Thứ 2, 12/08/2024, 22:20[GMT+7]

Giá trị Việt trên xứ Bạch Dương

Thứ 6, 01/10/2010 | 13:45:59
1,632 lượt xem
Có một nơi ở châu Âu, những thương hiệu, giá trị nhân văn nước Việt đã trở thành đỉnh cao. Nơi ấy, hơn 10.000 người con đất Việt vẫn đêm ngày hướng về Tổ quốc, đặc biệt trong những ngày Đại lễ. Đó là xứ Bạch Dương.

Một trong những trung tâm thương mại của người Việt.

Thương hiệu Việt bên bờ Biển Đen

Nói đến vị thế của người Việt ở Ukraine, phải tính từ thời điểm hai doanh nghiệp lớn của người Việt là SunGroup và VinGroup Ukraine liên tục gây ấn tượng với những thành công nổi bật trên thương trường.

Đó là thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế Ukraine sau khi Liên Xô tan rã, chính các doanh nhân người Việt đã thành lập nhà máy, sản xuất mì ăn liền và hướng dẫn người Ukraine sử dụng món thực phẩm này. Vừa kinh doanh song cũng vừa góp phần giúp người dân Ukraine vượt qua thời điểm khó khăn về lương thực.

Bây giờ đến Ukraine, cầm một gói mì tôm, hay một sản phẩm ăn liền nào đó và hỏi người dân đây là món gì, bạn sẽ chỉ nhận được một câu trả lời: MIVINA (viết tắt của Mì Việt Nam).

Sau MIVINA, các doanh nghiệp Việt liên tục gặt hái thành công lớn trong lĩnh vực thương mại và xây dựng. Chính họ đã xây dựng nên hai ngôi làng Việt rộng rãi, hiện đại dành riêng cho người Việt mang tên Làng Thời đại ở thành phố Kharkov và Làng Sen ở Thành phố cảng Odessa.

Họ cũng là chủ nhân của hàng loạt bất động sản tọa lạc tại những vị trí đắc địa, nhà máy xí nghiệp với hàng nghìn công nhân, sở hữu Trường Mẫu giáo - Tiểu học Mùa Xuân dạy tiếng Việt và ưu tiên cho con em người Việt; có ký túc xá Búa Liềm dành cho học sinh Việt Nam…

Bây giờ, nhiều người dân Ukraine cũng mong có được cuộc sống như người Việt. Rất nhiều lao động Ukraine mơ ước được làm việc trong các công ty Việt Nam.

Tinh thần Việt nơi Bạch Dương tuyết trắng

Đến Ukraine thăm trụ sở Hội người Việt Nam ở tỉnh Kharkov, hẳn nhiều người đã rất nhiều ngạc nhiên khi thấy sự hiện diện ở một câu khẩu hiệu khá lạ: “Phải biết mình là ai, ở đâu và làm gì?”

Trong thư viện của Ký túc xá Búa Liềm.

Có lẽ cũng hiếm có nơi nào trên thế giới mà cộng đồng người Việt luôn đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và tất cả mọi người đều sinh hoạt trong các tổ chức Đảng, Đoàn, Hội doanh nhân, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ… như ở Ukraine. Đây cũng là một cách mà người Việt ở đây thể hiện truyền thống văn hóa, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc của mình.

Ở Odessa, có một công dân Việt là niềm tự hào chung của người dân thành phố, đó là Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh, Phó TSKH, chuyên gia phẫu thuật cao cấp, Trưởng Khoa ngoại Bệnh viện Lao, người Việt đầu tiên được tổng thống Ukraine phong tặng danh hiệu cao quý “Bác sĩ công huân Ukraine”. Rồi đây chắc chắn sẽ có thêm nhiều “con Lạc cháu Hồng” tiếp tục vinh danh đất nước. Trên đất khách quê người, những giá trị nhân văn Việt Nam càng thêm rạng rỡ. Mọi ân tình với nước Việt đều được đền đáp bằng sự thủy chung, nồng hậu.

