Chủ nhật, 30/06/2024, 19:49[GMT+7]

Về nơi đánh thức tâm hồn đá

Thứ 6, 02/11/2012 | 09:18:16
641 lượt xem
Nói đến các làng nghề độc đáo và phát triển mạnh hiện nay ở Miền Trung, mà không nhắc tới Làng đá mỹ nghệ Non Nước, Thành phố Đà Nẵng, là một thiếu sót lớn.

Sản phẩm của làng đá mỹ nghệ Non Nước đã có mặt hầu như khắp thị trường cả nước và xuất khẩu ra nhiều nước khác trên thế giới. Từ những vật trang sức tinh tế nhỏ nhắn như nhẫn, vòng tay, chuỗi hạt... đến những bức tượng Phật, danh nhân, sư tử, đại bàng... to lớn lừng lững nặng vài tấn, đều được chế tác hết sức tỷ mỉ tinh xảo sống động như thổi hồn vào đá vậy.

 

Thế giới của những linh hồn đá

 

Để hiểu rõ hơn về nguồn gốc của những sản phẩm mỹ nghệ bằng đá đặc sắc này, các bạn đồng nghiệp ở Đà Nẵng đã đưa chúng tôi về phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, nơi có làng đá mỹ nghệ Non Nước. Hai bên đường Huyền Trân Công Chúa và đường Lê Văn Hiến thuộc làng đá Non Nước sản phẩm bằng đá được trưng bày san sát như một siêu thị đa dạng với đủ kiểu dáng, kích cỡ khác nhau, chúng tôi như lạc vào “thế giới của những linh hồn đá”. Nằm ngay trong lòng danh thắng Ngũ Hành Sơn (làng đá mỹ nghệ Non Nước nằm quanh chân ngọn Thuỷ Sơn), nên từ lâu làng đá mỹ nghệ Non Nước đã trở thành một điểm tham quan, mua sắm lưu niệm hấp dẫn của du khách mỗi khi đến Đà Nẵng. Nhờ vậy sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước đã theo chân du khách có mặt trên khắp thế giới. Tác phẩm của các nghệ nhân nổi tiếng của làng đá mỹ nghệ Non Nước đã được trưng bày triển lãm ở Úc, Singaporeon>, Nhật, Đài Loan, Mỹ... góp phần làm nên thương hiệu đá mỹ nghệ đặc sắc của Đà Nẵng và của cả Miền Trung.

 

Theo các nghệ nhân cao tuổi ở làng đá mỹ nghệ Non Nước, nghề chế tác đá mỹ nghệ Non Nước có từ hơn 200 năm nay. Làng được hình thành vào cuối thế kỷ XVIII, do nghệ nhân người Thanh Hóa tên là Huỳnh Bá Quát khai phá, sang thế kỷ XIX thì cả làng đều sinh sống bằng nghề chế tác đá. Ngày nay tại phường Hoà Hải vẫn còn nhà thờ “Thạch Nghệ Tổ sư” và ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm là ngày giổ tổ của nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Có thể nói làng đá mỹ nghệ Non Nước hình thành và phát triển nhờ tận dụng và kết hợp được các yếu tố nguyên liệu, nhân lực và thị trường để sản xuất kinh doanh làm nên thương hiệu đá mỹ nghệ đặc sắc như hiện nay. Từ nguồn nguyên liệu dồi dào là đá cẩm thạch có một không hai ở Ngũ Hành Sơn, những người thợ đá Non Nước ban đầu cũng chỉ sản xuất những mặt hàng phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày như, chày, cối đá, bia mộ... Nhưng càng về sau nghề càng phát triển, kỹ nghệ chế tác càng điêu luyện tinh xảo hơn mới phát triển sang chế tác mỹ nghệ, điêu khắc, tạc tượng... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

 

 

Sản phẩm của làng đá mỹ nghệ Non Nước hiện nay đa dạng phong phú về đề tài, chủng loại kích cỡ, từ những vật dụng hàng ngày như chày, cối, cốc, chén, ấm trà bằng đá... đến những tượng nhân sư, thần Vệ Nữ, danh nhân đất Việt, danh nhân thế giới, Phật Di Lặc, Phật bà Quan Âm, Sư tử, Hổ, Báo, Đại bàng... Có tượng chỉ bằng ngón tay, có tượng to bằng người thật hết sức tinh xảo sinh động. Sản phẩm của làng đá mỹ nghệ Non Nước không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong nước, mà còn xâm nhập vào nhiều thị trường lớn như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Châu Âu... nên chất lượng, mẫu mã, độ tinh xảo ngày càng được nâng cao hơn rất nhiều.

Làng nghề tỷ phú

 

Các cơ sở sản xuất ở Non Nước không chỉ tổ chức dạy nghề đào tạo thợ tại chỗ, mà còn đầu tư cho con em vào học ở các trường đại học như điêu khắc, Mỹ thuật công nghiệp... mời các hoạ sỹ có tên tuổi thiết kế mẫu mã, kiểu dáng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện nay, làng đá có rất nhiều nghệ nhân nổi tiếng bởi sự tài hoa và đạt trình độ nghệ thuật cao trong chế tác điêu khắc đá của mình như: Nguyễn Long Bửu, Nguyễn Hùng, Nguyễn Việt Minh, Lê Bền, Nguyễn Sang… Theo nghệ nhân Lê Bền, một nghệ nhân đã trên 70 tuổi, gắn bó với nghề chế tác đá gần 60 năm nay thì: nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước là một nghề cực nhọc, từ khai thác, chọn đá đến chế tác và tiêu thụ sản phẩm… là sự kết hợp giữa lao động cơ bắp và lao động mỹ thuật, phải có con mắt nghệ sỹ thực thụ mới nhìn ra được tác phẩm trong từng khối đá xù xì, mới thức dậy được những linh hồn của đá…

 

Sự thành công của làng đá mỹ nghệ Non Nước hôm nay, ngoài nội lực đặc biệt của mỗi nghệ nhân còn phải kể đến sự quan tâm đặc biệt của các cấp ngành chức năng của Thành phố Đà Nẵng trong việc hỗ trợ cho làng nghề truyền thống đặc sắc này như: qui hoạch khu vực sản xuất, khai thác nguyên liệu, kinh doanh, mua sắm, tham quan du lịch, khắc phục ô nhiễm môi trường, xúc tiến thương mại cho sản phẩm của làng nghề... Đặc biệt, Hội làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, được thành lập theo quyết định số 458/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng góp phần rất lớn trong việc hợp tác liên kết sản xuất, quảng bá sản phẩm ra thị trường. Tổ chức thi thiết kế Logo, hoàn tất thủ tục đăng ký thương hiệu cho sản phẩm làng đá mỹ nghệ Non Nước.

 

Nhờ những chính sách hỗ trợ tích cực này, cùng với nội lực vươn lên thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, làng đá mỹ nghệ Non Nước không chỉ trở thành một làng nghề tỷ phú với hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, mà còn là một làng nghề truyền thống - làng nghề du lịch đặc sắc nhất không chỉ của Đà Nẵng, mà còn của Miền Trung hiện nay.

Theo langvietonline.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày