Thứ 6, 10/05/2024, 12:12[GMT+7]

Cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp và cải hoàn tàu cá Đẩy mạnh phát triển khai thác thủy sản theo hướng bền vững

Thứ 6, 21/11/2014 | 08:41:00
1,955 lượt xem
Ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NÐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó đối tượng áp dụng là các chủ tàu đóng mới và nâng cấp tàu cá phục vụ hoạt động khai thác hải sản. Nghị định số 67 nhằm thúc đẩy hoạt động khai thác và dịch vụ hải sản xa bờ, từ đó góp phần không nhỏ phát triển lĩnh vực thủy sản theo hướng bền vững.

 

Theo quy định của Nghị định 67, đối với tàu dịch vụ hậu cần, chủ tàu đóng mới tàu vỏ thép được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm; chủ tàu đóng mới tàu vỏ gỗ được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. Ðối với tàu khai thác hải sản xa bờ, chủ tàu đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV được vay vốn ngân hàng tối đa 90% giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm; chủ tàu đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính trên 800CV được vay vốn ngân hàng tối đa 95% giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm; chủ tàu đóng mới tàu vỏ gỗ được vay vốn ngân  hàng tối đa 70% giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm; chủ tàu đóng mới tàu vỏ gỗ đồng thời gia cố bọc vỏ thép, vỏ vật liệu mới cho tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 70% giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm, trong đó ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. Ðối với chủ tàu nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính trên 400CV và nâng cấp công suất máy được vay vốn ngân hàng tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp với lãi suất 7%/năm, trong đó ngân sách nhà nước cấp bù 4%. Thời hạn vay tối đa 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi suất và chưa phải trả nợ gốc. Về phân bổ chỉ tiêu đóng mới tàu cá, theo Quyết định số 3602/2014/QÐ-BNN-TCTS ngày 19/8/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thái Bình được phân bổ đóng mới 38 tàu, trong đó 31 tàu khai thác gồm các nghề câu, chụp, lưới rê, lưới vây và 7 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.

 

Ông Phạm Hữu Thoại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh cho biết: Ngay sau khi Nghị định 67 được ban hành, cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh gồm 10 đồng chí, Thái Bình còn chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tới các huyện và các ngư dân trong tỉnh cùng nắm bắt được nội dung của Nghị định. Bên cạnh đó, tỉnh còn căn cứ vào các thông tư, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để lựa chọn 5 đơn vị trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá, trong đó 4 đơn vị đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và 1 cơ sở đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá vỏ gỗ có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.

 

Tuyên truyền chính sách và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ngư dân. Ảnh: Minh Nguyệt.

 

Ông Lê Tuấn Nghiên, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Thái Bình cho biết: Công ty đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất như củng cố lại triền đà, đầu tư thêm một số trang thiết bị cũng như nhân lực để phục vụ nhu cầu đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá vỏ thép đánh bắt hải sản của ngư dân. Ðể việc thực hiện chính sách tín dụng của Nghị định 67 một cách chính xác và công bằng, tỉnh còn xây dựng bộ tiêu chí giúp các địa phương lựa chọn tổ chức, cá nhân đóng mới, nâng cấp tàu cá với 3 điều kiện bắt buộc và 7 tiêu chí lựa chọn theo thứ tự ưu tiên.

 

Ngư dân huyện Thái Thụy đánh bắt cá trên ngư trường Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Tất Đạt

 

Không chỉ có Nghị định 67, ngư dân trên địa bàn tỉnh còn được hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 3044/QÐ-UBND ngày 30/12/2013 của UBND tỉnh về việc quy định một số chính sách hỗ trợ ngư dân tỉnh Thái Bình đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Ðến nay, toàn tỉnh có 54 tàu cá được hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 3044, trong đó 30 tàu cá đóng mới và 24 tàu cá cải hoán, từ đó nâng tổng số tàu khai thác hải sản toàn tỉnh lên 1.169 tàu với tổng công suất 78.264CV. Số tàu đủ điều kiện hưởng cơ chế hỗ trợ của tỉnh là 4 tàu, trong đó 3 tàu đóng mới và 1 tàu cải hoán. Số còn lại, các ngư dân đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để được hưởng chính sách ưu đãi của tỉnh. Ông Phạm Hữu Thoại cho biết thêm: Với những đối tượng không nằm trong diện được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 67, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho ngư dân theo Quyết định số 3044, đặc biệt là với tàu cá có tổng công suất máy chính từ 300CV đến dưới 400CV (hỗ trợ 150 triệu đồng/tàu đóng mới và 70 triệu đồng/tàu cải hoán).

 

Nhờ tích cực hỗ trợ ngư dân đầu tư trang thiết bị hiện đại, hiệu quả hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao. Năm 2014, tổng sản lượng khai thác thủy sản ước đạt trên 58.600 tấn, tăng 8,3% so với năm 2013. Từ nay đến tháng 4/2015, Thái Bình đẩy nhanh tiến độ xét duyệt tổ chức, cá nhân đóng mới, nâng cấp tàu cá được hỗ trợ chính sách tín dụng theo Nghị định 67, tổ chức làm điểm, đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời.

 Minh Hương

 

* Ông Lê Tuấn Nghiên, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Thái Bình

 

Nghị định là “cú hích” cho lĩnh vực đóng tàu

 

Ðược thành lập từ năm 1975 trên cơ sở tiền thân của Xí nghiệp Hợp tác xã Nhất Thanh, đến năm 2002 đổi tên thành Xí nghiệp Ðóng tàu Trà Lý và đến tháng 6/2006 đổi thành Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Thái Bình (thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) với ngành nghề chính là đóng mới, sửa chữa tàu thủy và các phương tiện, công trình nổi. Thời gian qua, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cùng với các đơn vị đóng tàu khác trong cả nước, Công ty cũng gặp không ít khó khăn để duy trì hoạt động và phát triển sản xuất. Chính vì thế, Nghị định số 67/2014/NÐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ là “cú hích” cho lĩnh vực đóng tàu phục hồi, đồng thời khuyến khích ngư dân thay đổi tập quán khai thác hải sản từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép và máy có công suất lớn để đánh bắt xa bờ, giúp ngư dân vươn ra khơi xa, từ đó góp phần khai thác tốt trên vùng biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Là 1 trong 5 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh xét duyệt cho phép đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá vỏ thép thực hiện Nghị định số 67, Công ty đang chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để phục vụ nhu cầu của ngư dân. Với kinh nghiệm đóng tàu cá vỏ xi măng lưới thép từ nhiều năm nay, máy móc thiết bị hiện đại do Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam hỗ trợ và các mối quan hệ sẵn có, chắc chắn Công ty sẽ thực hiện tốt việc đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá vỏ thép theo Nghị định số 67, góp phần nâng cao giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản của tỉnh.

 

* Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Diêm Ðiền

 

Hy vọng lĩnh vực đóng tàu sẽ phục hồi trở lại

 

Ði vào hoạt động từ năm 2007, với hai ngành nghề chính là tổng thầu đóng mới các phương tiện tàu thủy và dịch vụ khai thác cảng. Từ năm 2007 đến năm 2010, Công ty đóng mới được trên 20 tàu vận tải biển với trọng tải từ 1.000 - 5.200 tấn giá trị từ 12 - 93 tỷ đồng/tàu. Trong giai đoạn này, Công ty tạo việc làm cho trên 500 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay thị trường vận tải thu hẹp lại, thị trường đóng mới tàu giảm sút nên Công ty chỉ còn sửa chữa, bảo dưỡng tàu. Do đó Công ty đã phải cơ cấu lại nguồn lao động, hiện chỉ còn 75 lao động có trình độ tay nghề cao với thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng. Từ năm 2012 đến nay, Công ty đã sửa chữa được 16 tàu trọng tải từ 1.000 - 2.000 tấn, trong đó chủ yếu là thay thế, bảo dưỡng máy định kỳ. Cũng vì thế mà doanh thu của Công ty đã thụt giảm nhanh chóng.

 

Hai năm trở lại đây, doanh thu bình quân mỗi năm chỉ đạt trên 10 tỷ đồng, trong khi những năm trước đạt từ 100 - 200 tỷ đồng/năm. Với thực trạng khó khăn trên, Công ty đã đặc biệt chú trọng tới các chính sách của Nhà nước về lĩnh vực đóng tàu, nhất là Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Ðây là chính sách rất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, vừa bảo đảm được mục tiêu phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Thực tế hiện nay, phương tiện đánh bắt của bà con ngư dân còn rất thô sơ công suất nhỏ không vươn được khơi xa, không chở được nhiều. Do đó chính sách khuyến khích ngư dân đóng mới tàu vỏ thép là rất hợp lý, bảo đảm cho ngư dân an toàn trong mỗi chuyến ra khơi, đánh bắt hải sản xa bờ với trữ lượng lớn. Ðối với Công ty, Nghị định số 67 của Chính phủ ra đời như một đòn bẩy khôi phục lại lĩnh vực đóng tàu và lực lượng lao động vốn có tay nghề cao. Do đó, Công ty đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, năng lực tài chính, nguồn lao động để đón nhận đơn đặt hàng của các chủ tàu. Ðặc biệt, hiện tại Tổng công ty cũng đã phối hợp với các đối tác Nhật Bản nhập sẵn các linh phụ kiện để đóng mới tàu vỏ thép. Công ty cam kết sẽ đóng hoàn thành trong vòng 2,5 tháng/tàu kể từ ngày nhận đơn đặt hàng.

 

* Ông Nguyễn Hải Âu, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Chung Bảo Tín

 

Mong muốn sớm được chấp thuận dự án dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy hải sản

 

Ðược phép đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên theo Nghị định số 67 của Chính phủ là một cơ hội tốt cho Công ty. Năm 2008, Công ty được thành lập với ngành nghề chính là chế biến thủy hải sản, sửa chữa và đóng mới tàu, thuyền. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, giá nguyên, nhiên liệu ngày càng tăng cao, vốn vay lãi suất cao nên bà con ngư dân không đóng mới tàu vỏ gỗ. Vì thế, Công ty cũng chưa nhận được hợp đồng đóng mới nào mà mới chỉ thực hiện nâng cấp, cải hoán 150 chiếc tàu vỏ gỗ công suất từ 100 - 150CV lên 200 - 400CV. Tính bình quân chi phí cho một cặp tàu cải hoán bà con ngư dân cũng phải bỏ ra trên 1 tỷ đồng trong khi nguồn vốn hầu như ai cũng thiếu, phải đi vay bên ngoài với lãi suất cao. Một chuyến đi đánh bắt từ 5 - 7 ngày chi phí cũng lên tới hàng trăm triệu đồng, trong đó chỉ tính riêng chi phí về dầu, 1 ngày 1 đêm đã mất khoảng 24 triệu đồng/đôi tàu.

 

Ngay từ khi thành lập, Công ty đã đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng cảng dài trên 100m làm chỗ neo đậu tàu, thuyền cho ngư dân, đồng thời trực tiếp thu mua cá cho các hộ tại cảng với sản lượng bình quân từ 500 - 700 tấn cá nguyên liệu/tháng với giá cả hợp lý. Ðể phát triển Công ty hơn nữa, trực tiếp thu mua hải sản cho ngư dân trên địa bàn, nhiều năm nay Công ty đã xây dựng dự án dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến thủy hải sản. Tuy nhiên, đã nhiều lần đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét duyệt nhưng dự án vẫn không được chấp thuận. Hy vọng Nghị định số 67 của Chính phủ ra đời Công ty sẽ được chấp thuận và sẽ được vay vốn ưu đãi để mua các trang thiết bị hiện đại vào sản xuất như kho bảo quản, cấp đông, tàu thu mua, khu chế biến. Ngoài ra, Công ty cũng đề nghị các ngành chức năng sớm vào cuộc để các chủ tàu sớm được hưởng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

 

* Ông Nguyễn Văn Tuấn, Doanh nghiệp tư nhân Cơ khí Công nghiệp tàu thủy Nguyễn Văn Tuấn

 

Sẵn sàng đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá vỏ thép

 

Là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sửa chữa, đóng mới tàu thủy (tàu vỏ thép, tàu có thiết kế phức tạp) và ca nô, từ khi thành lập đến nay, Doanh nghiệp tư nhân Cơ khí Công nghiệp tàu thủy Nguyễn Văn Tuấn (xã Minh Tân, Kiến Xương) đã đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng và máy móc thiết bị hiện đại bảo đảm đủ điều kiện thi công các loại tàu vận tải biển, kể cả các loại tàu chuyên dụng với trọng tải lên tới 7.000 tấn. Trung bình mỗi năm, Doanh nghiệp đóng mới 3 - 4 chiếc tàu có trọng tải từ 2.000 - 2.500 tấn và 6 - 7 chiếc tàu có trọng tải từ 3.000 - 5.200 tấn; nâng cấp và sửa chữa hàng chục chiếc tàu, thuyền các loại; tạo việc làm cho hơn 300 lao động với thu nhập trung bình 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Ðể được UBND tỉnh xét duyệt đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá vỏ thép thực hiện Nghị định số 67/2014/NÐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Doanh nghiệp đã tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của ngư dân. Cùng với việc nâng cấp mặt bằng tại khu vực sản xuất với tổng diện tích hơn 5.000m2, Doanh nghiệp còn lập kế hoạch đầu tư thêm một số trang thiết bị cần thiết phục vụ cho đóng mới tàu cá vỏ thép. Bên cạnh đó, Doanh nghiệp còn tích cực chuẩn bị nhân sự với đội ngũ lao động có bề dày kinh nghiệm nhằm hoàn thành đúng tiến độ đề ra với chất lượng tốt nhất; tìm hiểu các cơ chế, chính sách ưu đãi về phát triển thủy sản và các mẫu tàu vỏ thép. Ngoài ra, Doanh nghiệp còn thành lập thêm Phòng Hỗ trợ khai thác gồm 4 kỹ sư thủy sản và kỹ sư khai thác thủy sản thực hiện chức năng hướng dẫn ngư dân sử dụng các công cụ, thiết bị và cách tổ chức ra khơi, đánh cá. Ðến nay, mọi công tác chuẩn bị cho đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá vỏ thép ở Doanh nghiệp tư nhân Cơ khí Công nghiệp tàu thủy Nguyễn Văn Tuấn đã sẵn sàng.

 

* Ông Ðỗ Quý Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Ðóng tàu Ðại Dương

 

 

Công ty Cổ phần Ðóng tàu Ðại Dương tiến hành sửa chữa hàng chục tàu trọng tải từ 5.000 - 7.300 tấn.

 

Các ngành chức năng vào cuộc tích cực để Nghị định 67 thực sự đi vào cuộc sống

 

Là Công ty chuyên đóng tàu vận tải với trọng tải lớn, nhưng vẫn rất quan tâm tới các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực phát triển tàu khai thác thủy sản. Từ khi thành lập tới nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế nói chung, lĩnh vực đóng tàu nói riêng, nhưng Công ty đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, hoàn toàn chủ động nguồn vốn, sản xuất kinh doanh có lãi. Từ năm 2008 đến năm 2012 Công ty đã đóng mới được 20 tàu có trọng tải từ 5.000 - 7.300 tấn/tàu với giá trị bình quân 100 tỷ đồng/tàu. Từ năm 2013 tới nay, Công ty không có đơn hàng đóng mới và chỉ thực hiện sửa chữa cho khoảng 90 tàu. Từ hơn 1.000 công nhân trong những năm đầu, đến nay Công ty đã cắt giảm chỉ còn gần 200 công nhân với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nghị định số 67/2014/NÐ-CP ra đời là cơ hội tốt để tỉnh ta hiện đại hóa và phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thực tế trong giai đoạn vừa qua, nhiều vùng biển của Việt Nam bị bỏ trống, lực lượng chức năng chưa giám sát được hết, do đó việc tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đóng tàu vỏ thép sẽ góp phần cho hoạt động giám sát trên vùng biển của Việt Nam. Khi những chiếc tàu kiểm ngư cùng với đội tàu cá vỏ thép xa bờ cùng hoạt động sẽ tạo sự đồng bộ của việc khai thác trên biển ở nước ta. Ngoài ra, so với loại tàu của ngư dân đang dùng hiện nay thì tàu đánh cá vỏ thép đi biển an toàn hơn, tính năng cơ động cao, có thể đi dài ngày, chịu sóng gió tốt, khả năng đánh bắt hải sản hiệu quả hơn. Theo Nghị định số 67 thì ngư dân sẽ được hỗ trợ nhiều về nguồn vốn vay ưu đãi. Chính sách hỗ trợ này sẽ giúp ngư dân thêm yên tâm bám biển để vừa khai thác hải sản vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Về phía Công ty, nếu nhận được các đơn đặt hàng sẽ là điều kiện tốt để các công nhân có thêm việc làm, tăng thu nhập. Ðặc biệt, trong lĩnh vực đóng tàu, vận tải biển đang gặp khó khăn như hiện nay thì Nghị định số 67 của Chính phủ như một cú hích động viên, khích lệ kịp thời các doanh nghiệp đóng tàu vực dậy. Do đó, hơn lúc nào hết mong muốn các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt, sát sao để các đơn vị đóng tàu cùng với ngư dân sớm được hưởng chính sách ưu đãi có hiệu quả.

 

  • Từ khóa