Người Việt ở Ukraine rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện của nước sở tại. Từ nguồn quỹ Ngôi sao phương Đông, hàng tháng các tổ chức xã hội của bạn, như Hội người tàn tật, Nhà trẻ mồ côi… đều nhận được những tấm lòng thơm thảo của cộng đồng người Việt.

Có rất nhiều người trong cộng đồng gần 10.000 người con đất Việt ở Ukraine mong muốn có mặt trong thời điểm Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Nhưng với khoảng cách hàng chục ngàn cây số, gần 20 giờ bay mải miết, việc trở về quê hương ngay trong dịp này thật không dễ gì.

Trong các dịp lễ, Tết, ngày chiến thắng phát xít, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước…, cộng đồng Việt đều cử đoàn đi thăm những cựu chiến binh Ukraine từng sang giúp Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cụ nào tuổi cao sức yếu về với tổ tiên đều có đại diện cộng đồng người Việt tới phúng điếu, chia buồn.    

Trong một đất nước có nhiều sự thay đổi bất ngờ như ở Ukraine, cộng đồng Việt, doanh nghiệp Việt vẫn giữ mối quan hệ hữu hảo, thủy chung với tất cả các bên, từ những người đương chức đến những ai đã mất quyền. Văn hóa ứng xử đó đã thực sự gây ấn tượng với nhiều người dân Ukraine.

Một vị quan chức sở tại đã từng hỏi một doanh nhân Việt Nam: “Sao các ông vẫn tốt với mấy người đã nghỉ rồi thế? Họ đâu có giúp gì được cho các ông nữa?”. Doanh nhân Việt Nam đã trả lời: “Ai cũng có một thời thôi. Chúng tôi và ngài đây có thể cũng như vậy. Vì thế chúng tôi trân trọng tất cả”. Câu trả lời và phương châm xử thế ấy đã nhận được sự trân trọng của giới lãnh đạo chính quyền địa phương, khắc sâu thêm ấn tượng đẹp đẽ về tinh thần nhân văn Việt Nam.

Tấm lòng hướng về Tổ quốc

Chùa Việt Trúc Lâm Kharkov.

Thành công rực rỡ trên mọi phương diện, được người dân và chính quyền sở tại ở Ukraine trân trọng, vị nể, Cộng đồng người Việt và các doanh nhân Việt Nam vẫn khôn nguôi hướng về Tổ quốc.

Khi nhắc đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Cơ, Tổng Biên tập tờ Tuần tin Quê hương, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov, một người con Hà Nội, nhà ở làng Kim Liên xưa không giấu được vẻ tiếc nuối: “Tôi mới về thăm gia đình, giờ không thể về Hà Nội dịp tổ chức đại lễ 1.000 năm thấy tiếc và day dứt quá!”

Sẽ có rất nhiều người trong cộng đồng gần 10.000 người con đất Việt ở Ukraine mong muốn có mặt trong thời điểm Thăng Long - Hà Nội tròn nghìn năm tuổi như ông Nguyễn Trọng Cơ.

Hướng về Thăng Long - Hà Nội, những người Việt ở Ukraine đã tổ chức Đại nhạc hội Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long quy tụ 60 nghệ sĩ trong nước sang biểu diễn; đấu giá kỷ vật Rồng Thăng Long với 110.000 USD cùng 80.000 USD của cộng đồng ủng hộ quỹ từ thiện Cuộc sống vẫn tươi đẹp; tổng kết trao giải cuộc thi bút ký, phóng sự, truyện ngắn chủ đề Thăng Long Hà Nội - Trái tim của cả nước và kiều bào Việt Nam trên toàn thế giới.  

Và trên hết, tất cả những “con Lạc cháu Hồng” ở Ukraine luôn hướng về quê hương đất nước bằng cách tiếp tục nâng niu, trân trọng và làm bừng sáng những giá trị Việt nơi trời Âu này. 

 

Theo VOV

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày