Thứ 4, 31/07/2024, 07:22[GMT+7]

Ly kỳ lặn sông tìm... cá giống!

Thứ 3, 31/08/2010 | 08:44:16
780 lượt xem
Muốn có con giống, đến mùa cá sinh sản, dân chài phải lặn xuống đáy sông, bắt cá từ sông đưa vào lồng.

Nghề nuôi cá ké lồng giúp dân chài Tân Phong thoát đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống.

Vài năm nay, ngư dân vạn chài Tân Phong, xã Cẩm Phong, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) rộ nghề nuôi cá ké lồng. Đây là loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao, với giá bán ra tại gốc từ 200.000 - 300.000 đồng/kg. Nhiều gia đình ở Tân Phong đã thoát khỏi đói nghèo nhờ loài cá đặc biệt này.
 
Vậy nhưng, hành trình tìm giống cá đặc sản này vẫn mãi là câu chuyện kỳ lạ.
 
Đặc sản thượng nguồn
 
Tân Phong có nghề truyền thống là đánh bắt và nuôi cá lồng. Năm 2007, các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện đến cơ sở và nhiều nhà từ thiện phối hợp đã kéo hơn 100 hộ dân vạn chài lên bờ sinh sống. Tân Phong nhận được nhiều chương trình hỗ trợ, nhất là việc mở các lớp tập huấn cách chăm sóc và phòng chống bệnh cho cá, sửa chữa thuyền bè...
 
Xưa nay, cá nuôi lồng ở Thanh Hóa nói chung và Tân Phong nói riêng chủ yếu là trắm cỏ. Vậy nhưng "mấy năm nay nước sông ô nhiễm, thức ăn cho cá khan hiếm, cỏ đồng bị nhiễm độc từ thuốc trừ sâu, trừ cỏ... cá trắm sinh nhiều bệnh lắm! Có năm dịch tụ huyết trùng bùng phát, cá chết sạch dân chúng tôi lại trắng tay" - một lão ngư tên Bình của xóm chài Tân Phong cho biết.
 
Cái khó ló cái khôn! Một số dân chài đã tự lần mò, tìm giống cá mới từ tự nhiên có thể thích ứng điều kiện sống ở khúc sông này. Họ đã tìm ra một loại cá đặc sản có tên là cá ké. Loài cá này đã được các ngư dân thuần hóa để nuôi lồng và trở thành đặc sản, có giá trị kinh tế cao.
 
Lặn, mò đáy sông  tìm... giống
 
Cá ké có đặc thù riêng là chỉ sống ở nơi nước chảy xiết. Loài cá này cư ngụ ở các gầm đá, bám sát đáy sông, chỉ có dân chài chuyên nghiệp mới đánh bắt được. Các lão ngư dạn dày kinh nghiệm cho hay, ở Thanh Hóa giống cá này chỉ sống tại thượng nguồn sông Mã, sông Chu, còn trên các sông khác của cả nước, cá ké rất hiếm.
 
"Nhiều khi đi cả tháng trời, lên tận thượng nguồn sông Chu, phía trên đập Bái Thượng, khó lắm mới bắt được con giống cô ạ!", ông Trần Quang Vinh - một trong những người đầu tiên nuôi cá ké ở Tân Phong cho biết.
 
Tuy nhiên, cá ké khi nuôi lồng lại không có khả năng sinh sản. Nhiều người cho rằng có lẽ do điều kiện tự nhiên, nước chảy xiết lại sạch sẽ hơn nên cá mới đẻ. Hiện tại cũng chưa cơ quan nông, thủy sản nào đứng ra nhân giống.
 
Muốn có con giống, mỗi năm đến mùa cá sinh sản, dân chài đều phải lặn xuống đáy sông, bắt cá từ sông đưa vào lồng. Họ tự nhân giống bằng việc dùng chài, lưới, câu... để đánh bắt cá giống.

Cá ké sinh sản theo mùa thường từ tháng 3 - 9 hàng năm, khi mùa nước hoa mơ về mới bắt được, mùa nước trong đố mà nhìn thấy cá ké nào xuất hiện. Ông Vinh cho biết: "Cá ké bà con đang nuôi hoàn toàn là giống tự nhiên. Đầu tiên là một vài người đánh cá ở sông rồi thả lồng nuôi thử. Thấy cá có khả năng thích nghi, phát triển tốt, bà con theo nhau lặn ngụp đáy sông bắt giống về nuôi".
 
Với một số dân chài đánh cá chuyên nghiệp và có kinh nghiệm, ngoài nguồn thu từ nuôi cá ké, họ còn có thêm khoản thu nhập khá lớn từ việc bán giống cho những gia đình không đánh bắt được.
 
Mãi vẫn là... tự phát
 
Ở khúc sông này chỉ có cá ké nuôi lồng sống đảm bảo. Ở tự nhiên, cá sinh trưởng, phát triển nhanh. Khi đưa vào lồng, cá sinh trưởng chậm hơn, khoảng 1kg/năm nhưng giá bán cao tính ra vẫn có lãi. Từ vài người, nay nhà nào ở Tân Phong cũng có vài lồng cá ké.
 
Để phát triển nghề, mở rộng mô hình nuôi cá ké cần có vốn đầu tư làm lồng, thức ăn cho cá.

Hầu hết các gia đình có thể bắt được con giống nhưng đặc tính cá ké sống môi trường rộng, mỗi lồng chỉ nuôi khoảng chục con. Đây là giống cá chỉ ăn đồng loại nên chi phí thức ăn rất cao.
 
Theo ông Trần Quang Vinh: "Hiện nay cả nước chưa có cơ quan nào nghiên cứu nhân giống cá ké. Chưa có nơi nào ngoài Tân Phong nuôi cá này. Vậy nhưng, đến nay tất cả chỉ nuôi theo mô hình gia đình theo kinh nghiệm nghề sông nước, chứ cả thôn cũng chưa có gia đình nào nuôi theo hệ thống trang trại".
 
Có nghĩa là việc nuôi cá cũng đang "thủ công", tự phát như việc tìm và nhân giống cá!
 
Từ khi bán ra thị trường, nghe tiếng cá đặc sản, nhiều nơi đặt mua. Hiện nay, nhiều nhà hàng đặt mua cá ké, tự tìm về Tân Phong nhập hàng, các lồng cá luôn trong tình trạng khan hiếm hàng cung cấp ra thị trường.
 
Ông Vũ Xuân Vường, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phong tự hào: "Cách đây không lâu, Tân Phong rất khó khăn. Với sự nỗ lực vươn lên, khẳng định mình của bà con Tân Phong đã tìm tòi, phát hiện nghề nuôi cá ké đặc sản. Vài năm lại đây, đời sống bà con thay đổi vượt bậc, không còn hộ đói, hộ nghèo".
 
Được biết, tới đây các chủ lồng cá sẽ mở rộng quy mô phát triển nghề nuôi cá ké lồng và sẽ là nguồn thu chính của bà con Tân Phong.
 
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người thắc mắc là không hiểu vì sao, một loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như vậy, được bà con dân chài "thuần chủng" và thử nghiệm thành công việc nuôi lồng nhưng vẫn chưa có cơ quan chuyên môn nào tìm đến để nghiên cứu, phát triển?

Nghề nuôi các ké lồng ở Tân Phong vẫn phát triển rất tự phát. Và sẽ còn mờ mịt lắm, người dân Tân Phong mới tính đến chuyện thôi nghề lặn đáy sông để bắt... cá giống!
 
Theo giadinh.net
 
 
 
 
  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày