Thứ 4, 15/01/2025, 11:30[GMT+7]

Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ 6, 19/07/2024 | 08:31:15
6,031 lượt xem
“Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” là một trong những phong trào thi đua được các cấp hội nông dân Thái Bình triển khai thực hiện sâu rộng trong những năm qua, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu trong hội viên nông dân toàn tỉnh.

Mô hình trồng dưa trong nhà màng của anh Nguyễn Thái, xã Bình Định (Kiến Xương).

Tại xã Tân Học (Thái Thụy), trước đây diện tích đất 5% và một số diện tích ruộng của người dân bị bỏ hoang do khó canh tác nhưng nông dân Vũ Văn Nam ở thôn Đông đã mạnh dạn nhận đấu thầu đầu tư sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Anh Nam chia sẻ: Năm 2015 trở về trước, cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, nguồn thu nhập chính từ cây lúa và gối vụ khoai lang hoặc đỗ, lạc, rau màu với tổng thu nhập khoảng 2.000.000 đồng/tháng. Thấy ruộng đất bị bỏ không cấy, tôi tiếc quá nên nhận khu vực đất khó chia, đấu thầu lại ruộng của các hộ không có nhu cầu sản xuất với tổng diện tích 20 mẫu cấy giống lúa TBR225 và 17 mẫu trồng 1.700 gốc sắn dây; đồng thời huy động vốn của anh em và người thân mua 1 máy cày, 1 máy xúc phục vụ sản xuất. Nhờ thực hiện đúng quy trình, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, lại có máy móc hỗ trợ nên “đất không phụ công người”, sản xuất dần đi vào ổn định, mang lại hiệu quả cao. Năm 2022, gia đình tôi thu 70 tấn lúa, 45 tấn củ sắn dây, thu lãi 600 triệu đồng; năm 2023 thu 80 tấn lúa, 45 tấn củ sắn dây, thu lãi 700 triệu đồng. Sản xuất ổn định nên năm nay gia đình tiếp tục mở rộng sản xuất nâng tổng diện tích trồng sắn dây lên 20 mẫu và cấy 40 mẫu lúa. 

Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, anh Nam còn tích cực hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho 25 hộ, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. 

Anh Vũ Văn Nam , xã Tân Học (Thái Thụy) trồng 17 mẫu sắn dây cho hiệu quả kinh tế cao. 

Ông Lê Đức Tình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Học cho biết: Toàn xã hiện có 6 nông dân tích tụ ruộng đất từ 20 mẫu cấy lúa trở lên, góp phần giảm diện tích ruộng bỏ hoang trên địa bàn. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Vũ Văn Nam được đầu tư bài bản, bảo đảm kỹ thuật, hiệu quả kinh tế khá nên đã được nhiều nông dân trong và ngoài xã đến học tập. Anh Nam được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. 

Theo ông Tô Xuân Thức, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” đã đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả tích cực. Hàng năm, 100% chi hội trong toàn tỉnh tổ chức và có trên 80% hội viên đăng ký thực hiện. Các cấp hội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân: tư vấn, định hướng sản xuất, kinh doanh, lựa chọn giống cây, con chủ lực theo quy hoạch để phát huy thế mạnh; tổ chức đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn... Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, các cấp hội đã tổ chức 2.823 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 179.130 lượt hội viên nông dân tham gia; tổ chức và trình diễn 454 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; cung ứng theo phương thức trả chậm 3.119 tấn phân bón trị giá hơn 48,1 tỷ đồng và 44 tấn giống trị giá 412 triệu đồng, 419 máy nông nghiệp phục vụ sản xuất; phối hợp tổ chức dạy nghề cho gần 3.400 nông dân. Đến nay, trên 56.600 hội viên đã được tổ chức hội đứng ra tín chấp với các ngân hàng vay vốn với tổng số tiền trên 3.923,9 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ nông dân đã hỗ trợ thực hiện 115 dự án, cho trên 1.150 hộ vay với số tiền trên 34,6 tỷ đồng. 

Được hỗ trợ về vốn, kiến thức, tập huấn khoa học kỹ thuật, định hướng khởi nghiệp, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Điều này được thể hiện bằng sự chuyển đổi tích cực trong tư duy của nông dân, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất những mặt hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Tổ chức hội cũng tích cực hỗ trợ hội viên đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và các kênh bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội giúp cho người tiêu dùng trên toàn quốc dễ dàng lựa chọn, truy xuất nguồn gốc và đặt hàng, quảng bá thương hiệu sản phẩm của Thái Bình. Đến nay có 1.510 lượt giao dịch trên sàn giao dịch điện tử với 121 sản phẩm nông sản và có 159 số hộ được đào tạo trên sàn thương mại điện tử. 

Nông dân xã An Vũ (Quỳnh Phụ) đầu tư máy dệt chiếu nâng cao hiệu quả sản xuất 

Nhiều nông dân đã liên kết với nhau để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành các cánh đồng lớn. Đến nay, tỉnh Thái Bình có trên 1.900 hộ nông dân tích tụ, tập trung ruộng đất sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô từ 2ha trở lên; trong đó có 3.220 hộ sản xuất quy mô từ 5ha, trên 10ha có 151 hộ. Diện tích tích tụ, tập trung đạt 7.843ha, bình quân 4,1ha/ tổ chức, hộ gia đình. 

Anh Phạm Xuân Thủy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nông dân xuất sắc tỉnh Thái Bình chia sẻ: Câu lạc bộ hiện có hơn 30 thành viên tham gia đều là những nông dân xuất sắc, sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Các thành viên tích cực trao đổi, học hỏi và tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua hoạt động của Câu lạc bộ, các hội viên hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, kinh tế gia trại, trang trại, kinh tế hợp tác, xây dựng thương hiệu sản phẩm. 

Nông dân Nguyễn Văn Thoa, thôn Cao Trai, xã Thụy Việt (Thái Thụy) đầu tư cơ sở nuôi gà, ấp trứng gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao. 

Không chỉ thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, các hội viên nông dân còn tích cực tham gia xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, làm nòng cốt trong các phong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, bảo đảm an sinh xã hội... 6 tháng đầu năm 2024, hội viên nông dân toàn tỉnh đã đóng góp 138,145 tỷ đồng; 11.860 ngày công; hiến 43.801m2 đất xây dựng công trình công cộng, xây dựng 468 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường... Qua bình xét hàng năm, Thái Bình có từ 68 - 70% số hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Phong trào đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao đời sống của người nông dân, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu đẹp. 

Mạnh Cường 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày