Thứ 4, 31/07/2024, 13:30[GMT+7]

Sức cuốn hút trên vùng đất đa nghề.

Thứ 3, 14/09/2010 | 15:26:31
2,137 lượt xem
So với các vùng quê khác Đông La có nhiều lợi thế: là xã tiếp giáp với thị trấn Đông Hưng, có quốc lộ 10 chạy qua, lại có sông Tiên Hưng bao bọc nên thuận lợi cho phát triển kinh tế, mở mang ngành nghề dịch vụ. Cũng là xã có nhiều nghề truyền thống phát triển như mây tre đan, thêu thảm, dệt chiếu, dịch vụ vận tải, xay xát, mộc, may mặc, xây dựng...

Thị trấn Đông Hưng. Ảnh Thành Tâm

Đi dọc tuyến đường thuộc địa phận xã Đông La huyện Đông Hưng, chúng tôi không khỏi bị cuốn hút bởi sự phát triển nhanh vượt trội chưa từng có. Các cơ sở sản xuất mọc lên như nấm; các công ty, doanh nghiệp ngày càng phát triển mở rộng quy mô, đa dạng hóa các mặt hàng.

So với các vùng quê khác Đông La có nhiều lợi thế: là xã tiếp giáp với thị trấn Đông Hưng, có quốc lộ 10 chạy qua, lại có sông Tiên Hưng bao bọc nên thuận lợi cho phát triển kinh tế, mở mang ngành nghề dịch vụ. Cũng là xã có nhiều nghề truyền thống phát triển như mây tre đan, thêu thảm, dệt chiếu, dịch vụ vận tải, xay xát, mộc, may mặc, xây dựng...

Những điều kiện thuận lợi đó đã giúp cho địa phương thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn ngày càng nhiều, dự tính đến năm 2015 xã sẽ có trên 50 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh. Ngay từ khi có Nghị quyết 01 của BTV Tỉnh ủy về phát triển nghề và làng nghề, Đảng ủy, chính quyền xã Đông La đã có nghị quyết và các chương trình hành động về việc khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống, mở mang và tiếp thu những ngành nghề kinh doanh dịch vụ mới để tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy sự phát triển đa dạng các loại ngành nghề trên địa bàn.

Địa phương đã quy hoạch đất dành cho phát triển nghề và làng nghề dọc theo hai tuyến đường liên xã, liên huyện đồng thời xây dựng đề án phát triển cụm công nghiệp dọc theo 2 bên đường quốc lộ 10 từ cầu Nguyễn đến giáp xã Đông Sơn. Trước năm 2000, toàn xã mới chỉ có 2.700 lao động tham gia sản xuất CN-TTCN và kinh doanh dịch vụ; đến nay đã có trên 4000 lao động, 7/7 thôn đều có nghề, nhiều nghề mới được du nhập như đan đệm cói, làm giấy tiền đài loan, thêu hạt cườm.

Một số nghề truyền thống cũng đang từng bước được khôi phục như thêu thảm, đan tre, đặc biệt 2 làng nghề thôn Bảo Châu và thôn Cổ Dũng với 42 nghề đã thu hút trên 2000 lao động, đưa tổng giá trị sản xuất của làng nghề đạt 33.355 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất đã thu hút được hàng trăm lao động có thu nhập ổn định như tổ sản xuất đệm cói xuất khẩu của anh Bùi Công Chiến thôn Bảo Châu có trên 300 lao động, tổ thêu của chị Bùi Thị Nết có trên 200 lao động...

Các công ty, cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp Đông La hoạt động tương đối ổn định, giải quyết việc làm cho trên 1000 lao động, thu nhập bình quân 850.000 đồng/người/tháng như Công ty thương mại dịch vụ Á Đông, Công ty TNHH Nam Sơn, cơ sở tái chế nhôm Bắc Dâu...Trên địa bàn xã đã hình thành hệ thống các hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ, dịch vụ rộng khắp đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất tiêu dùng của người dân.

Đến nay 7/7 thôn đều có các hộ kinh doanh thương mại và làm dịch vụ. Nhóm nghề dịch vụ phát triển mạnh nhất ở thôn Cổ Dũng1, Thuần Túy và thôn Đồng Lệ, thu hút khoảng 1000 lao động, thu nhập bình quân 500 - 700 nghìn đồng/người/tháng. Đáng chú ý là các hộ dọc theo hai bên đường quốc lộ 10, trục đường liên huyện, liên xã đã phát huy được thế mạnh mở cơ sở kinh doanh, dịch vụ giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho gia đình. Các nghề vận tải đường bộ, đường thủy được giữ vững, ngày càng phát triển cả về số lượng và giá trị thu nhập.

Toàn xã có 44 ô tô, trong đó 12 ô tô khách liên tuyến nam bắc, 11 tàu thuyền vận tải, hơn 100 hộ kinh doanh hai bên đường liên xã và Quốc lộ 10 và hàng trăm lao động làm nghề dịch vụ vệ tinh chu chuyển hàng hóa cho các đại lý. Một số dịch vụ mới như thuê bạt, bàn ghế, trao đổi hàng hóa, dịch vụ làm đất, tưới tiêu cũng được phát triển mạnh và giải quyết hàng trăm lao động có thu nhập ổ định. Một số nghề mới như kinh doanh đồ gỗ cao cấp, xăng dầu đang có chiều hướng thịnh hành và có thu nhập khá cao.

Với sự phát triển, hết năm 2009 Đông La có tổng giá trị sản xuất đạt 227.800 triệu đồng, trong đó CN - TTCN và XDCB đạt 124,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 54,8%, TMDV đạt 55,8 tỷ đồng chiếm 24,5%, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,5%. Trong thời gian tới, Đông La tiếp tục vận động nhân dân mở rộng cụm CN, động viên các doanh nghiệp nâng cấp dây chuyền và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tạo việc làm cho người lao động. Khuyến khích các hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.

Từng bước phát triển đột phá trong các ngành dịch vụ, trong đó tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế như buôn bán ở các chợ, các tụ điểm kinh doanh ven quốc lộ 10.Đông La phấn đấu đến hết năm 2010, CN-TTCN chiếm 57%, TMDV chiếm 24% cơ cấu kinh tế của xã.

Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày