Thứ 5, 01/08/2024, 13:16[GMT+7]

Giữ đất lúa để chống đói nghèo

Thứ 5, 14/10/2010 | 07:23:26
1,653 lượt xem
Tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ khiến diện tích đất nông nghiệp giảm dần, đe dọa đến an ninh lương thực. Vì thế, làm sao giữ ổn định đất lúa đang là câu hỏi được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đặt ra. Đây cũng là lý do mà Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO) đưa ra chủ đề: Chung tay chống đói nghèo cho Ngày lương thực thế giới năm nay.

Giữ ổn định đất lúa là giải pháp quan trọng đảm bảo ANLT.

Chung tay chống đói nghèo

Theo FAO, năm 2009, thế giới có 1 tỷ người thiếu đói mà nguyên nhân chính là giá lương thực tăng do đại khủng hoảng kinh tế.

Ông Jacques Diouf, Tổng giám đốc FAO cho rằng, sản xuất lương thực sẽ phải tăng 70% để cung cấp cho 9 tỷ dân vào năm 2050. Tuy nhiên, với tình trạng khan hiếm đất canh tác, nông dân buộc phải đạt được sản lượng cao hơn trên diện tích hiện đã và đang sử dụng.

“Với chủ đề Chung tay chống đói nghèo, Ngày lương thực thế giới năm nay, FAO muốn nhấn mạnh tới sự cần thiết phải triển khai một cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp. Tăng sản lượng lương thực lớn để mọi người đều có khả năng tiếp cận là nhiệm vụ không của riêng ai. Để thực hiện được điều đó, cần sự chung tay của các chính phủ, viện nghiên cứu, các hiệp hội... Hơn lúc nào hết, các nước cần mở rộng quy mô sản xuất lương thực tới mức đủ để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, có thể thông qua những bộ luật giúp bình ổn quyền sử dụng đất để nông dân yên tâm về đất đai của họ và áp dụng các biện pháp sản xuất mang tính bền vững cao”, ông Jacques Diouf nói.

Chia sẻ quan điểm này, bà Yuriko Shoji, Trưởng văn phòng đại diện FAO tại Hà Nội nói: “Chống đói nghèo là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách đối với các quốc gia, đặc biệt là với Việt Nam, nước có nền sản xuất nông nghiệp lớn”.

Bà Yuruki Shoji cho biết, FAO cam kết cùng các tổ chức khác tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc chống đói nghèo, sản xuất nông nghiệp bền vững. Trước mắt, FAO hỗ trợ một số dự án về sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững ở miền núi phía Bắc.

Giữ đất trồng lúa - nhiệm vụ bắt buộc

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT khẳng định: “Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo cung ứng đủ lương thực cho 1 triệu người tăng lên mỗi năm. Hiện, Việt Nam chưa phải đối mặt với việc thiếu hụt lương thực, bằng chứng là lượng gạo xuất khẩu đạt trên dưới 6 triệu tấn/năm”.

Tuy nhiên, bà Thu cũng thừa nhận, sản xuất nông nghiệp của nước ta còn tồn tại không ít khó khăn, yếu kém mà chủ yếu do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... Ngoài ra, giá lương thực tăng cũng làm tăng khả năng tổn thương cho một số nhóm người và một số vùng, nhất là những vùng có tỷ lệ nghèo cao như miền núi, vùng sâu, vùng xa... Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã có hơn 284.000 lượt hộ với gần 2,654 triệu khẩu bị thiếu đói, tập trung ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Đề án an ninh lương thực. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, diện tích đất trồng lúa phải giữ ở mức 3,8 triệu hecta (hiện nay là 4,1 triệu hecta).

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng: “Vài năm nữa, khi đất trồng lúa giảm nhiều, biến đổi khí hậu diễn ra trầm trọng... thì khó có thể nói trước điều gì. Do đó chúng ta phải có kế hoạch đối phó một cách chủ động”. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn, kỹ thuật canh tác cho người trực tiếp sản xuất lúa ở vùng khó khăn, vùng thường xuyên thiếu đói để bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ, từng bước rút ngắn chênh lệch giữa các vùng; tiếp tục miễn thuỷ lợi phí cho diện tích đất trồng lúa có hệ thống thuỷ lợi, ưu tiên phát triển thuỷ lợi nhỏ ở miền núi, hỗ trợ phát triển các hình thức hợp tác sản xuất lương thực trên cơ sở liên kết sản xuất với tiêu thụ, có chính sách ưu tiên đối với các địa phương chuyên sản xuất lúa...

Kinhtenongthon

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày