sau khai giảng năm học mới, các cơ sở giáo dục trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thi đua dạy tốt, học tốt, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện chương trình GDPT 2018; xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, hạnh phúc... Qua đó thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm học.

Học sinh Trường Tiểu học Thụy Quỳnh (Thái Thụy) áp dụng những kiến thức STEM vào hoạt động gấp quần áo.

Năm học 2023-2024 là năm học đầu tiên Trường Tiểu học Thụy Quỳnh (Thái Thụy) thực hiện đưa giáo dục STEM vào chương trình dạy học, vì thế khi triển khai nhiều giáo viên còn bỡ ngỡ và gặp khó khăn. Để tháo gỡ và giúp giáo viên tự tin hơn, nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo đội ngũ giáo viên tự đổi mới mình để sáng tạo trong từng tiết dạy. 

Bà Nguyễn Kim Nho, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ đầu năm học, các tổ chuyên môn đã nghiên cứu xây dựng kế hoạch thực hiện giáo dục STEM. Theo đó, mỗi khối lớp đã xây dựng được 4 chủ đề giáo dục STEM trong năm học này. 

Gần đây nhất, nhà trường đã tổ chức thành công chuyên đề bài học STEM lớp 1 về dụng cụ gấp quần áo do cô giáo Phạm Thị Chiên và các em học sinh lớp 1B thực hiện. Tiết học đã thu hút học sinh hứng thú tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn như: cách ghép các hình vuông, hình tròn và hình chữ nhật để tạo thành con cá, đoàn tàu, bông hoa hay dụng cụ gấp quần áo; cách gắn các mảnh ghép với nhau sao cho đều đẹp và có thể dễ dàng gấp mở; cách sử dụng dụng cụ để gấp quần áo cho đều đẹp. 

Cô giáo Phạm Thị Chiên chia sẻ: Trong tiết học, tôi sử dụng phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Các em giải quyết vấn đề một cách sáng tạo thông qua việc trao đổi, hợp tác thảo luận nhóm, trình bày kết quả thu được sau mỗi hoạt động học tập và giải thích kết quả, bày tỏ ý kiến cá nhân, tập thể khi lựa chọn giải pháp làm dụng cụ gấp quần áo hay đồ chơi. Thông qua tiết học giúp các em hình thành và phát triển các năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; phát triển năng lực đặc thù toán học, công nghệ, mỹ thuật. Sản phẩm của các em cuối tiết học STEM này sẽ là các đồ dùng học tập, đồ chơi, vật dụng ứng dụng phục vụ cuộc sống gia đình.

Tiết học của cô trò Trường Tiểu học Nguyên Xá (Vũ Thư).

Tại Trường Tiểu học Nguyên Xá (Vũ Thư), phong trào thi đua sáng tạo trong dạy và học được thầy trò nhà trường hưởng ứng sôi nổi. Các tiết học được ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Hoạt động của thầy trò diễn ra nhẹ nhàng và đạt hiệu quả cao; học sinh tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập và giao tiếp tự nhiên trước lớp. 

Bà Phạm Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyên Xá chia sẻ: Năm học 2023-2024, nhà trường tiếp tục phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018. Đây cũng là năm học được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định trọng tâm yêu cầu đổi mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất với chủ đề của năm học là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Bám sát nhiệm vụ năm học, các thầy, cô giáo trong trường đã có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế để thực hiện có hiệu quả, thực chất nhiệm vụ năm học. Cùng với việc tổ chức tốt các tiết dạy, nhà trường cũng chú trọng đến các hoạt động ngoại khóa, giáo dục trải nghiệm cho học sinh toàn trường. Qua đó, giúp các em phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.

Ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc nhóm là những phương pháp cơ bản trong tiết học của Trường Tiểu học Nguyên Xá (Vũ Thư).

Ông Vũ Minh Quyết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Thư cho biết: Ngành giáo dục huyện luôn quan tâm đến số lượng, chất lượng đội ngũ để bảo đảm tỷ lệ giáo viên, nhân viên cho các cấp học, bậc học. Cùng với đó, thực hiện việc điều động, luân chuyển bảo đảm đủ giáo viên đối với các trường xa trung tâm huyện. Quan tâm tới chất lượng bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên qua các modun chương trình GDPT mới. Đổi mới cách quản lý, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các nhà trường. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích công tác khuyến học, khuyến tài để động viên, khích lệ kịp thời những nỗ lực của cán bộ, giáo viên và học sinh trong các cơ sở giáo dục. Riêng đối với cấp học mầm non, các cơ sở giáo dục sẽ tập trung nâng cao chất lượng bếp ăn cho trẻ gắn với xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm. Đối với giáo dục phổ thông là đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn, chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; đẩy mạnh phong trào và nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; tăng cường giáo dục STEM, đặc biệt ở cấp tiểu học. Ngoài ra, ngành giáo dục huyện sẽ chú trọng hơn nữa đến công tác giáo dục kỹ năng cho học sinh; đưa phong trào “xây dựng trường học xanh sạch - đẹp - an toàn - hạnh phúc” ở các cơ sở giáo dục đi vào chiều sâu.  

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm học 2023-2024, ngành giáo dục xây dựng các chương trình hành động về phát triển giáo dục, đào tạo của tỉnh nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, kỷ cương; tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học; xây dựng văn hóa học đường, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm học. Hiện nay, 744 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện tốt kế hoạch năm học theo khung chương trình, thi đua hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ năm học 2023-2024 đã đề ra. 

                                                   Đặng Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày