Thứ 5, 01/08/2024, 01:32[GMT+7]

Sắc thái mới trên đất đa nghề

Thứ 4, 29/12/2010 | 10:53:50
1,867 lượt xem
Cách thị trấn Đông Hưng chừng 8km, Đông Kinh (Đông Hưng) là xã nổi tiếng về nghề và làng nghề. Sự kết hợp giữa Đảng bộ, chính quyền địa phương với nhân dân trong công cuộc duy trì và phát triển nghề đã tạo nên vùng đất nhiều khởi sắc.

Phụ nữ xã Đông Kinh (Đông Hưng) với nghề làm lưỡi câu xuất khẩu. Ảnh: Ngọc trâm

Ngành nghề ngày một phát triển, số lao động ngày một gia tăng, thu nhập của người dân ngày càng cao; đưa Đông Kinh trở thành xã luôn đứng trong tốp dẫn đầu của huyện về phát triển nghề về làng nghề.

 

Đi dọc con đường chính qua cổng làng Hà, trải dài trước mắt chúng tôi là các làng nghề truyền thống với hàng loạt các cơ sở sản xuất đang trên đà phát triển. Hàng năm, thu nhập trong phát triển kinh tế gia đình của người dân trung bình đạt vài chục triệu/năm, tạo bước thay đổi căn bản trong đời sống người dân, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã.

 

Đông Kinh có 4 thôn thì 3 thôn đạt tiêu chuẩn làng nghề và 1 thôn đang đề nghị công nhận. Theo anh Lại Cao Bội, Chủ tịch UBND xã thì nghề ở Đông Kinh phát triển mạnh nhất từ năm 2003. Đến nay, nhiều nghề vẫn duy trì và phát triển mạnh như mặt hàng mây tre đan xuất khẩu, móc hộp, đệm ghế cói, lưỡi câu, thêu ren, hàn điện tử, nghề mộc và sắt.

 

Để có được kết quả đó xã đã tích cực tuyên truyền các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy về phát triển nghề tới đông đảo quần chúng nhân dân. Các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc một cách tích cực và là lực lượng nòng cốt không thể thiếu trong công tác duy trì, hỗ trợ, đào tạo nghề.

 

Thường xuyên mở các lớp dạy nghề, giới thiệu nhiều mô hình nghề mới để mọi tầng lớp nhân dân trong xã đều có nghề để làm. Đặc biệt, trong những năm qua, Đông Kinh đã gắn cuộc vận động ‘’Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’’ với nhiệm vụ phát triển kinh tế ở địa phương. Theo đó, động viên khuyến khích các hộ dân tích cực phát triển nghề, hình thành các cơ sở sản xuất lớn để bao tiêu sản phẩm cho các hộ gia đình.

 

Cho tới nay, toàn xã có khoảng 54% số hộ tham gia làm nghê, vì thu nhập ít nhất cũng được 500-600.000 đồng/người/tháng. Xã đã có 01 doanh nghiệp sản xuất mây tre đan, trên 20 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp thu hút gần 2000 lao động trực tiếp và trên 100 lao động vệ tinh.

 

Nghề mây tre đan được coi là thịnh hành nhất ở Đông Kinh bởi luôn thu hút từ 500-600lao động ở cả 4 thôn. Một số cơ sở phát triển mạnh, mang tính gia truyền; điển hình như cơ sở của anh Phan Thanh Tĩnh thôn Duyên Hà. Phát triển nghề từ năm 2002, sau khi tách gia đình ra mở cơ sở sản xuất riêng anh Tĩnh luôn duy trì thường xuyên 200 lao động với mức thu nhập trung bình từ 20-25.000đồng/người/ngày.

 

Các mặt hàng của anh làm theo yêu cầu của thị trường nước ngoài, với bình quân hàng nghìn sản phẩm xuất khẩu/tháng, doanh thu đạt trên 3 tỷ/năm, trừ chi phí lãi trên dưới 100 triệu đồng/năm. Không chỉ duy trì các nghề truyền thống, năm qua Đông Kinh  còn phát triển thêm một số ngành nghề mới với số lao động tương đối đông.

 

Điển hình như hàng điện tử của cơ sở sản xuất Phan Văn Bình thôn Duyên Hà thu hút 300 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 1-1,2 triệu/người/tháng.

 

Mặc dù chưa được công nhận làng nghề, song không khí sản xuất ở thôn Kinh Hào cũng sôi nổi không kém. Hiện nay làng này có khoảng 300 hộ làm nghề, chủ yếu là móc hộp, lưỡi câu và trồng cây cảnh. Thu nhập từ nghề đã khiến cho một vùng quê xa xôi trước đây chỉ có những ngôi nhà mái ngói, nay đã xuất hiện các ngôi nhà biệt thự tiền tỷ và nhiều nhà cao tầng với nhiều vật dụng giá trị.

 

Chị Lê Thị Nguyên làm nghề lưỡi câu đã được hơn 10 năm và làm nghề móc hộp 7 năm. Hàng tháng, chị nhận hợp đồng sản xuất trên 1 triệu mặt hàng lưỡi câu, 700 sản phẩm móc hộp, tạo điều kiện cho gần 300 lao động có việc làm lúc nông nhàn với mức thu nhập bình quân đạt 600.000 đồng/người/tháng, trừ chi phí chị lãi 5 triệu đồng/tháng.

 

Bên cạnh đó, Kinh Hào còn bao phủ màu xanh của những vườn cây cảnh đem lại lợi nhuận lợi lớn cho nhiều người dân. Toàn thôn có vài chục hộ buôn bán và trồng cây cảnh, trong đó có gần chục hộ trở thành “đại gia” từ nghề này. Điển hình như bác Bùi Duy Viễn, trước khi đến với nghề trồng cây cảnh bác đã từng trải qua nhiều nghề như thợ xây, chăn nuôi.

 

Xuất phát từ việc mua một vài cây về chơi và bán có lãi, nên bác Viễn đã chuyển đổi 2 mẫu ruộng về gần nhà để trồng cây xanh. Từ đó đến nay mỗi năm bác thu lãi vài trăm triệu. Riêng năm nay, bác lãi được hơn 1 tỷđồng. Hiện tại bác có một ngôi biệt thự nhà vườn, một ô tô, hàng trăm cây xanh có giá trị và đồng thời tạo việc làm quanh năm cho 8-10 lao động.

 

Sự phát triển đa dạng các ngành nghề đã góp phần đưa tổng giá trị sản xuất năm 2010 của Đông Kinh ước đạt 49,1 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2005. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,15%/năm. Trong đó, riêng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2010 đạt 8,5 tỷ đồng, tăng 18,1% so với năm 2009. Hiện tại giá trị sản xuất bình quân đạt 19triệu đồng/người/năm. Toàn xã còn 12,34% hộ nghèo, giảm 5,76% so với trước năm 2005.

 

Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày