Chủ nhật, 30/06/2024, 21:33[GMT+7]

Xuân Phương “đỏ lửa” làng rèn

Thứ 4, 07/11/2012 | 07:35:33
3,007 lượt xem
Xuân Phương là một trong bốn vùng danh tiếng của huyện Từ Liêm xưa “Mỗ, La, Canh, Cót” có truyền thống văn hoá và nổi tiếng với nhiều nghề thủ công truyền thống. So với các nghề thủ công khác ở Xuân Phương, nghề rèn tuy ra đời sau nhưng phát triển khá mạnh mẽ.

Làng rèn Xuân Phương vẫn "đỏ lửa" dù thị trường cạnh tranh gay gắt

Cùng với thời gian, nghề rèn Xuân Phương cũng dần mai một, những thợ rèn tay nghề cao còn lại rất ít, trong khi lớp trẻ lại không mấy người mặn mà với cái nghề “khổ sai” này...

 

Trăn trở giữ nghề

 

Dọc theo Quốc lộ 32 đến ngã tư Nhổn, rẽ theo hướng quốc lộ 70 về phía Hà Đông, chúng tôi đến với làng rèn Hoè Thị (xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Ngay từ đầu làng, những âm thanh đặc trưng của làng rèn đã văng vẳng. Tiếng búa đập sắt xuống đe chan chát, tiếng mài dao xoèn xoẹt, tiếng quạt thổi lửa chạy vù vù...

 

Nhưng, đó cũng chỉ là cảm giác, một ấn tượng ban đầu về không khí đặc trưng ở một làng nghề truyền thống. Bởi, giờ đây, thật khó để bắt gặp cảnh tượng những người thợ có thân hình rắn rỏi, khoẻ mạnh, đôi tay thoăn thoắt quai búa tay đôi, tay ba, đều và nhịp nhàng như... đang múa vậy!

 

Theo ông Nguyễn Văn Hải, một thợ rèn có nghề với thâm niên hơn 30 năm cầm búa, trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt, cũng như các nghề truyền thống khác, nghề rèn ở Xuân Phương gặp không ít khó khăn. Có thời điểm, cả làng chỉ có vài hộ còn thường xuyên “đỏ lửa” hoặc hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân là vì sản phẩm làm ra chưa được tiêu thụ rộng rãi mà chỉ phục vụ cho nhu cầu bà con trong xã và các vùng lân cận. Các sản phẩm kim khí nhập ngoại từ Trung Quốc hoặc từ các nhà máy lớn trong nước có giá rẻ hơn đã làm cho các sản phẩm làng rèn không thể cạnh tranh được. Do đó tìm đầu ra cho sản phẩm là rất khó... “Có chứng kiến cảnh hàng loạt sản phẩm nào cuốc, cày, nào kìm, búa, nào dao, nào kéo… làm ra được xếp chồng chất ở hàng rào, trong vườn mới thấy xót xa cho công sức bỏ ra của người thợ rèn. Nhiều người đã nghĩ: “không lẽ bỏ nghề?”, ông Hải chia sẻ.

 

Cũng theo ông Hải, lãnh đạo địa phương và bà con cũng rất trăn trở tìm cách vực dậy làng nghề. Làm thế nào để nó ngày một phát triển lên? Loay hoay mãi rồi cũng tìm ra được đường đi. Đơn giản là nghề rèn cần phải được… rèn tiếp, rèn cái gì cũng được, miễn là không để mất nghề. Điều đó có nghĩa là phải thay đổi cách làm ăn, không manh mún theo lối tư duy cũ, mà phải nhìn nhận và vận động phù hợp với kinh tế thị trường đầy cạnh tranh.

 

Hướng đi mới của làng rèn Xuân Phương

 

Đến thăm những lò rèn (hay chính xác hơn phải gọi là những xưởng rèn) ấn tượng đầu tiên là những cỗ máy dập, máy cắt, máy tiện… cỡ lớn đang được vận hành bởi những người thợ… rèn. Mặc dù không còn cảnh những người thợ lực lưỡng, quai những nhát búa “đinh tai, nhức óc” như “một thời vang bóng”, nhưng nhìn những xưởng rèn đã được “máy hoá”, vận hành nhịp nhàng để cho ra những sản phẩm phục vụ cho đời sống thì cũng phải ghi nhận sự “chuyển mình” của làng rèn Xuân Phương trong cuộc mưu sinh theo cách của mình: giữ lấy, bám vào nghề truyền thống ông cha để lại, để nó còn mãi với thời gian và tiếp tục phát triển hơn.

Nhớ lại ngày đầu mới chuyển đổi mô hình sản xuất, anh Phạm Hữu Sơn cho biết, nhờ có sự “mách nước” của một người bạn, gia đình anh đã chuyển hướng sang làm bu lông, ốc vít cho các ngành điện lực, đường sắt. “Cũng tưởng chỉ thử nghiệm, ai ngờ, đó lại là sản phẩm chủ đạo của làng rèn hiện nay”, anh Sơn nói.

 

Theo nghề rèn đã trên 50 năm, ông Nguyễn Đắc Vĩnh cho biết, những người cao tuổi như ông, làm túc tắc mãi thành quen rồi; bây giờ, bảo “bắt nhịp” theo máy móc nghe thấy khó khó… Nhưng các con ông thì khác, anh nào anh nấy đều mở xưởng rèn rầm rộ và máy hóa hết cả rồi. Trong làng, hộ nào theo nghề rèn cũng đều sắm máy nhỏ, máy to, chứ ai còn đi nện nhát một nữa…

 

Từ khi có các loại máy móc như máy cán thép, máy đột dập, máy búa, cắt... mỗi người chỉ chuyên làm một công đoạn; lượng sản phẩm làm ra ngày càng tăng cao, đời sống cũng nhờ thế mà khá lên.

 

Giờ đây, số hộ bám nghề ở làng rèn Xuân Phương ngày càng nhiều hơn. Vẫn là những sản phẩm quen thuộc vốn có và thêm vào hàng chục chủng loại mới: bu lông, ốc vít các loại cho xe ô tô, xe máy, tàu biển, đường sắt… Hàng hóa tiêu thụ không còn bó hẹp mà đã tỏa đi muôn nơi.

 

Đến Xuân Phương, lại thấy nghề rèn đang hồi sinh, đóng góp phần mình vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Vào những tinh mơ hay hoàng hôn, cả xã đỏ lửa rèn, tiếng máy, tiếng búa đập chan chát rộn rã, lại dấy lên niềm vui hạnh phúc của no ấm và ánh mắt cười của những lão làng của nghề rèn Xuân Phương.

Theo langvietonline.vn

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày