Thứ 7, 10/08/2024, 22:17[GMT+7]

Thổi hồn vào du lịch

Thứ 3, 03/01/2017 | 15:47:51
813 lượt xem
Thái Bình có nhiều điều kiện để phát triển du lịch tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái. Tuy nhiên, để phát huy được thế mạnh của từng vùng, thu hút được du khách tới tham quan lại không phải điều đơn giản. Ông Vũ Mạnh Thắng, Chủ tịch Hội Du lịch Thái Bình, Giám đốc Công ty Du lịch Trang Long khẳng định: Bằng những việc làm cụ thể, Hội sẽ làm thay đổi quan niệm giữa người Thái Bình đi du lịch và đón khách du lịch về tỉnh, biến những vùng du lịch sẵn có của tỉnh trở thành điểm đến

Học sinh Trường quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) tham gia tour du lịch cộng đồng tại Thái Bình do Công ty Du lịch Trang Long tổ chức.

 

Tiềm năng sẵn có

 

Thái Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú, có hệ thống sông ngòi dày đặc, những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những xóm làng trù phú mang nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng có từ lâu đời như dệt vải Phương La, chiếu cói làng Hới, chạm bạc Đồng Xâm, đúc đồng An Lộng, thêu ren Minh Lãng, bánh cáy Nguyên Xá... Cảnh quan thiên nhiên cũng khá độc đáo với bờ biển dài hơn 52km, 5 cửa sông lớn và một số bãi cát mịn ở các cồn cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển như cồn Vành, cồn Đen, cồn Thủ. Thái Bình cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt, hiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như chùa Keo, đền Trần, khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn hay như nghệ thuật chèo, múa rối nước cũng được sinh ra và phát triển từ hàng trăm năm nay... Đó là những tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc, độc đáo, là thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái đồng quê, du lịch trở về với nguồn cội, du lịch tham quan làng nghề, du lịch văn hóa lễ hội.

 

Khát vọng vươn xa

 

Dưới con mắt của những người làm du lịch, các địa danh trên không chỉ đơn thuần chỉ để đến thưởng ngoạn, ngắm cảnh, mở rộng tầm nhìn mà còn là nơi để du khách cảm nhận sự khác biệt không giống với bất cứ nơi đâu. Ví như ở cồn Đen, du khách không chỉ tới để tắm biển, thưởng thức các món ăn đặc sản từ biển mà còn được hòa mình vào thiên nhiên, được tham quan, khám phá khu dự trữ sinh quyển thế giới vùng đồng bằng sông Hồng bằng thuyền du lịch, được tham quan cầu tre ước mơ thắng cảnh đặc biệt dài nhất Việt Nam xuyên rừng ngập mặn đầy thú vị. Hay đơn giản hơn là chỉ đến để cảm nhận nét hoang sơ, không gian lãng mạn mà không nơi đâu có. Cũng theo ông Vũ Mạnh Thắng, thời gian tới, Hội Du lịch Thái Bình nói chung, Công ty Du lịch Trang Long nói riêng sẽ không chỉ phát triển các vùng du lịch sẵn có mà còn đầu tư phát triển những vùng chưa ai khám phá như rừng ngập mặn, du thuyền trên sông Hồng. Hiện nay, Công ty Du lịch Trang Long đang thực hiện dự án quy hoạch khu du lịch rừng ngập mặn xã Thụy Trường vừa bảo tồn vừa khai thác được thế mạnh du lịch. Du khách sẽ được trải nghiệm, thưởng thức vẻ đẹp hoang sơ, được chèo thuyền và đánh bắt hải sản. Làm du lịch trên sông Hồng, Công ty dự tính sẽ đầu tư tàu du lịch để đưa du khách đi câu cá trên sông, đi tới các làng chài, di tích lịch sử ven sông và thưởng thức các tiết mục ca nhạc đặc sắc trên tàu. Công ty còn dự tính sẽ xây dựng, khôi phục lại nét đặc trưng độc đáo nhất của chợ quê xưa.

 

Những trăn trở khôn nguôi

 

 

Du khách trải nghiệm trồng rau.

 

Theo ông Vũ Mạnh Thắng, phát triển du lịch cần nhất là vấn đề con người và sản phẩm du lịch. Ví như làm thế nào để thu hút khách về hòa mình vào không gian chùa Keo, đền Trần, rừng ngập mặn cồn Vành... Ở đó rất cần sự hỗ trợ của nhà nước về cơ chế tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Ở những điểm có địa danh du lịch, chính quyền địa phương phải ý thức được lợi ích của du lịch để tuyên truyền cho người dân hiểu và thực hiện từ công tác đón tiếp, quy hoạch vùng sản phẩm, thống nhất về dịch vụ, giá cả, sản phẩm có sẵn.  Ngoài việc làm thay đổi tư tưởng của người dân trong tỉnh khi đi du lịch còn phải làm thay đổi tư duy du khách các tỉnh đi du lịch vùng đồng bằng sông Hồng chứ không đơn thuần là chỉ đi du lịch một tỉnh. Do đó, Hội Du lịch Thái Bình sẽ phải học cách làm du lịch của các tỉnh, thành phố Nam Bộ để triển khai, thực hiện, thay đổi suy nghĩ của du khách, để du khách thấy đồng bằng sông Hồng có nhiều điểm đến hấp dẫn, trong đó Thái Bình sẽ là trục kết nối toàn vùng, là trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng không thể bỏ qua.

 

 

Ông Vũ Trung Kiên, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Phú

 

Để du lịch phát triển thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, theo tôi, các cơ quan quản lý nhà nước cần tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư du lịch, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cấp hoàn chỉnh các trục đường giao thông chính phục vụ các tuyến du lịch. Đồng thời, nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù dựa vào các tiềm năng, thế mạnh như phát triển du lịch đồng quê gắn với xây dựng nông thôn mới; du lịch lễ hội gắn với nghệ thuật truyền thống như hát chèo, múa rối nước; du lịch làng nghề gắn với việc khôi phục, duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống. Hội Du lịch Thái Bình phát huy vai trò trong việc xã hội hóa phát triển du lịch, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trường Hưng

 

Là đơn vị hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực vận tải du lịch, thành lập từ năm 2010, có đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, tay nghề cao, giàu kinh nghiệm, phục vụ khách hàng tận tình, chu đáo nên Trường Hưng có uy tín, thương hiệu mạnh trên thị trường. Trung bình mỗi năm Công ty đưa hàng nghìn đoàn đi du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước, tuy nhiên lượng khách du lịch đưa về tỉnh còn rất hạn chế. Trăn trở lớn nhất của tôi là các công ty du lịch khi đưa du khách về tỉnh gặp rất nhiều vướng mắc về giao thông. Hầu hết các tuyến đường vào trung tâm thành phố đều cấm xe từ 29 chỗ trở lên, rất khó cho hoạt động du lịch. Tỉnh cần có cơ chế riêng cho xe du lịch được phép lưu hành trên các tuyến đường vào trung tâm thành phố. Mặt khác, cần quan tâm chỉ dẫn cho xe đi vào đường quy định...

 

Ông Bùi Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hoàng Gia

 

Hoàng Gia là doanh nghiệp phát triển mạnh về du lịch nội địa và quốc tế. Trung bình mỗi năm Công ty tổ chức khoảng 200 đoàn khách du lịch nội địa với khoảng 25.000 lượt khách và đưa khoảng 300 lượt khách đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, với cách nhìn của tôi, ngành du lịch Thái Bình chưa thật sự phát triển bởi các điểm và cảnh điểm cách nhau quá xa, điều kiện về giao thông hạn chế, các cảnh điểm mặc dù có tố chất để phát triển nhưng lại không có đầu tư. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ thực hiện đưa khách đi chứ chưa đưa được khách đến. Chỉ cần có sự đầu tư vào các điểm du lịch, xây dựng các tuyến du lịch, chú trọng mời các đơn vị lữ hành từ tỉnh ngoài đến tham dự các buổi tọa đàm, hội thảo về du lịch và làm tốt dịch vụ du lịch thì chắc chắn du lịch Thái Bình sẽ có triển vọng hơn.

 

Quốc Cường

  • Từ khóa