Thứ 7, 25/01/2025, 08:17[GMT+7]

Làng trầm mỹ nghệ Trung Phước

Thứ 5, 08/11/2012 | 08:48:54
823 lượt xem
Từ hơn 20 năm trước, người dân thôn Trung Phước (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) đã lặng lẽ “thổi hồn” vào thân dó trầm, khởi nguồn nên dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo trên vùng đất này. Đến nay, có thể nói, làng nghề đã có chỗ đứng xứng tầm trong các làng nghề đất Quảng…

Tạo dáng cho trầm.

Đi khắp làng nghề, chúng tôi không chỉ bềnh bồng trôi theo vẻ đẹp hoang sơ của mỗi tác phẩm mà còn ngất ngây bởi hương thơm lan tỏa từ thân dó trầm. Các sản phẩm không giống với bất kỳ một sản phẩm tạo từ thân cây dó ở làng nghề dó trầm mỹ nghệ nào, cũng không hề có một sự mô phỏng hay chuẩn mực nào; sản phẩm của làng mang phong cách, nét đặc trưng riêng. Để tạo nên sức hút cho sản phẩm, mỗi tác phẩm của làng nghề được tạo nên bằng tất cả sự chân thật của những tâm hồn dân dã; đây chính là điều thu hút nhiều khách hàng. Bởi thế, sản phẩm của làng nghề là vật trang trí ưa chuộng của nhiều nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh.

 

Để tạo ra một sản phẩm có chất lượng, “đánh gục” được khách hàng, những chủ cơ sở sản xuất như ông Nguyễn Trường Bộ phải lên các huyện Tiên phước, Trà My, Hiệp Đức để mua cây dó trầm. Một cây dó trầm vừa người ôm được mua với giá khoảng 10 triệu đồng, qua 1 tháng đục, gạn, tỉa để tạo hình và hoàn thành sản phẩm, giá bán ra khoảng 20 triệu đồng. Anh Lê Văn, một người thợ của làng nghề, cho hay: “Không kể nắng mưa, không ràng buộc về mặt thời gian, tùy theo tiến độ công việc và chất lượng sản phẩm, lương của người làm nghề ở mức 2 đến 3 triệu đồng mỗi tháng”. So với các nghề thủ công khác, nghề này có thu nhập cao hơn, ít tốn công sức lao động ; song, đòi hỏi tay nghề cao và người làm nghề phải có sự đam mê, lòng kiên trì.

 

 

Ông Đặng Thanh Quang, chủ một hộ làng nghề, bảo: “Từ một vài hộ, đến nay, làng nghề đã có đến hơn 50 hộ tham gia. Không chỉ vươn lên thoát nghèo và làm giàu, những hộ này đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương”. Bằng sự khéo léo, những nông phu vốn chỉ làm nghề vào những ngày nông nhàn đã dần hình thành nên một làng nghề thủ công mỹ nghệ, kéo con cháu họ từ bỏ việc lên rừng chặt cây, đào hầm đãi vàng, trở về gắn bó với nghề. Ông Quang vui mừng nói: “Đáng mừng là ngày càng có nhiều thanh niên “gia nhập” làng nghề. Tính đến nay đã có trên 200 lao động địa phương làm nghề này, hàng chục thanh niên lao động đang theo học nghề”.

 

Để tạo chỗ đứng bền vững cho làng nghề, bên cạnh việc tạo điều kiện thành lập các doanh nghiệp giúp cho sản phẩm của làng nghề vươn ra xuất hiện ở những thành phố lớn và nâng cao giá trị kinh tế, huyện Nông Sơn đang xây dựng thương hiệu cho làng nghề và xem đây là mục tiêu quan trọng tạo nên cú hích cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung, ông Ngô Đình Long, khẳng định: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã cũng đã hướng đến việc xây dựng làng nghề truyền thống, làng nghề mới tại địa phương. Và làng nghề sản xuất hàng mỹ nghệ dó trầm là một điển hình tiêu biểu cả về mô hình triển khai lẫn hiệu quả kinh tế”.

 

Tuy nhiên, theo ông Ngô Đình Long, nghề đã có chiều hướng để phát triển, nhưng ngặt nỗi, đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư mở rộng kinh doanh, phát triển nghề, vươn ra khẳng định tên tuổi. Đó cũng là trăn trở của chính quyền địa phương trong việc mở ra triển vọng cho hướng phát triển kinh tế hộ gia đình ở một địa bàn nông thôn còn nhiều khó khăn như huyện mới Nông Sơn.

Theo langngheviet.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày