Thứ 6, 22/11/2024, 05:10[GMT+7]

Cựu chiến binh thi đua phát triển kinh tế

Thứ 6, 21/06/2024 | 08:33:01
8,459 lượt xem
Hưởng ứng phong trào “Cựu chiến binh thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhiều cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh mạnh dạn trong suy nghĩ, sáng tạo trong cách làm, tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi của các cấp hội vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương.

Mô hình của cựu chiến binh Đỗ Cao Tuyển (người thứ hai từ trái sang) thu về bình quân 3 - 4 tỷ đồng/năm.

“Lính cựu nhưng không cũ” 

Phát huy tinh thần “lính cựu nhưng không cũ”, không cam chịu đói nghèo, cựu chiến binh (CCB) Vũ Bá Cảnh, xã Quang Bình (Kiến Xương) đã tiên phong tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn. Năm 2024 là năm thứ năm liên tiếp ông sản xuất trên vùng đất tập trung với quy mô hơn 40 mẫu ruộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

CCB Vũ Bá Cảnh chia sẻ: Thời gian đầu, tôi làm ruộng còn manh mún, chưa dồn đổi thửa, chuột phá hoại nhiều nên năng suất không cao. Tôi đã đề xuất với UBND xã cùng nhiều hộ dân có ruộng không cấy cho dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng cấy lúa TBR225 tập trung với phương châm cấy cùng trà, cùng giống. Gia đình đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để mua máy cấy, máy gặt, máy bơm nước để chủ động tưới, tiêu, hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để diệt chuột và phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh. Chính nhờ các biện pháp đồng bộ nên năng suất lúa trên diện tích tôi cấy tăng bình quân từ 2 - 2,5 tạ/sào, mỗi năm xuất bán hơn 100 tấn lúa tươi, sau khi trừ chi phí tôi thu về hơn 400 triệu đồng/năm. Tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp có cơ chế hỗ trợ những hộ dân tích tụ ruộng đất như tôi được vay nhiều vốn, học tập kỹ thuật canh tác mới để sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình. 

Giống như ông Cảnh, CCB Đỗ Cao Tuyển, xã Đông La là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế của huyện Đông Hưng. Hiện ông đang làm chủ cơ sở sản xuất bao bì, mở xưởng sản xuất đồ gỗ, đồng thời là Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân Đông La. Với hướng đi của mình, ông Tuyển tạo việc làm cho 50 lao động trên địa bàn huyện, thu về bình quân 3 - 4 tỷ đồng/năm. Ông cho biết: Bản thân tôi ngày trước từng tham gia chiến đấu ở các chiến trường khi về với cuộc sống đời thường dù gặp bất kỳ khó khăn vẫn luôn kiên trì và quyết tâm thực hiện đến cùng. Các sản phẩm bao bì, đồ gỗ của gia đình bảo đảm chất lượng nên giữ được uy tín và lượng khách hàng lâu năm nên phát triển sản xuất bền vững hơn. 

Tại thành phố Thái Bình, mô hình phát triển kinh tế của CCB Lại Đức Thịnh, thôn Trấn Tây, xã Vũ Chính hiện tạo việc làm cho 20 lao động thời vụ là người địa phương với thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. 

CCB Lại Đức Thịnh cho biết: Gia đình vốn đã làm sản phẩm mây tre đan từ lâu nên khi xuất ngũ về địa phương tôi cũng cố gắng duy trì và phát triển nghề truyền thống. Từ ngày tôi đầu tư máy móc vào sản xuất làn nhựa, đồ thủ công mỹ nghệ đã giúp thu nhập tăng lên đáng kể, sau khi trừ chi phí thu về từ 200 - 250 triệu đồng/năm. Mô hình không chỉ giúp gia đình phát triển kinh tế mà còn giúp người dân, người khuyết tật trên địa bàn xã có việc làm ổn định. 

Lan tỏa tới hội viên 

Ông Trần Viết Doanh, Chủ tịch Hội CCB tỉnh chia sẻ: Hội CCB các cấp đã phát động sâu rộng phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Trong đó ưu tiên hỗ trợ cho vay vốn đối với gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, chịu khó làm ăn để giúp họ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Từ đầu năm đến nay, Hội CCB tỉnh phối hợp tổ chức tập huấn 13 lớp thu hút 1.557 lượt hội viên CCB; các cấp hội tổ chức 61 lớp hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động. 

Đến thời điểm này, hội CCB các cấp quản lý 422 tổ tiết kiệm và vay vốn cho 13.588 hộ vay với dư nợ hơn 610 tỷ đồng, tăng 15 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Có vốn, có kiến thức, nhiều hội viên CCB đã tham gia xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, trồng cây màu, cây vụ đông, nuôi con đặc sản, làm chủ các công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Tính đến tháng 4/2024, toàn tỉnh có 36 hội viên CCB tham gia tích tụ ruộng đất cấy lúa, trồng cây dược liệu với tổng diện tích hơn 180ha; hơn 2.300 hộ gia đình CCB chăn nuôi trâu, bò theo mô hình chuỗi liên kết với trên 5.800 con, nhiều hội viên phát triển kinh tế thành công với mô hình nuôi con đặc sản như: ba ba, nhím, gà Đông Tảo... Hội viên CCB cũng làm chủ hơn 1.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trang trại, gia trại, tạo việc làm cho gần 20.000 lao động. Nhờ vậy, đời sống của hội viên CCB không ngừng được cải thiện và nâng lên. Tỷ lệ hội viên nghèo giảm bình quân 0,2%/năm. Hết năm 2023 có 93 xã, phường, thị trấn không còn gia đình hội viên CCB nghèo. 

Thời gian tới, Hội CCB tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp hội phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cấp ủy, chính quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ CCB là chủ doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư mở rộng nhà xưởng, đổi mới dây chuyền công nghệ, tích tụ đất đai, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và thị trường tiêu thụ để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, tổ chức hội sẽ lồng gắn phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” với phong trào thi đua “CCB gương mẫu” và phong trào thi đua “Dân vận khéo” để phong trào lan tỏa không chỉ trong tổ chức hội mà là điểm sáng trong cộng đồng dân cư.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Phưởng (thứ ba từ phải sang) sản xuất mặt hàng giầy dép xuất khẩu đem lại thu nhập kinh tế cao.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày