Thứ 6, 02/08/2024, 17:14[GMT+7]

Nhã nhạc cung đình Huế trước thách thức bảo tồn

Thứ 5, 17/05/2012 | 10:33:32
3,796 lượt xem
Tháng 11/2008, Nhã nhạc cung đình Huế đã trở thành 1 trong 90 di sản đầu tiên được ghi vào Danh sách đại diện của Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên Hiệp quốc (UNESCO) về Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là niềm tự hào của Việt Nam. Nhưng làm sao để giữ gìn và phát huy bản sắc của loại hình nghệ thuật sang trọng này khi cùng với thời gian, những nghệ nhân thực sự am hiểu về Nhã nhạc càng ít dần?

Từ di sản của nhân loại

Nhã nhạc là thể loại nhạc của cung đình thời phong kiến, khởi nguồn dưới triều nhà Hồ (1400 - 1407) và cực thịnh vào thời Nguyễn (1802 - 1945). Đây là loại hình âm nhạc thiêng liêng, chỉ dùng trong các dịp đại lễ trang trọng của triều đình và những cuộc cúng tế thần linh, tổ tiên của triều đại. Theo đánh giá của UNESCO, trong các thể loại nhạc cổ truyền Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia.
 
Nghệ thuật Nhã nhạc cung đình Huế đã đâm chồi nảy lộc từ sự quan tâm của những người yêu loại hình nghệ thuật này và nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Tính đến năm 2003, khi UNESCO công nhận Nhã nhạc là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại thì bộ môn nghệ thuật này đã có lịch sử hơn nửa thế kỷ gìn giữ và bảo tồn. Đầu tiên phải kể đến đức Từ Cung - thân mẫu của vua Bảo Đại. Sau năm 1945, bà đứng ra bảo trợ và duy trì đội Nhã nhạc cung đình dưới biên chế của đoàn Ba Vũ cổ nhạc. Đoàn tồn tại cho đến năm 1975 thì tan rã. Các nhạc công của đoàn mỗi người mỗi ngả, làm nhiều việc để kiếm sống, hầu như ít ai nhắc đến hai từ Nhã nhạc.
 
Đến năm 1992, trong dịp Festival văn hóa Việt - Pháp, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa -Thông tin Thừa Thiên-Huế và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô, dàn đại nhạc và tiểu nhạc đã được dựng lại. Trên thành quả của liên hoan và sự quy tụ một số lượng lớn các nghệ nhân, cùng năm đó, CLB Nhã nhạc Phú Xuân ra đời với những nhạc công đẳng cấp như các cụ Trần Kích, Hồ Viết Châu, Trần Thảo... Năm 1993, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mời các nghệ nhân biểu diễn trong điện Thái Hòa, sau đó động viên họ đứng ra tuyển chọn đội ngũ kế cận và truyền dạy tại nhà. Năm 1994, giáo sư Tôn Thất Tiết về nước nhận bảo trợ cho các nghệ nhân Nhã nhạc. Lần đầu tiên một đoàn Nhã nhạc ra đời, lấy nòng cốt là CLB Phú Xuân, năm 1995 đoàn sang Pháp biểu diễn và thu băng. Năm 1996, đĩa ghi âm Nhã nhạc đầu tiên được phát hành tại Pháp và lọt vào top 10 đĩa CD hay nhất của Pháp trong năm. Năm 2002, Bộ Văn hóa -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch) giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiến hành xây dựng bộ hồ sơ Nhã nhạc để đệ trình lên UNESCO công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại. Năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế chính thức được UNESCO vinh danh.
 
Đến thách thức bảo tồn
 
Ngay sau đó, Việt Nam đã xây dựng một chương trình hành động quốc gia nhằm bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị của Nhã nhạc. Chương trình này được UNESCO lựa chọn và chấp thuận tài trợ, nguồn vốn từ quỹ uỷ thác Nhật Bản và đối ứng của phía Việt Nam (hơn 300.000 USD). Sau 3 năm thực hiện, dự án đã thu được kết quả rất khả quan ở nhiều phương diện và được Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đánh giá là mẫu mực trong khu vực về tính hiệu quả. Lo ngại về sự mất dần nghệ nhân có khả năng trình diễn và hiểu biết về Nhã nhạc, ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Phó trưởng ban điều hành dự án cho biết: “Qua dự án, 20 nhạc công tuổi từ 16-20 đã được đào tạo bài bản. ưu điểm của các nhạc công trẻ này là ngoài khả năng trình diễn Nhã nhạc, họ còn được cung cấp phương pháp luận. Nhờ đó, các em có nền tảng văn hoá, hiểu được các giá trị của di sản để có nghĩa vụ bảo tồn và phát huy tốt hơn”.
 
Không chỉ bảo tồn, dự án còn quảng bá và phát huy các giá trị của Nhã nhạc khi thường xuyên tuyên truyền, biểu diễn cho công chúng trong và ngoài nước thưởng thức. Ngoài ra, dự án còn tổ chức các buổi nói chuyện có minh hoạ của giáo sư Trần Văn Khê dành cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao nhận thức của lớp trẻ về Nhã nhạc.
 
Tuy nhiên, để có thế hệ kế cận xứng đáng, bảo tồn và phát triển Nhã nhạc một cách bền vững, theo ông Phu, trước hết, cần có chính sách quản lý bảo tồn đặc thù dành cho Nhã nhạc, có chế độ ưu đãi đặc biệt đối với các nghệ nhân nhằm khuyến khích họ đóng góp, truyền đạt kinh nghiệm và bí quyết nghề nghiệp cho thế hệ trẻ.
 
Ông Phu cũng cho biết: “Đội ngũ kế thừa này là các em có năng khiếu và xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật, am hiểu nhạc cung đình. Bản thân các em hầu hết đã sử dụng được các nhạc cụ trình diễn”. Lo lắng về đội ngũ kế thừa, giáo sư Trần Văn Khê cảnh báo về xu hướng biểu diễn vô hồn của nhạc công Nhã nhạc trẻ tuổi, cũng như xu hướng thêm vào các nhạc cụ, bài bản vốn không phải của Nhã nhạc để tạo sự hoành tráng, phong phú. “Chúng ta chỉ nên phát triển Nhã nhạc bằng cách sáng tác những bài bản mới trên cơ sở của giai điệu cũ. Và khi trình diễn, chúng ta cần công khai, minh bạch cho người nghe biết đâu là nguyên gốc, đâu là những bài bản được làm mới” - ông bày tỏ. Nhiều nghệ nhân cũng rất bất bình khi có nhiều tiết mục bị biến tướng với lối tấu nhạc “cắm đầu mà đánh”, còn các nữ vũ công “vừa múa vừa cười” trong khi Nhã nhạc cần sự trang trọng.
 
Thách thức đối với những người bảo tồn di sản văn hoá của dân tộc và nhân loại là không nhỏ. Vấn đề là cái Tâm và trình độ của những người làm công tác bảo tồn đến đâu. Ông Phu cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tổ chức và mở rộng thêm một số đợt nghiên cứu thực tế tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... để khai thác, tìm kiếm nguồn tư liệu tại các viện bảo tàng và trên thực tế để bổ sung nguồn thông tin tin cậy phục vụ công tác nghiên cứu và phục hồi Nhã nhạc sau này.
 
Theo cuocsongviet
  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày