Thứ 4, 24/07/2024, 00:29[GMT+7]

Sản xuất chăn nuôi trong điều kiện hội nhập

Thứ 2, 23/11/2015 | 09:44:02
1,243 lượt xem
Năm 2015 được lấy là năm hội nhập, trong đó Việt Nam đã tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mặc dù còn thời gian chuẩn bị 10 năm nhưng với sức ép lớn của TPP đối với ngành chăn nuôi, nhất là đối với các sản phẩm thịt lợn, thịt gà khi thuế suất về mức 0% đòi hỏi ngành chăn nuôi cả nước nói chung, Thái Bình nói riêng phải đẩy mạnh tái cơ cấu, tạo chuyển biến tích cực.

Chăn nuôi theo mô hình gia trại của nông dân Vũ Thư. Ảnh: Mạnh Thắng

Thực tiễn kết quả đạt được đã khẳng định, sản xuất chăn nuôi của tỉnh luôn duy trì thường xuyên tổng đàn gia súc, gia cầm lớn trong cả nước và của vùng. Đến nay, toàn tỉnh có đàn lợn trên 1 triệu con, đàn gia cầm trên 11 triệu con, đàn trâu, bò 50.000 con. Sản xuất chăn nuôi còn là lĩnh vực quan trọng, giải quyết việc làm cho nhiều người trong độ tuổi lao động. Giai đoạn 2010 - 2015, trong giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh, tỷ trọng chăn nuôi tăng từ 28,3% (năm 2011) lên 34% (năm 2014). Trong bối cảnh nhiều ngành, nhiều lĩnh vực tăng trưởng chậm, thậm chí không tăng thì sản lượng thịt hơi xuất chuồng vẫn tăng đều qua từng năm: năm 2014 gấp hơn 2 lần so với năm 2005 (từ 89.000 tấn lên 190,4 nghìn tấn); sản lượng thịt gà tăng hơn 10.000 tấn, từ 18.500 tấn năm 2011 lên 30.800 tấn năm 2014.

Góp phần vào kết quả đó có vai trò tham mưu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi như quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, hỗ trợ vốn vay và lãi suất, chính sách hỗ trợ con giống, khoa học công nghệ, Đề án phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020… Hành lang pháp lý, cơ chế trên đã góp phần chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng tích cực, chăn nuôi trang trại phát triển mạnh, chăn nuôi nông hộ nhỏ ngày càng giảm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 728 trang trại đạt tiêu chí kinh tế trang trại, gồm 546 trang trại chăn nuôi lợn, 128 trại chăn nuôi gia cầm, 51 trang trại chăn nuôi tổng hợp và 3 trang trại chăn nuôi trâu, bò; trong đó có 74 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tăng 32 trang trại so với năm 2012. Số lượng gia trại chăn nuôi gồm 21.560 gia trại, tăng 6.108 gia trại so với năm 2012, trong đó 9.507 gia trại nuôi lợn, 2.179 gia trại nuôi gia cầm, 1.044 gia trại nuôi trâu, bò, 8.830 gia trại nuôi tổng hợp. Chăn nuôi gia trại áp dụng khá triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và quy trình VietGAP. Khoa học kỹ thuật được ứng dụng mạnh mẽ, Thái Bình là tỉnh có phong trào thụ tinh nhân tạo cho lợn cao (khoảng 80% tổng đàn lợn nái trong tỉnh). Tốc độ nạc hóa đàn lợn diễn biến khá nhanh, năm 2012 toàn tỉnh có khoảng 15% nái lai và nái ngoại, đến năm 2015 đàn nái lai và nái ngoại chiếm 41,15% tổng đàn. Đàn gà màu có năng suất, giá trị cao, chất lượng thịt thơm ngon chiếm khoảng 80% tổng đàn gà, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Công nghệ chuồng nuôi khép kín, chăn nuôi tự động và bán tự động cũng như công nghệ xử lý môi trường chăn nuôi bằng hồ phủ bạt, hầm biogas bằng vật liệu composite được ứng dụng khá rộng rãi. Xây dựng được các vùng thực hành chăn nuôi tốt tại 8 xã thuộc 4 huyện và tiếp tục nhân rộng mô hình ra các xã trên địa bàn tỉnh (đến nay đã có 48/286 xã, phường, thị trấn nhân rộng GAHP). Toàn tỉnh đã có 2 HTX chăn nuôi và bước đầu thành lập 10 tổ hợp tác chăn nuôi. Mô hình liên kết chuỗi sản phẩm từ sản xuất chăn nuôi - cơ sở giết mổ - chợ thực phẩm được hình thành, góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp tăng năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về giống và thức ăn chăn nuôi cũng được tăng cường.

Trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Lại Hữu Miễn (thôn Vinh Quan, xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng). Ảnh: Trịnh Cường

Bên cạnh những thuận lợi, ngành chăn nuôi cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như chi phí sản xuất cao, giá thành sản phẩm bấp bênh, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường... Mặt khác, khi hội nhập TPP, cả chất lượng, giá cả, mẫu mã, hình thức sản phẩm chăn nuôi cả nước nói chung, của tỉnh nói riêng đang thua kém so với nước ngoài, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch trong chăn nuôi. Toàn ngành chăn nuôi xác định phải tập trung, nỗ lực hơn nữa, trước hết là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, qua đó rà soát lại khâu yếu như giá thành cao, an toàn thực phẩm, kinh nghiệm thương mại... để thay thế, điều chỉnh.

Ông Bùi Trọng Lâm, Chủ tịch UBND xã An Ninh, huyện Tiền Hải

Để Thái Bình trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về chăn nuôi, ngành chăn nuôi cần nhanh chóng thực hiện tái cơ cấu theo đề án Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt; rà soát, tính toán lại cơ cấu sản phẩm để cân đối chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò..., phát huy lợi thế của từng khu vực; tập trung vào yếu tố chất lượng, bao gồm cả chất lượng sản phẩm và con giống.

Ông Trần Tiến, chủ trang trại chăn nuôi xã An Bồi, huyện Kiến Xương

Mặc dù Nhà nước đã có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi, tuy nhiên, tiến độ triển khai hướng dẫn còn chậm, khả năng tiếp cận chính sách ưu đãi của doanh nghiệp còn hạn chế. Theo tôi, cần có cơ chế đủ mạnh để thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, nhất là đầu tư vào công nghiệp chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ

Khi tham gia TPP, cùng với thụ hưởng những lợi ích Hiệp định này mang lại, ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, trong đó đáng lo ngại nhất là giá thành sản xuất cao. Nguyên nhân chính khiến giá thành sản xuất cao khi đến tay người tiêu dùng là do sản phẩm phải qua quá nhiều khâu trung gian; sản xuất chăn nuôi chưa theo chuỗi giá trị mà bị cắt khúc, mỗi công đoạn lại phải tính toán để có lợi nhuận nên đẩy giá thành lên cao. Các cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết bài toán này để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Phan Lợi

  • Từ khóa